Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III:Tích cực tuyên truyền chống quá tải tại cảng, bến

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 23/11/2018 14:51

Nhằm đảm bảo công tác ATGT đường thủy nội địa, Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực 3 đã trực tiếp đối thoại, tuyên truyền pháp luật đến các chủ phương tiện, cảng bến.

IMG_9160
Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III tổ chức Hội nghị tuyên truyền chống quá tải tại cảng, bến.

Ngày 23/11, Cảng vụ Đường thủy Nội địa Khu vực III (Cảng vụ III) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường thủy chống quá tải đường thủy và đường bộ tại cảng, bến trên sông Đồng Nai tại Cảng Thạnh Phước, tỉnh Bình Dương với sự tham dự của đại diện các cơ quan chức năng và đông đảo chủ phương tiện, doanh nghiệp.

Sông Đồng Nai có tổng chiều dài 106,4km đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố (TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương) trong đó đoạn từ ngã 3 Cát Lái đến cách hạ lưu cầu Đồng Nai 150m là tuyến hàng hải, đảm bảo phát triển giao thông đường thủy lưu thông tàu có trọng tải 5.000 tấn; Đoạn từ cách hạ lưu cầu Đồng Nai 150m đến ngã 3 sông Bé là tuyến đường thủy nội địa Quốc gia.

Sông Đồng Nai là tuyến sông rộng, sâu và có độ dốc lớn, mùa lũ có ảnh hưởng bởi xả lũ hồ Trị An nên dòng chảy rất mạnh, các công trình vượt sông Đồng Nai gồm 7 cầu, 5 đường dây điện qua sông. Một số hạn chế trong giao thông thủy của sông Đồng Nai là các bãi đá ngầm lớn như bãi đá Ba Sang, bãi đá cầu Ghềnh, bãi đá Bạch Đằng, bãi đá Ông Nghê, bãi đá Thường Tân, đây là chướng ngại vật nguy hiểm có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Tuyến sông Đồng Nai từ ngã ba rạch Ông Nhiêu đến hạ lưu cầu Đồng Nai là tuyến sông cấp I, phương tiện thủy lưu thông lớn nhất 5.000 tấn, từ thượng lưu cầu Đồng Nai đến ngã 3 sông Bé là tuyến sông cấp III, phương tiện thủy lưu thông lớn nhất 2.500 tấn.

IMG_9167
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực III phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III cho biết: “Sông Đồng Nai là tuyến sông rộng, 90% đoạn sông có độ sâu đảm bảo phương tiện thủy đường thủy nội địa trọng tải 700 tấn lưu thông. Các doanh nghiệp đã vận chuyển hàng hóa từ khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai đi các khu vực, giảm chi phí vận tải trong kinh doanh; cảng, bến thủy nội địa và hàng hóa lưu thông trên tuyến sông Đồng Nai ngày càng tăng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam bộ. Bên cạnh các thuận lợi, sự phát triển về giao thông đường thủy trên sông Đồng Nai đã tạo ra một số bất cập như ô nhiễm môi trường, phương tiện thủy vi phạm an toàn giao thông gia tăng đặc biệt là vi phạm chở hàng hóa quá mớn nước quy định".

Để sự phát triển sông Đồng Nai hài hòa giữa doanh nghiệp và công tác quản lý Nhà nước, tạo được sự phát triển bền vững, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa thời gian qua Cảng vụ 3 đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở về tình hình cầu bến, an toàn vùng nước, thiết bị xếp dỡ, báo hiệu đường thủy nội địa… đặc biệt trước khi vào mùa mưa lũ. Đảm bảo cảng, bến hoạt động theo đúng quy định pháp luật, các tổ công tác chủ động theo dõi hạn hoạt động của giấy phép hoạt động cảng, bến, thiết bị xếp dỡ, điều kiện an toàn về PCCC, môi trường… và có thông báo nhắc nhở trước khi hết phép để chủ cảng, bến kịp thời gia hạn hoạt động theo quy định.

IMG_9170
 Ông  Lê Minh Đức, Giám đốc Cảng Thạnh Phước đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Qua công tác quản lý cảng, bến thường xuyên, hiện nay 99% các cảng, bến có phép đảm bảo đầy đủ trang thiết bị an toàn của cảng, bến như: thiết bị neo buộc phương tiện, báo hiệu, thiết bị cần cẩu có đăng kiểm, 90% bến thủy nội địa được gia cố bờ kè bằng bê tông, cọc sắt, đảm bảo an toàn tiếp nhận phương tiện thủy. Hiện nay 90% các bến thủy nội địa vật liệu xây dựng đã thực hiện thủ tục đăng ký môi trường theo quy định.

