Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn |
Xin Thứ trưởng đánh giá khái quát về thực trạng phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay hiện nay của Việt Nam như thế nào? Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay nước ta thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt?
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: Đối với ngành Hàng không, từ năm 1997 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vào các năm 1997 và 2009. Gần đây nhất, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018). Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 quy hoạch tổng cộng 23 CHK, định hướng đến năm 2030 quy hoạch tổng cộng 28 CHK.
Hiện trạng hệ thống CHK Việt Nam gồm 22 CHK, trong đó có 9 CHK quốc tế và 13 CHK quốc nội. Đến nay, hệ thống CHK, sân bay toàn quốc được đầu tư xây dựng theo đúng Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống CHK được phân bổ hài hòa, hợp lý, cơ bản đảm bảo khả năng tiếp cận cao của dân số. Mạng CHK được quy hoạch theo mô hình mạng đường bay trục nan với Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh là 3 đầu mối chính tập trung hành khách, hàng hóa để kết nối với các đường bay quốc nội và quốc tế.
Giai đoạn 2010 - 2019, sản lượng khai thác đạt mức tăng trưởng bình quân 16,38%/năm về hành khách, 11,45%/năm về hàng hóa. Giai đoạn từ năm 2014 - 2019, công suất thiết kế toàn hệ thống CHK đã tăng gần gấp đôi. Như vậy, trong giai đoạn vừa qua, kết cấu hạ tầng ngành Hàng không Việt Nam phát triển tương đối mạnh mẽ. Tuy nhiên hiện nay, một số CHK đầu mối đang khai thác trong tình trạng quá tải (như CHK quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh) do triển khai đầu tư còn chậm so với quy hoạch.
Triển khai Luật Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó giao Bộ GTVT lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, Bộ GTVT đang tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch trình Hội đồng thẩm định xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài |
Được biết, gần đây Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và tư vấn thiết kế xây dựng bổ sung quy hoạch hệ thống CHK, sân bay trình Chính phủ. Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm và định hướng của Bộ về điều chỉnh quy hoạch lần này?
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: Quy hoạch phát triển GTVT hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 (Quy hoạch 236) cho giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch hệ thống CHK nằm trong hệ thống Quy hoạch ngành quốc gia nên cần được xây dựng cho thời kỳ 10 năm (2021 - 2030), tầm nhìn 20 - 30 năm (đến năm 2050). Vì vậy, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc lần này không phải là quy hoạch điều chỉnh mà kế thừa, rà soát việc thực hiện Quy hoạch 236, đồng thời nghiên cứu, định hướng phát triển hệ thống các CHK tầm nhìn đến năm 2050.
Kết cấu hạ tầng hàng không là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, bền vững, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ quyền vùng trời. Quy hoạch hệ thống CHK cần phát huy thế mạnh ngành Hàng không trong vận chuyển hành khách và hàng hóa có giá trị, cự ly trung bình đến dài và tác động lớn đối với hội nhập quốc tế; phù hợp với xu thế phát triển của hàng không thế giới; kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác, hệ thống hạ tầng giao thông các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn; kết nối hiệu quả giữa hàng không trong nước với khu vực và quốc tế.
Gần đây rộ lên việc nhiều địa phương (Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Giang...) đồng loạt xin bổ sung quy hoạch và đề xuất xây CHK, sân bay. Vậy, quan điểm của Bộ GTVT về việc này như thế nào và để công tác quy hoạch sát với thực tế phục vụ phát triển, tránh dàn trải, lãng phí thì cần lưu ý những vấn đề gì thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: Đến nay, Bộ GTVT nhận được ý kiến của nhiều tỉnh, thành phố đề xuất quy hoạch CHK mới trên địa bàn. Về quan điểm, Bộ GTVT cho rằng đề xuất của các địa phương nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội là chính đáng. Bộ GTVT xin ghi nhận ý kiến đề xuất của các địa phương.
Hệ thống CHK, sân bay toàn quốc cần được quy hoạch bảo đảm các yếu tố về địa lý, điều kiện tự nhiên (tĩnh không, vùng trời, đất đai...), dân số; nhu cầu phát triển vùng, miền; bảo đảm quốc phòng, an ninh, khẩn nguy cứu trợ, thích ứng biến đổi khí hậu; kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác... Nội dung đề xuất của các địa phương đều được Bộ GTVT xem xét một cách kỹ lưỡng trên cơ sở các tiêu chí theo các phương pháp khoa học, trong đó có tính đến việc sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, quỹ đất, cự ly tiếp cận của người dân đến các CHK, tác động của các loại hình vận tải khác trong tương lai (đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao...).
Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, tư vấn rà soát kỹ lưỡng các đề xuất này để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, đảm bảo tính hiệu quả của toàn mạng CHK, báo cáo Bộ GTVT trình Hội đồng thẩm định quy hoạch.
Thưa Thứ trưởng, khi đề xuất quy hoạch CHK, các địa phương đều đưa ra cơ sở thuyết phục, vậy đâu là tiêu chí để xem xét, đánh giá, quy hoạch CHK?
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: Một trong những nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rà soát, đánh giá hệ thống CHK hiện hữu, nhu cầu vận tải bằng đường hàng không, kinh nghiệm quốc tế để xem xét, đề xuất bổ sung các CHK mới cho phù hợp.
Đối với các CHK mới, trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải của 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không), điều kiện tự nhiên, hiệu quả kinh tế, kinh nghiệm quốc tế và các phương pháp khoa học. Tư vấn đề xuất 6 tiêu chí chính (22 tiêu chí chi tiết) về sự cần thiết và mức độ khả thi đối với CHK mới gồm: nhu cầu sản lượng, kinh tế - xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch), an ninh - quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược), khẩn nguy cứu trợ, điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai), cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tiếp cận các CHK lân cận). Trên cơ sở hệ thống tiêu chí nêu trên, tư vấn đã thực hiện rà soát, đánh giá cho toàn bộ 63 địa phương trên cả nước để đảm bảo tính khách quan và khoa học trong công tác quy hoạch.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.