Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo "chạy" suất tiêm vaccine "5 trong 1"

Ý kiến phản biện 29/02/2016 08:56

Lợi dụng việc khan hiếm vaccine dịch vụ “5 trong 1” và nắm được tâm lý này một số đối tượng đã lợi dụng để lừa đảo.

vaccine
Người dân cần đến cơ sở y tế được cấp phép để được tư vấn, tiêm chủng

Ngậm đắng vì cả tin

Nguyễn Thị Nụ ở huyện Mê Linh, Hà Nội thường xuyên quảng cáo có thể giải quyết được việc tiêm vaccine dịch vụ “5 trong 1” cho những người có nhu cầu. Tin lời, nhiều người đã chuyển khoản đặt tiền mua vaccine, nhưng đến ngày hẹn, những bà mẹ trẻ trông chờ mỏi mắt cũng không thấy đâu. Một trong những nạn nhân của Nụ là chị Nguyễn Thu D ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trước đó, khoảng đầu tháng 1-2016, qua giới thiệu của bạn bè, chị D đã liên lạc với Nụ ngỏ ý đặt 2 mũi tiêm chủng vaccine dịch vụ “5 trong 1” cho con mình. Sau khi chuyển vào tài khoản cho Nụ số tiền 4,2 triệu đồng, đến ngày hẹn, chị D liên hệ với Nụ thì không được. Vài ngày sau, khi chị D liên lạc lại thì Nụ lấy lý do mất điện thoại và nhiều lần hẹn sẽ hoàn lại tiền nhưng đến nay vẫn chưa trả.

Theo lời chị D, không chỉ riêng chị là nạn nhân mà sau khi biết mình bị lừa, chị D vào các trang mạng xã hội mới biết có hàng chục trường hợp khác cũng bị Nụ lừa gạt với “kịch bản” tương tự. Điều đáng nói, trước khi đặt tiền, chị D được cô em họ cho biết, Nụ cũng từng giúp một số trường hợp tiêm vaccine dịch vụ “5 trong 1” thành công nên chị mới tin tưởng như vậy. Cùng cảnh với chị D, chị Nguyễn Quỳnh A ở quận Hai Bà Trưng không chỉ là người bị hại mà còn đứng ra giới thiệu một số bạn bè đặt tiền cho Nụ. “Cô ta đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền khá lớn của chúng tôi. Bức xúc, chúng tôi bí mật theo dõi và đến tối 23-2 đã phát hiện và yêu cầu Nụ về CAP Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng để giải quyết” - chị Quỳnh A cho biết.

Tại CAP Đồng Nhân, danh tính đối tượng được làm rõ là Nguyễn Thị Nụ (SN 1989, ở khu 9, xã Tự Lập, huyện Mê Linh). Bước đầu Nụ khai nhận đã lừa đảo được 6 trường hợp với thủ đoạn hứa hẹn “chạy” suất tiêm vaccine dịch vụ “5 trong 1” rồi chiếm đoạt hàng triệu đồng của nhiều bị hại. Hiện Nụ đang bị CAQ Hai Bà Trưng tạm giữ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Không có chuyện tuồn vaccine dịch vụ ra ngoài

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội, những thủ đoạn lừa đảo rao bán vaccine nói trên không mới. Chúng xuất hiện chủ yếu do tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ “5 trong 1”, “6 trong 1” kéo dài trong thời gian qua và đánh trúng vào tâm lý, nhu cầu tiêm chủng vaccine dịch vụ rất lớn của người dân.

TTYTDP Hà Nội cũng nhận được nhiều phản ánh về việc một số người rao bán suất tiêm vaccine Pentaxim trên mạng với lý do đã đăng ký thành công 1, 2 suất tiêm nhưng hiện không còn nhu cầu tiêm nữa. Giám đốc TTYTDP Hà Nội khẳng định, thời gian qua việc đăng ký tiêm vaccine Pentaxim đã được các cơ sở y tế công bố công khai, quản lý chặt chẽ và chỉ chấp nhận hình thức đăng ký trực tuyến qua trang web của đơn vị tiêm chủng, không nhận đăng ký trực tiếp hay qua bất cứ một trung gian nào.

Việc tiêm chủng cũng chỉ diễn ra tại các cơ sở được cấp phép, không có chuyện cơ sở y tế câu kết để tuồn vaccine dịch vụ ra ngoài nhằm mục đích trục lợi. TTYTDP Hà Nội đã công khai các địa chỉ tiêm chủng, số điện thoại đường dây nóng về tiêm chủng và khuyến cáo người dân đến trực tiếp các điểm tiêm chủng để được tư vấn. Riêng về việc một số đối tượng rao bán suất tiêm chủng trên mạng, TS Nguyễn Nhật Cảm khẳng định: “Không thể chuyển nhượng được suất tiêm vaccine đã đặt trước đó. Vì theo quy định ghi trên mã đặt lịch tiêm chủng thành công, khi đi tiêm chủng phải đúng giờ đăng ký và mang theo giấy khai sinh, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người bế trẻ đi tiêm. Trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế sẽ làm thêm nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu thông tin trên phiếu với giấy tờ mà người nhà mang đến. Nếu thông tin chuẩn xác thì mới tiến hành tiêm”.

Không nên chờ vaccine dịch vụ

TS Nguyễn Nhật Cảm chia sẻ thêm, dự báo khả năng cung ứng vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim trong thời gian tới vẫn hết sức khó khăn. Trong khi đó, hiện các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều được cung cấp đảm bảo đầy đủ, an toàn. Do vậy, người dân cần chủ động đưa con em đến các điểm tiêm chủng được cấp phép để tiêm chủng phòng bệnh, không nên cố chờ đợi vaccine dịch vụ mà bỏ lỡ đi “thời gian vàng” trong tiêm chủng theo khuyến cáo.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã có công văn gửi các đơn vị liên quan, khẳng định: Bộ Y tế tuyệt đối cấm việc buôn bán vaccine ngoài thị trường, đồng thời khuyến cáo người dân không nên tự mua, tự tiêm vaccine “xách tay”. Để ngăn chặn, Cục Y tế dự phòng đã công bố số điện thoại đường dây nóng: 1900.9095 để người dân có thắc mắc liên quan đến tiêm chủng hoặc thông tin về các trường hợp sai phạm, đáng ngờ về rao bán vaccine có thể liên hệ trực tiếp. Về chuyên môn, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: “Việc quyết định tiêm vaccine bên ngoài, qua “cò”, tiêm vaccine “xách tay” không rõ nguồn gốc chẳng khác nào phụ huynh đang… gửi trứng cho ác với những nguy cơ, hiểm họa khôn lường”.

Ý kiến của bạn

Bình luận