Nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Ảnh minh họa |
Xót xa nỗi đau mang tên đuối nước
Theo Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn thế giới có 900.000 ca tử vong trẻ em, tương đương với 2.000 trẻ em tử vong mỗi ngày, 100 trẻ em chết mỗi giờ. Trong đó, 60% tai nạn thương tích gây tử vong ở trẻ em dưới 18 tuổi là do tai nạn đuối nước, TNGT đường bộ, bỏng do lửa, ngã hay ngộ độc.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2010 - 2015, trung bình mỗi năm có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong đó, nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5 - 14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển. Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2016, theo báo cáo của 54/63 tỉnh, thành, mặc dù có nhiều biện pháp chỉ đạo sát sao nhưng tình hình đuối nước trẻ em chưa giảm, số trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích là trên 1.600 em, trong đó có gần 1.000 em bị tử vong do đuối nước. Điều đó cho thấy tình hình đuối nước của trẻ em vẫn còn rất nghiêm trọng.
Thời gian qua, phòng chống tai nạn đuối nước đã được cả xã hội quan tâm, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng liên tục tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội.
Tuy nhiên, nỗi đau mang tên đuối nước vẫn tiếp tục xảy ra, mang đến đau thương cho biết bao gia đình có các em nhỏ gặp nạn. Gần đây nhất, ngày 15/10 vừa qua tại sông Cà Lồ, đoạn qua địa bàn xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội đã xảy ra vụ việc 4 em học sinh và 01 em đang học mầm non bị đuối nước. Cả 5 em đều là anh em họ hàng, rủ nhau ra sông Cà Lồ câu cá và gặp nạn. Đoạn sông này nước không chảy siết nên người dân quanh làng thường xuyên tắm tại đây, tuy nhiên những ngày ấy, nước dâng cao và tai họa đã ập đến.
Tiếp đó, ngày 01/11 tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, một bé trai 02 tuổi đã tự ý rời khỏi trường mầm non và tử vong do đuối nước sau khi ngã xuống bờ ruộng cách trường khoảng 200m.
Đâu là giải pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em
Theo bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nguyên nhân dẫn đến đuối nước hiện nay xuất phát từ ý thức còn xem nhẹ việc giáo dục cho trẻ em các biện pháp đảm bảo an toàn. Trách nhiệm chủ yếu là gia đình của các em, nhưng song hành với đó cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương và toàn xã hội.
Nhằm kiềm chế tai nạn thương tích do đuối nước ở trẻ em hiện nay thì phát triển kỹ năng cho trẻ là yếu tố quan trọng nhất. Trong đó, phải tổ chức dạy kỹ năng an toàn, dạy bơi cho trẻ em; hướng dẫn các địa phương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn và tổ chức dạy bơi cho trẻ em lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở tại trường học và tại cộng đồng, xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng an toàn cho trẻ em trong môi trường nước.
Bên cạnh đó, phần quan trọng không kém là phải cải tạo môi trường có nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Đối với các khu vực nông thôn cần rào ao, làm nắp giếng, cắm biển báo nguy hiểm, xây cầu qua sông…
“Chúng ta cần quản lý trẻ, trông trẻ chặt chẽ hơn; phải tiếp tục tổ chức điểm giữ trẻ trong mùa lũ; thí điểm việc trông trẻ tại các nhóm trẻ gia đình. Đoàn Thanh niên nên có những hoạt động, quản lý trẻ trong dịp nghỉ hè. Nhà trường quản lý trẻ trong thời gian học tại trường”, bà Thoa nhấn mạnh.
Về phía các cơ quan hữu quan, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cần phải được thực hiện có chiều sâu hơn nữa, cần cụ thể hóa tới các cấp, các ngành, cộng đồng, bậc cha mẹ và bản thân trẻ em đối với việc phòng chống đuối nước trẻ em; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn của các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện Quyết định 234/QĐ-TTg về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có phòng chống đuối nước trẻ em; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó tập trung triển khai xây dựng kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác phòng chống đuối nước trẻ em tại các địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm gây tử vong do đuối nước ở trẻ em.
Mặt khác, cần nghiên cứu, rà soát và ban hành các chính sách hỗ trợ phòng chống đuối nước trẻ em; phối hợp xây dựng trình Chính phủ chính sách hỗ trợ học bơi cho trẻ em; cần thực hiện quy định của pháp luật về an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em như chấp hành quy định an toàn về áo phao…
Cũng theo Phó Cục trưởng Vũ Thị Kim Thoa, các cấp bộ, ngành, địa phương cần tăng cường đầu tư nguồn lực của Nhà nước và của từng địa phương cho công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em. Đặc biệt, các địa phương cần quan tâm đầu tư ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng các bể bơi, hồ bơi đơn giản và dạy bơi cho trẻ em
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.