Cần tăng nặng mức xử phạt khi uống rượu lái xe

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 29/04/2016 14:27

Từ kinh nghiệm quốc tế, những giải pháp tăng nặng mức xử phạt, tạm giữ người, hình sự hóa… đang được xem xét để kiềm chế TNGT do rượu bia.

Vấn nạn chung không chỉ ở Việt Nam

Ngày 28/4, Bộ GTVT đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo quốc tế: “Xây dựng hệ thống pháp luật ATGT – kinh nghiệm quốc tế về phòng chống sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

20160428_190128-01.
Lái xe sau khi sử dụng rượu bia là vấn nạn không chỉ ở Việt Nam

Chuyên gia Jonathon Passmore - Trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật phòng ngừa bạo lực và chấn thương, văn phòng WHO Tây Thái Bình Dương cho biết, các quốc gia/khu vực được coi là có luật sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông tốt khi đáp ứng được 2 tiêu chuẩn giới hạn BAC (mức độ tập trung rượu trong máu). Cụ thể, BAC <= 0,05g/dl (gam/đêxilit) đối với toàn dân và giới hạn BAC <= 0,02g/dl 

Giải thích về những tiêu chuẩn này, chuyên gia Jonathon Passmore nhấn mạnh, rủi ro của hành vi lái xe bị suy yếu bởi rượu bắt đầu ở mức rất thấp của sự tiêu thu rượu và bắt đầu tăng cấp số mũ khi nhiều rượu hơn được tiêu thụ, đặc biệt là quá mức BAC > 0,05g/dl.

“Những lái xe trẻ và những người mới học lái thì rủi ro va chạm giao thông đường bộ tăng cao so với những người lái xe lớn tuổi hơn và có kinh nghiệm hơn dưới tác dụng của rượu, bia” – chuyên gia Passmore nói.

Cùng quan điểm trên, ông Leo S Mortimer – Vụ trưởng Vụ Đường bộ và Đường sắt, Bộ GTVT New Zealand cho biết, đối với lái xe dưới 20 tuổi bị giới hạn nồng độ còn là 0mcg trong khí thở và bị xử phạt “không khoan nhượng”. Trong khi đó, lái xe từ 20 tuổi trở lên giới hạn nồng độ cồn là 250mcg khí thở hoặc 50mg/100ml máu.

Đánh giá ban đầu đối với nồng độ cồn trong hơi thở người trưởng thành, ông Leo cho biết thêm, các số liệu của Bộ GTVT nước này chỉ ra rằng, tỷ lệ lái xe trưởng thành vượt qua giới hạn nồng độ cồn trong hơi thở mới đã giảm một nửa kể từ năm 2012. Tỷ lệ vượt quá giới hạn tuổi cũ cũng giảm; các giới hạn nồng độ cồn thấp hơn khi lái xe đang khuyến khích nhiều người tới những quyết định nhạy cảm.

Các số liệu sơ bộ của New Zealand chỉ ra rằng, tác hại của bia rượu chiếm 26% tổn thương do TNGT đường bộ. Số liệu này đối với năm 2014 là 23%, 2013 là 29%, năm 2015 chưa có số liệu đầy đủ. Tỷ lệ người chết do sử dụng bia rượu khi lái xe năm 2014 có giảm; người dân dần có sự thay đổi về hành vi khi giới hạn thấp hơn được công bố.

“Chúng tôi đã thấy quá trình giảm số người chết liên quan tới cồn tiếp diễn. Năm 1989, 41% số vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan tới nồng độ cồn là một phần tác nhân gây tai nạn với 321 người chết (chiếm hơn tổng số ca tử vong của năm trước đó). Trong khi những giới hạn mới đã được thực thi hơn 1 năm, chúng tôi đang thấy những tiến triển tích cực ban đầu, tuy nhiên, chúng tôi sẽ đưa ra đánh giá pháp lý sau khi có đủ 3 năm dữ liệu” – ông Leo nói.

Thống kê về ảnh hưởng của rượu đến hành vi tham gia giao thông tại một số quốc gia cho thấy: 3 bang ở Australia có 3.400 nạn nhân TNGT với 26,7% liên quan đến rượu, 10% liên quán đến rượu + cần xa; ở Mỹ, có 4.063 vụ TNGT với 40% có BAC cao, trong đó, 27% ở nhóm 21 – 34 tuổi, thiệt hại kinh tế liên quan đến rượu và TNGT là 45 tỉ USD; tại Châu Âu, 70,5 tỉ USD giải quyết hậu quả và 25% thanh thiếu niên TNGT liên quan đến rượu.

