Cần xem xét tiêu chí thi nâng hạng bằng lái xe khách

Ý kiến phản biện 07/01/2018 05:22

Các nguyên nhân tai nạn đã khiến Bộ GTVT phải yêu cầu nghiên cứu bổ sung quy định cấp giấy phép lái xe cho xe khách

 

Cần xem xét tiêu chí thi nâng hạng bằng lái xe khá
Việc xem xét, nâng tiêu chuẩn đối với lái xe kinh doanh vận tải nỏi chung và xe khách nói riêng là cần thiết (Ảnh: Zing.vn)

Theo quy định tại Thông tư 12 năm 2016 do Bộ GTVT ban hành, để được lái xe khách, lái xe phải có giấy phép lái xe hạng D trở lên. Bằng lái xe hạng D có thể điều khiển xe ở các hạng B và C và xe chở người từ 10-30 chỗ ngồi. Bằng lái xe hạng E được điều khiển xe ở các hạng B và C và xe chở người trên 30 chỗ ngồi.

Thông tư này cũng quy định, người có bằng B2 muốn thi nâng hạng lên bằng C, bằng hạng C muốn thì lên hạng D phải có thời gian hành nghề 3 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên. Còn từ hạng B2 lên D, C lên E phải có thời gian hành nghề 5 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên. Bên cạnh đó, người lái xe khách hạng D, E phải có trình độ tốt nghiệp THCS trở lên và phải đủ 24 tuổi.

Nói về quy định tiêu chuẩn nâng hạng lên bằng D, E để chở khách và kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay có 2 luồng ý kiến về việc cấp giấy phép lái xe kinh doanh vận tải, đặc biệt là xe khách. Có ý kiến cho rằng, quy định tiêu chuẩn cao quá có thể dẫn tới thiếu lái xe. Cũng có ý kiến cho rằng, cần nâng tiêu chuẩn xét thi nâng hạng đối với xe kinh doanh vận tải, nhất là xe khách. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng, cần nâng cao vai trò của đơn vị quản lý lái xe.

Ông Quân nói: “Việc quản lý lái xe kinh doanh vận tải thì việc đào tạo chỉ là một phần, mà quản lý, giáo dục thì cơ sở kinh doanh vận tải, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm. Hiện nay Bộ đang hướng đến việc nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý lái xe. “

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, cần phải quản lý chặt chẽ hơn đối với đội ngũ lái xe chuyên nghiệp. Theo ông Thanh, hiện nay từ khâu đào tạo, sát hạch đến khi hành nghề lái xe kinh doanh vận tải đang không được quan tâm đúng mức.

Ông Thanh nói: “Hiện nay thời gian đào tạo ngắn quá, và chỉ đào tạo kỹ năng lái xe thôi, còn kỹ năng khác còn bị coi nhẹ, kỹ năng khắc phục sự cố, kỹ năng đối xử trên đường, văn hóa giao thông ra sao, hiện coi nhẹ cái này quá. Bao nhiêu năm nay không ai chú ý cả, nhưng bây giờ phải nhắc nhở lại, kéo dài thời gian học ra, đào tạo thêm các kỹ năng chứ không phải chỉ lên cầm vô lăng không.”

TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng UBATGTQG cũng cho rằng, việc xem xét, nâng tiêu chuẩn đối với lái xe kinh doanh vận tải nỏi chung và xe khách nói riêng là cần thiết. Theo ông Minh, thời gian qua có rất nhiều vụ TNGT do xe kinh doanh vận tải gây ra. Do vậy, ông Minh cho rằng, việc xem xét, nâng tiêu chuẩn thi nâng hạng lái xe kinh doanh vận tải, đặc biệt là xe khách là cần thiết.

Ông Minh nói: “Tôi cho rằng nếu được áp dụng thì đây là biện pháp đóng góp rất lớn vào việc đảm bảo an toàn giao thông trên toàn quốc, bởi vì có rất nhiều vụ TNGT hiện nay là do xe kinh doanh vận tải gây ra, cả xe khách và xe tải. Những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận phần lớn do xe kinh doanh vận tải. Bởi vậy nếu chúng ta có những giải pháp tăng cường quản lý điều kiện với xe kinh doanh vận tải thì chắc chắn yếu tố an toàn của xe kinh doanh vận tải sẽ được cải thiện đáng kể.”

Dẫn chứng kinh nghiệm quản lý trên thế giới, ông Minh cho biết, với lái xe kinh doanh vận tải bao giờ cũng cao hơn và khắt khe hơn những người lái xe bình thường, từ thời gian lái xe đến quãng đường lái xe an toàn. Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng, việc sát hạch thì cũng phải đưa các nội dung khác vào, chẳng hạn như các tình huống xảy ra trên đường; bồi dưỡng nghiệp vụ khi hành nghề… lái xe phải luôn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, đào tạo lại. Theo ông Minh, cần gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp chứ không thể khoán cho lái xe trên đường.

Ý kiến của bạn

Bình luận