Ông Tý (50 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) áp sát một phụ nữ và giơ ngón tay ra hiệu xin tiền tại cây xăng Phương Mai (P.Phước Long A, Q.9) |
Tình trạng này đang xảy ra tại không ít cây xăng ở TP.HCM, khiến người đổ xăng và cả nhân viên cây xăng vô cùng bức xúc nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù.
Giật tiền trắng trợn
Theo điều tra của PV, từ 17g - 20g là thời điểm “ăn nên làm ra” của ông Tý (50 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) tại các cây xăng trên đường Trần Não (P.An Bình, Q.2), xa lộ Hà Nội (P.Phước Long A, Q.9).
Nghề nghiệp chính của ông Tý là chạy xe ôm, nhưng những lúc vắng khách ông lại tranh thủ “vào vai” người hết tiền đổ xăng để lừa đảo.
Khoảng 17g ngày 1-9, khi dòng người tấp nập vào cây xăng An Bình (đường Trần Não, Q.2) đổ xăng, ông Tý dắt bộ xe máy nép vào bên cây xăng nhưng không phải đổ xăng mà để “đóng kịch” xin tiền.
Khi thấy một phụ nữ chạy xe tay ga đang móc bóp tính tiền, ông Tý liền áp sát giơ hai ngón tay, miệng nói: “Xin 20.000 đồng”. Thấy người phụ nữ ngờ vực, ông Tý chỉ tay ra chiếc xe nằm bất động để chứng minh… hết xăng.
Người phụ nữ này ái ngại móc bóp cho ông Tý 10.000 đồng. Moi được 10.000 đồng dễ dàng, ông Tý đi nghênh ngang quanh cây xăng áp sát một phụ nữ khác tiếp tục xin tiền.
Lần này chỉ sau vài ba câu nói, người phụ nữ móc túi đưa ông Tý 20.000 đồng mà không hề biết bị lừa. Trong khoảng 30 phút, chúng tôi ghi nhận ông Tý đút túi trên 100.000 đồng.
Kết thúc màn kịch lừa đảo tại cây xăng An Bình, ông Tý leo lên xe nổ máy chạy xuống cây xăng Phương Mai (P.Phước Long A, Q.9). Dọc đường đi, ông còn tranh thủ chặn đầu xe một phụ nữ và một thanh niên đợi xe buýt trên xa lộ Hà Nội (Q.2) cò cưa xin tiền.
Tại cây xăng Phương Mai, ông Tý chạy qua chạy lại như con thoi xin tiền trên 60 người vào đổ xăng. Ngoài một số người “quen mặt” không cho tiền, ông Tý lừa gạt được rất nhiều người.
Đặc biệt khoảng 18g30, ông Tý chạy tới giơ hai ngón tay vào mặt một phụ nữ chạy xe tay ga nói xe hết xăng và ép cho tiền.
Người này cầm 20.000 đồng trên tay đang lưỡng lự thì ông Tý giật tiền mang tới nhân viên cây xăng đổi thành hai tờ 10.000 đồng, sau đó tự ý lấy 10.000 đồng bỏ túi.
“Ông ta giật tiền, tự ý mang đi đổi rồi lấy tiền. Lúc sau thấy ông ta xin tiền người này đến người khác tôi mới biết đó chỉ là trò lừa đảo” - người phụ nữ bị giật tiền nói. Theo ghi nhận, từ 18g - 19g ông Tý đút túi trên 300.000 đồng.
Mỗi ngày kiếm cả triệu đồng
Cầm đầu nhóm người hoạt động xin đểu tại các cây xăng dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) là Đạt (30 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức). Đạt có dáng người cao, gầy. Lúc “đóng kịch”, Đạt chạy chiếc xe Wave màu trắng, đội mũ lưỡi trai, mặc quần soóc.
Ngoài Đạt còn có hai đối tượng là một thanh niên khoảng 25 tuổi và một người đàn ông trạc 50 tuổi. Hằng ngày nhóm này chầu chực xin tiền người đổ xăng tại ba cây xăng trên đường Phạm Văn Đồng.
