Ôtô đậu tràn vào hẻm 212 Nguyễn Trãi, quận 1 TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, nhiều chủ ôtô ngang nhiên đậu xe trong các con hẻm nhỏ.
Thậm chí các tài xế taxi, Grab, Uber còn tận dụng diện tích đường hẻm làm chỗ đậu xe nghỉ trưa, chờ khách khiến người dân không còn lối đi lại.
Không lối thoát
Hàng loạt con hẻm ở các quận 1, 3, Tân Bình, Bình Thạnh (TP.HCM)... được chủ xe, tài xế ôtô trưng dụng làm chỗ đậu xe mà không bị xử phạt, cũng không phải đóng bất kỳ chi phí dừng, đỗ xe nào theo quy định của pháp luật.
Sáng 28-5, chúng tôi ghi nhận tại hẻm 286 Trần Hưng Đạo (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1), hàng chục chiếc ôtô nối đuôi nhau đậu trên đường chiếm 1/2 bề rộng hẻm. Người dân yêu cầu tài xế tìm chỗ đậu khác nhưng tài xế vẫn vô tư mở cửa xe hóng gió.
Ông Phan Tiến Trình - một người dân sống tại đây - cho biết các hộ dân đã nhiều lần ý kiến lên phường nhưng không thấy giải quyết.
Trong khi đó, ông Phan Quang Minh - một người dân sống trong hẻm 108 Phan Huy Ích (P.15, Q.Tân Bình) - nói đã mấy lần cự cãi với tài xế taxi đậu xe ngay trước cửa nhà mình, cản trở việc đi lại.
“Suốt nửa năm nay, nhiều taxi, xe Grab... thường xuyên đậu ngay trước cửa nhà tôi để nghỉ ngơi hoặc chờ khách. Những xe này đậu ở đây từ 3-5 tiếng khiến chúng tôi không còn đường nào để dắt xe máy ra vào.
Khi chúng tôi nhắc nhở tài xế thì nhận được câu trả lời: “Đường có biển cấm đậu xe không? Hẻm này của nhà mày xây à?”. Mấy lần tôi mở cửa ra vô tình va quẹt vào ôtô thì bị chửi bới và bắt đền tiền”.
Ông Nguyễn Văn Thành - một người dân sống ở hẻm 300 Lê Văn Sỹ (Q.3) - cho biết ngày nào cũng có mấy chục chiếc taxi, ôtô đậu rải rác khắp hẻm.
Chỉ vào hàng xe đang đậu ngay trước cửa nhà mình, ông Thành bức xúc kể: “Cách đây nửa tháng, vợ tôi bị tụt huyết áp phải gọi xe cấp cứu. Thế nhưng, xe cấp cứu không thể vào được vì lượng ôtô đậu trong hẻm quá đông”.
Chỉ xử phạt khi có biển cấm đậu
Ông Đặng Minh Nguyên - Chủ tịch UBND P.25, Q.Bình Thạnh - cho biết nhiều tuyến đường trên địa bàn phường bị chiếm dụng đậu ôtô như D3, D5, Ung Văn Khiêm...
Hiện nay, đơn vị này đang tích cực ra quân để xử lý các trường hợp dừng, đậu ôtô lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị.
Thế nhưng, UBND phường chỉ có thể xử lý các trường hợp đậu xe sai quy định, đậu xe trên các tuyến đường có biển báo cấm đậu ôtô. Ngoài ra, nếu tài xế đậu xe ở những đường hẻm nhỏ không có biển báo cấm thì rất khó xử lý.
Ông Nguyễn Văn Phước - trưởng Công an phường Phạm Ngũ Lão (Q.1) - cũng khẳng định cơ quan này chỉ xử lý đúng theo biển báo giao thông.
Nhiều con hẻm, tuyến đường ở khu phố Tây Bùi Viện (Q.1) bị lấn chiếm để đậu ôtô nhưng vì không có biển báo cấm ôtô nên không thể xử phạt được.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Khánh - chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cũng thừa nhận tình trạng ôtô đậu trong các hẻm khó xử lý triệt để.
Lực lượng thanh tra giao thông chỉ phạt các trường hợp đậu xe trên tuyến đường có biển báo cấm đậu. Còn khi tài xế cho xe đậu trong hẻm, thanh tra giao thông sẽ nhắc nhở chứ không lập biên bản xử phạt được.
Ảnh hưởng đến giao thông là vi phạm
Ông Phạm Việt Công, Trưởng phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ - Cục CSGT, cho rằng về nguyên tắc lòng đường là để dành cho lưu thông nên cấm đậu xe trừ những nơi được bố trí, cấp phép cho đỗ xe theo quy định.
Theo ông Công, người dân cũng cần hiểu rõ khái niệm dừng xe và đỗ xe bởi ở những nơi không có biển cấm thì những trường hợp bất khả kháng phải dừng xe tạm thời thì không vi phạm, nhưng nếu đỗ xe làm ảnh hưởng đến giao thông thì vẫn vi phạm.
Còn những nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ thì người dân phải chấp hành.
“Ví dụ như ở các nơi không có biển cấm người dân có thể dừng xe để cho người khác xuống và việc dừng xe cũng phải chấp hành những quy định cụ thể được quy định trong Luật giao thông đường bộ, còn việc đỗ hẳn xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông thì vẫn bị xử phạt” - ông Công nói.
Về việc một số tuyến phố cho phép đậu xe dưới lòng đường ảnh hưởng đến các cơ sở kinh doanh, theo ông Công, về nguyên tắc lòng đường để lưu thông phương tiện chứ không phải phục vụ cho một nhà hàng, một cơ sở kinh doanh nào đó.
Người dân kinh doanh cũng phải tuân thủ theo quy định vì không phải cứ lòng đường trước cửa nhà hàng, cửa hàng là không được phép đỗ. Vị trí được đỗ dĩ nhiên phải được phép của cơ quan có thẩm quyền và không ảnh hưởng đến giao thông” - ông Công lý giải.
Về biện pháp giải quyết “xung đột” giữa người dân và ôtô đậu dưới lòng đường, theo ông Công, trong điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện tại thì những khu vực dân cư có thể đáp ứng được thì cơ quan quản lý khai thác đường bộ sẽ nghiên cứu, bố trí những điểm đỗ xe và quản lý chặt chẽ.
Đối với những trường hợp cố tình đỗ xe, ảnh hưởng đến giao thông thì các cơ quan chức năng, chính quyền cần siết chặt công tác kiểm tra và xử phạt vi phạm theo quy định.
Không tự ý đập phá ôtô đậu trong hẻm Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, việc người dân bức xúc về việc chủ phương tiện tự ý đậu xe ngoài đường cản trở giao thông hoặc gây trở ngại cho việc sinh hoạt của họ nên đã có hành vi vẽ lên xe hoặc đập phá xe đang dừng, đậu. Hành vi này có thể được xem là hành vi “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”. Tùy mức độ, tính chất của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Đậu xe nơi không có biển cấm, vẫn xử được Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), hiện nay trong các con hẻm nhỏ thường không có biển báo cấm đậu xe. Do vậy, nhiều tài xế, chủ ôtô lợi dụng kẽ hở này đem xe vào đậu tràn lan trong các con hẻm. Tuy nhiên, trong trường hợp này chủ phương tiện vẫn có thể bị xử lý về các hành vi như đậu xe không đúng khoảng cách, đậu xe không sát mép lề đường, hoặc những hành vi khác vi phạm quy định về hành vi đậu xe theo điểm h, khoản 2 điều 5 nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt... |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.