Tàu chở dầu Front Altair bị tấn công ở biển Oman ngày 13-6 |
“Hai cuộc tấn công vào tàu chở dầu (Front Altair và Kokuka Courageous ở biển Oman ngày 13-6-2019) đã gây tổn thất hàng triệu USD” - Frédéric Denèfle, Tổng giám đốc Tập đoàn Garex, chuyên bảo hiểm rủi ro chiến tranh hàng hải, cho biết.
“Rủi ro càng lớn phí bảo hiểm càng cao”, ông Denèfle nói thêm và giải thích rằng, các chủ tàu hiện đang bị các hãng bảo hiểm cảnh báo về lưu thông ở vùng Vịnh và phải chịu đóng thêm phụ phí.
Căng thẳng quanh eo biển Hormuz, nơi có đến gần 1/3 dầu thô toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, đã tăng lên trong những tuần gần đây sau một loạt các sự kiện, bao gồm cả các cuộc tấn công tàu chở dầu kể từ tháng 5-2019 và việc một máy bay không người lái của Mỹ bị Iran bắn hạ, cũng như sau lời kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế để hộ tống các tàu thương mại của Mỹ vào tuần trước.
Việc bảo hiểm cho một con tàu trong 1 năm tương đương với khoảng 0,01% giá trị của tàu - theo Christian Zaninetti, chuyên gia về thân tàu thương mại thuộc Công ty Môi giới bảo hiểm Marsh France.
Không tiết lộ số tiền cụ thể, nhưng Christian Zaninetti cho biết, kể từ giữa tháng 5-2019 đến nay, phí bảo hiểm cho một chuyến tàu có chở hàng khứ hồi trong 7 ngày ở các nước vùng Vịnh đã tăng lên khoảng 30 lần.
Hỗ trợ kéo tàu, sửa chữa, thanh toán hàng hóa bị mất..., các công ty bảo hiểm phải đối phó với sự gia tăng rủi ro tiềm tàng - ông Denèfle nói.
Về mặt cơ học, một số chủ tàu chuyển giao mức tăng phí bảo hiểm cho khách hàng của họ. Công ty vận chuyển CMA CGM kể từ ngày 5-7-2019 đã đưa ra mục phụ phí “rủi ro bổ sung ở Trung Đông” là 36 USD/TEU và phải được thanh toán cho tất cả hàng hóa được vận chuyển đến hoặc đi từ Oman, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Arập Xêút, Kuwait, Iraq, Qatar và Bahrain.
Nelly Grassin, Giám đốc môi trường và an toàn tại Armateurs de France (Liên đoàn các hãng vận tải biển của Pháp) cho biết, sự gia tăng các mối đe dọa cũng có thể dẫn đến sự gia tăng tiền lương của những người đi biển vì họ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn.
Có một rủi ro khá cao với các tàu thương mại, một chuyên gia thuộc Thomas, thuộc Armateurs de France cho biết, đồng thời nhắc nhở các tàu thương mại không nên trang bị lính gác vũ trang trên tàu hoặc vũ khí hạng nặng như tàu chiến.
Mỹ tích cực vào cuộc
Để bảo vệ vận tải hàng hải thương mại, Mỹ muốn thành lập một liên minh quốc tế hộ tống tàu vào vùng Vịnh. Tướng Kenneth McKenzie, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, ngày 17-7-2019 đã cam kết sẽ tích cực hành động để bảo đảm an toàn cho giao thông trong vùng biển chiến lược ở vùng Vịnh sau một loạt các vụ tấn công mà Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm.
“Chúng tôi đang thảo luận với cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Trung Đông”, tướng McKenzie nói với các phóng viên tại căn cứ không quân Prince Sultan ở Al-Kharj, gần Riyadh.
“Chúng tôi sẽ làm việc tích cực với các đối tác của mình để cho phép tàu chở dầu và các sản phẩm khác tự do đi lại trong khu vực”, tướng McKenzie nói thêm.