Khoảng 17g ngày 14-8, Đạt chạy xe từ đường số 23 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) tới cây xăng Saigon Petro trên đường Phạm Văn Đồng.
Khi cách cây xăng khoảng 20m, Đạt tắt máy đẩy xe vào trong cửa hàng “đóng kịch” hết xăng xin tiền. Đứng quan sát vài giây, Đạt chạy tới một người đàn ông xin 20.000 đồng. Lúc sau với vẻ mặt khổ sở, Đạt lại “đeo” theo một nữ sinh xin 10.000 đồng.
Chiều cùng ngày, hành vi “đóng kịch” xin đểu của Đạt vào “tầm ngắm” của Công an P.Hiệp Bình Chánh. Khi Đạt đang giấu tiền vào cốp thì năm công an lao tới bắt nhưng Đạt đã kịp “đánh hơi” rồ ga tẩu thoát.
Một nhân viên cây xăng (đề nghị không nêu tên) cho biết các đối tượng này thường xuyên lui tới xin tiền rất nhiều người. Mỗi ngày họ kiếm cả triệu đồng nhưng không ai dám lên tiếng vì họ rất hung dữ. Đạt rất manh động, luôn trữ “hàng nóng” trong cốp xe để dọa người đổ xăng.
“Nhìn mặt chúng lờ đờ như bị nghiện. Nếu người đổ xăng không cho tiền thì chúng chửi bới rất thô tục” - nhân viên này nói.
Sau đó ông Tý lại xin tiền một người khác cũng tại cây xăng này |
Mánh khóe xin đểu
Nhiều ngày “mật phục” tại các cây xăng khác ở TP.HCM, phóng viên Tuổi Trẻxác định tại một số cây xăng ở tuyến đường nội thành như Điện Biên Phủ, Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), Lý Chính Thắng, Trần Huy Liệu (Q.3), Nguyễn Kiệm, Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận), Kinh Dương Vương (Q.6)… cũng thường xuyên xuất hiện băng nhóm xin đểu tiền người đổ xăng.
Để tránh bị phát hiện, các đối tượng này thường luân phiên “cắm chốt” tại nhiều cây xăng (đặc biệt cây xăng đông khách).
So với các đối tượng xin đểu khác, Nguyễn Văn Tuấn (tên thường gọi Tuấn “mỏ cò”, ngụ Q.12) lại có địa bàn hoạt động khá rộng trải đều ở nhiều cây xăng các quận 2, 3, 9, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh…
Tuấn cạo trọc đầu, mặt sáng sủa, thân hình to, khỏe… nhưng mỗi lần đi “đóng kịch” lại hóa trang trong bộ đồ khá nhếch nhác.
Sáng 3-9, sau một vòng chạy xe Dream màu mận đảo qua hàng loạt cây xăng từ Q.12 sang Q.3, Tuấn tấp xe vào cây xăng Petrolimex (đường Trương Định, Q.3) tiếp tục xin tiền.
Khi chỉ còn cách cây xăng 50m, Tuấn vội tắt máy, xuống xe với vẻ mặt đầy khắc khổ, ì ạch dắt bộ xe vào đậu trước cây xăng.
Tại đây thay vì áp sát người đổ xăng, Tuấn đứng ngoài “dạo đầu” bằng câu: “Anh, chị ơi! Em hết tiền đổ xăng, cho thằng em mấy chục chứ đường sá xa xôi không mang theo tiền”.
Sau màn “dạo đầu” gây chú ý, Tuấn bước vào cây xăng miệng nói, tay chìa ra xin tiền. Trước “vở diễn” quá hoàn hảo này, nhiều người không mảy may nghi ngờ móc bóp cho Tuấn 10.000 - 20.000 đồng. Toàn bộ số tiền moi được từ người đổ xăng, Tuấn bỏ túi phóng xe đi.
Xong “vở kịch” tại cây xăng ở đường Trương Định, Tuấn gấp rút “chạy sô” đến cây xăng ở giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Huỳnh Văn Bánh (P.15, Q.Phú Nhuận). Vẫn trò cũ, Tuấn moi được tiền trên năm người. Nhiều người sau khi rút tiền cho Tuấn còn mỉm cười, chào Tuấn.