Về thực trạng tại Việt Nam, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, từ năm 2010 đến 2014 có 40% vụ TNGT xảy ra do chủ phương tiện uống rượu, bia; 11% số người chết khi lưu thông trên đường có liên quan đến đồ uống có cồn.

Theo Cục CSGT, từ năm 2013 đến nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử phạt 389.530 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, trong đó: năm 2013 xử phạt 86.256 trường hợp; năm 2014 xử phạt 126.630 trường hợp; năm 2015 xử phạt 139.684 trường hợp. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2016 đã có 36.651 trường hợp vi phạm bị xử phạt.

Một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên gồm: thói quen sử dụng rượu, bia của người dân, nhất là trong các dịp Lễ, Tết diễn ra tràn lan trên các tuyến giao thông nông thôn, đường liên xã, liên huyện; ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông còn yếu, nhiều người “tự tin” cho rằng mình vẫn làm chủ được hành vi, làm chủ được tay lái sau khi sử dụng rượu, bia; công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với mỗi trường hợp thường rất phức tạp, mất nhiều thời gian trong khi đối tượng vi phạm thường không chấp hành và hay có biểu hiện chống đối.

Cần tăng nặng hình thức xử phạt

Dựa trên bài học từ các quốc gia phát triển, giải pháp tăng nặng hình thức xử phạt được nhiều chuyên gia và các cơ quan, đơn vị liên quan cho là hữu hiệu nhất hiện nay. Tại Hội thảo, Ban ATGT tỉnh Sóc Trăng kiến nghị tăng cường sự nghiêm khắc xử phạt những người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn, cụ thể là nâng chế tài xử phạt gấp 2 – 3 lần hành vi này; áp dụng thêm hình thức tước GPLX vĩnh viễn. Đối với người không chấp hành đo nồng độ cồn thì mức phạt phải cao hơn vi phạm nồng độ cồn. Đưa ra xét xử hình sự đối với các hành vi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông gây tai nạn để răn đe.

do-nong-do-con
CSGT tiến hành đo nồng độ cồn (Ảnh: internet)

Cũng theo Ban ATGT Sóc Trăng, nhà nước cần nghiên cứu các biện pháp, chế tài khác như tăng thuế nhập khẩu, tiêu thụ đồ uống có cồn; cấm bán bia, rượu sau 22 giờ đêm…; Chính phủ đưa ra quy định cấm cán bộ, CNVC đã sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, trong trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật để tạo sức lan tỏa trong nhân dân.

Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho rằng, hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở phải xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội cần được ngăn chặn ngay. Đề nghị bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính như tạm giữ người…. Ban ATGT Đồng Nai cũng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 171, trong nhiều nội dung cần sửa đổi cần có quy định xử phạt thật nghiêm khắc đối với người điều khiển xe cơ giới vi phạm sử dụng rượu, bia quá nồng độ, trong đó nâng mức phạt tiền gấp đôi so với quy định hiện hành.

Ông Trần Văn On, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Long An bày tỏ quan ngại về việc khi xảy ra TNGT thì việc sử dụng rượu bia và chất có cồn không được xác định là lỗi chính mà chỉ là lỗi có liên quan. Theo đó, ông Ong kiến nghị, người gây TNGT nếu có sử dụng rượu bia và chất có cồn vượt mức quy định thì cần xem đó là lỗi chính. Ngoài ra, cần bắt buộc bệnh viện khi tiếp nhận nạn nhân TNGT phải xét nghiệm nồng độ cồn (hiện nay khi có yêu cầu của công an thì bệnh viện mới xét nghiệm); tăng cường các hình thức xử phạt hành chính, hình sự, tước GPLX vô thời hạn đối với các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng; đánh dấu số lần vi phạm nồng độ cồn để có hình thức định khung tăng nặng.

Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, quy định xử phạt về rượu bia hiện nay đối với các trường hợp điều khiển xe mô tô sử dụng rượu bia quá quy định là tương đối thấp, cần phải quy định xử phạt tăng nặng hơn nữa; đồng thời quy định việc tạm giữ người đối với các trường hợp sử dụng rượu bia quá quy định, không cho phép tiếp tục điều khiển phương tiện cho đến khi hoàn toàn tỉnh táo như các nước tiên tiến hiện nay đang áp dụng.

Đồng tình với giải pháp tăng nặng hình thức xử phạt, Phòng CSGT – Công an Tp. Đà Nẵng kiến nghị xây dựng quy trình cưỡng chế vi phạm quy định về nồng độ cồn để tuyên truyền sâu rộng và thường xuyên, liên tục cho người dân biết, chấp hành, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ.

Ý kiến của bạn

Bình luận