“Chúng tôi sẽ cố gắng cùng với liên minh này cung cấp một đội hộ tống hải quân cho các tàu thương mại để bảo đảm quyền tự do hàng hải trong khu vực chiến lược này, nhất là cho các tàu vận chuyển dầu”, tướng Mark Milley giải thích trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ.
Tướng Joseph Dunford, cựu Bộ trưởng Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, ngày 10-7-2019 cho biết rằng: Washington đang xác định các quốc gia nào sẽ tham gia hỗ trợ sáng kiến này và sau đó xác định cách hành động quân sự chuyên biệt cho chiến dịch quy mô lớn này, liên quan đến eo biển Hormuz và phía Tây bán đảo Arập.
Nhưng một số nhà lãnh đạo châu Âu dường như miễn cưỡng thực hiện các biện pháp quân sự ở khu vực này, nơi chỉ cần một cuộc giao tranh nhỏ nhất cũng có thể biến thành xung đột lớn.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết hồi tháng trước rằng, ông hy vọng sẽ có hơn 20 quốc gia, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Arập Xêút, hợp tác để tăng cường an ninh cho vận tải hàng hải trong khu vực.
“Đây không phải là vấn đề của người Mỹ, đây là vấn đề quốc tế và chúng tôi mong muốn trở thành một phần của giải pháp quốc tế”, tướng McKenzie nói. Ông McKenzie từ chối xác nhận thông tin của CNN về việc Mỹ gửi 500 lính đến Arập Xêút. Hồi tháng 5-2019, Mỹ tuyên bố đang triển khai thêm 1.500 binh sĩ đến Trung Đông để chống lại những gì Mỹ gọi là “mối đe dọa đáng lo ngại” từ Iran.
Ngày 18-7, Tướng McKenzie đã có chuyến đi tới Arập Xêút. Chuyến đi này diễn ra một ngày sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu ngăn chặn việc Nhà Trắng muốn bán một lượng vũ khí trị giá 8,1 tỉ USD cho Arập Xêút và các đồng minh khác trong khu vực Trung Đông. Theo AFP, Tổng thống Donald Trump có lẽ sẽ phủ quyết quyết định của Hạ viện Mỹ.
Song, những biện pháp an ninh của Mỹ sẽ không nhất thiết làm giảm rủi ro cho các công ty bảo hiểm vì họ sợ leo thang căng thẳng.
“Hoạt động chống cướp biển ở Ấn Độ Dương đã mang lại một số thành quả đáng mừng nhưng ở đây chúng ta đang phải đối mặt với các sự kiện như rủi ro chiến tranh”, Christian Zaninetti nói.
“Chúng tôi không thể hộ tống tất cả các tàu và tổ chức giám sát hoàn hảo cho tất cả các phương tiện giao thông hàng hải trong khu vực này”, Denèfle nói thêm, vì điều đó sẽ tạo ra những chi phí rất cao cho các chủ tàu.
Ngày 12-7, Vương quốc Anh thông báo triển khai tàu chiến thứ hai tới vùng Vịnh. Tuyên bố này được đưa ra 2 ngày sau khi London tố cáo hải quân Iran bắt hụt một tàu chở dầu của Anh khi đi qua eo biển Hormuz. Chính quyền Anh cũng nâng mức cảnh báo ở vùng lãnh hải của Iran lên mức tối đa và gửi khuyến nghị an ninh tới các công ty vận tải biển.
Hải quân Pháp cho AFP biết rằng, Pháp đã gửi một tàu khu trục với máy bay trực thăng tới khu vực để bảo vệ cho các tàu thương mại của Pháp và duy trì cơ chế thông tin thường trực giữa các tàu thương mại với hải quân để phản ứng kịp thời bất kỳ diễn biến nào trong tình hình hiện nay.
Mức độ an ninh cũng đã được tăng cường trên các tàu thương mại. Các tàu được yêu cầu ưu tiên di chuyển vào ban ngày, không giảm tốc độ và tăng cường giám sát các mạn tàu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.