Để góp phần vào việc thực thi các qui định của pháp luật và tăng cường nhận thức của người tham gia giao thông trong lĩnh vực an toàn giao thông và bảo vệ môi trường đường thủy, đơn vị đã thường xuyên nhắc nhở và phối hợp với các cơ quan ban ngành kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm cố ý về an toàn kỹ thuật phương tiện, trang thiết bị an toàn, bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, chở quá tải, quá khổ…

Tăng cường công tác tuyên truyền trách nhiệm chủ cảng, bến. Triển khai ký cam kết về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa với chủ cảng, bến và nghiên cứu đề xuất chủ cảng, bến xây dựng phương án thực hiện việc xuống hàng hóa đảm bảo phương tiện thủy chở đúng vách dấu mớn nước an toàn theo quy định. Kiên quyết xử lý các chủ cảng, bến, phương tiện thủy vi phạm việc xuống hàng hóa quá mớn nước phương tiện thủy.

Đồng thời phối hợp với Thanh tra giao thông, Phòng CSGT thực hiện nhiều đợt kiểm tra các cảng, bến thủy nội địa trên tuyến, đã góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy trong khu vực. Trong thời gian tới, công tác phối hợp cần được tăng cường với sự tham gia của chính quyền địa phương ven sông. Đặc biệt phối hợp xử lý triệt để những bến thủy nội địa hoạt động trong khu vực cấm, hoạt động không phép. Triển khai công tác phòng chống bão lũ trên tuyến sông Đồng Nai. Tăng cường kiểm tra các trang thiết bị phương tiện nhằm đảm bảo cho phương tiện thủy an toàn trước khi rời cảng, bến đặc biệt là việc chở quá tải.

Việc tồn tại các bến thủy nội địa không phép Cảng vụ 3 kiến nghị Sở GTVT tỉnh Đồng Nai xem xét có kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai giải quyết dứt điểm. Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai và Phòng CSGT tỉnh Bình Dương hỗ trợ kiểm tra các giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa của phương tiện nhằm nâng cao ý thực của phương tiện thủy trong công tác làm thủ tục ra, vào cảng, bến. Kiến nghị Sở GTVT tỉnh Bình Dương, Đồng Nai nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương, Đồng Nai kiến nghị Bộ GTVT có kế hoạch giải quyết các bãi đá ngầm trên sông Đồng Nai để tạo điều kiện thuận lợi giao thông đường thủy, đặc biệt là khu vực bãi đá tại Thường Tân - Tân Uyên.

Để công tác đảm bảo an toàn cho cảng, bến và phương tiện tham gia giao thông thủy ngày càng hoàn thiện hơn, rất mong các cấp, các ngành có sự quan tâm sâu sát, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hơn, đồng thời rất mong sự phối hợp chấp hành của các chủ cảng, bến và phương tiện ra, vào cảng, bến ngày càng tích cực trên tinh thần đúng trách nhiệm theo quy định và đảm bảo thuận lợi cho kinh doanh, ông Thạch nhấn mạnh.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Cảng Thạnh Phước cho biết: “Chúng tôi luôn chấp hành tốt an toàn lao động, vệ sinh, phương tiện. Bên cạnh sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng chúng tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định, pháp luật. Tuy nhiên nếu có thiếu sót khi các cơ quan chức năng phát hiện nhắc nhở để chúng tôi khắc phục hoàn thiện. Chúng tôi cảm ơn các cơ quan chức năng đã hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp trong sự phát triển”.

IMG_9188
Ông Mai Thành Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiện Khiêm cho rằng các cơ quan cần thanh thải các bãi đá ngầm trên tuyến sông Đồng Nai để đảm bảo giao thông đường thủy được thông suốt.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị ông Mai Thành Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiện Khiêm cho biết: “Các cơ quan cần thanh thải các bãi đá ngầm trên tuyến sông Đồng Nai để đảm bảo giao thông đường thủy được thông suốt. Các phao tiêu và đèn tín hiệu cần đảm bảo hoạt động tốt nhất để hỗ trợ các phương tiện lưu thông an toàn. Thủ tục hành chính tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp một cách nhanh chóng, đơn giản nhất. Hiện nay các bến thủy nội địa xếp dở hàng hóa đã được cơ quan chức năng địa phương đăng ký cam kết môi trường nhưng đây là lĩnh vực còn mới, bỡ ngỡ nên rất rất mong các cơ quan chức năng quan tâm hướng dẫn trong quá trình thực thi". 

IMG_9204
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp hình lưu niệm.

Phát biểu kết luận hội nghị ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Cảng vụ 3 ghi nhận các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, cảng bến qua đó chỉ đạo các phòng, trưởng đại diện phối hợp, hỗ trợ hoạt động tốt nhất và có ý kiến tham mưu lên các cơ quan có thẩm quyền nhằm phát huy thế mạnh đường thủy nội địa phát triển và đảm bảo an toàn. 

Hiện nay Cảng vụ Đường thủy Nội địa khu vực III đã và đang thực hiện chức năng quản lý 1.022 cảng, bến thủy nội địa trên 1.515 km sông, kênh thuộc 8 tỉnh, thành phố, bao gồm tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và TP.HCM.

Ý kiến của bạn

Bình luận