Tuấn kết thúc buổi sáng với “màn kịch” xin tiền tại một cây xăng ở giao lộ Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận). Cứ thế, trong vòng vài giờ Tuấn kiếm gần 300.000 đồng.
Ở độ tuổi 35, Tuấn trải qua nhiều nghề như phụ hồ, xe ôm… Theo Tuấn, do chạy xe mệt nhọc nên mới chuyển qua nghề “xin đểu” ở cây xăng.
Trưa 3-9, sau một buổi “chạy sô” lừa xin đểu tại nhiều cây xăng, Tuấn chạy về Q.Gò Vấp, tấp xe vào quán cà phê trên đường Trần Thị Nghĩ nghỉ giải lao. Theo Tuấn, chỉ cần mua một chiếc xe máy đời cũ giá tầm 2 triệu đồng và phải “dạn dĩ” mới có thể đánh lừa được nhiều người.
“Dạn nghĩa là phải chai mặt, lì lợm. Khách chửi bới cũng ráng chịu, nhưng nếu khách quay sang gây gổ thì thủ hàng sẵn sàng kháng cự - Tuấn giải thích rồi tiết lộ chiêu thức - Khi gần đến cây xăng thì mình tắt xe, dắt bộ.
Miệng nói, mặt nhăn nhó đau khổ nhưng đôi tay phải chìa ra để người ta khó từ chối. Xin cả trăm người cũng phải có vài chục người cho tiền. Lúc hên có người chạy ôtô cho hẳn tờ 500.000 đồng. Mỗi ngày có thể kiếm được 500.000 - 600.000 đồng, sống khỏe cả ngày”.
Ngoài việc xin đểu tại cây xăng, tình trạng xin đểu dạo xuất hiện ở nhiều tuyến đường TP.HCM. Trưa 2-9, ông Thuần (35 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đạp xe áp sát một nữ sinh đang đổ xăng tại cây xăng trên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) “xin” 10.000 đồng.
Lúc sau, ông này lẻn vào hẻm nhỏ ép xe một người ngụ Q.2 xin “mấy chục sống qua ngày”. Khi được cho có 10.000 đồng, ông Thuần bỉu môi chê: “Cho có 10.000 đồng thôi à, cho thêm 50.000 đồng nữa đi, thương thì thương cho trót”.
Khoảng 9g ngày 5-9 tại đường Võ Thị Sáu (P.Tân Định, Q.1), một người đàn ông dắt xe máy áp sát tài xế taxi đậu xe trên vỉa hè than vãn hết tiền đổ xăng để xin tiền.
Vài phút sau, người này trắng trợn chặn đầu xe máy, ép một cô gái đưa 20.000 đồng. Trong vòng 15 phút người xin đểu này kiếm trên 100.000 đồng.
“Mất niềm tin” Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (26 tuổi, ngụ P.Linh Đông, Q.Thủ Đức). Chị Dung là người từng bị các đối tượng lừa gạt trắng trợn tại cây xăng. “Hôm đó trên đường đi làm về tôi ghé vào cây xăng Saigon Petro trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) đổ xăng. Lúc đang loay hoay trả tiền thì một người đàn ông ăn mặc khắc khổ dắt xe đến xin 20.000 đồng đổ xăng về Bình Dương, tiện thể xin thêm 10.000 đồng uống nước. Tôi rất ít khi cho tiền người ngoài đường nhưng do thấm thía tình cảnh mình từng bị hết xăng, trong người không còn đồng nào và được mọi người giúp nên tôi gạt bỏ sự nghi ngờ, giúp ông này. Tuy nhiên khi ông này vừa dắt xe đi, nhân viên cây xăng nói nhỏ với tôi người đàn ông đó chuyên “đóng kịch” xin tiền. Tôi nán lại vài phút quan sát thì chứng kiến toàn bộ màn kịch lừa đảo của người đàn ông này và thất vọng vô cùng” - chị Dung kể. Theo chị Dung, việc làm của những đối tượng này làm mất đi niềm tin giữa con người và con người. “Sẽ còn rất nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ, nhưng vì không biết tin vào ai nên không ai còn dám giúp” - chị Dung tâm sự. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.