Theo quy định, lực lượng cảnh sát không được dừng phương tiện trên đường chỉ để kiểm tra phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Thu Huyền |
Ngày 11/1, trao đổi với VnExpress, trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Công an, cảnh sát giao thông không được phép dừng phương tiện chỉ để kiểm tra thiết bị PCCC. Cảnh sát giao thông toàn quốc không được cản trở hoạt động của phương tiện, phối hợp với cảnh sát PCCC tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Thông tư 57 về trang bị phương tiện chữa cháy trên ôtô để người dân hiểu và thực hiện.
Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát PCCC sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và tuyên truyền cho chủ phương tiện, tuy nhiên chưa xử phạt xe từ 4 đến 9 chỗ ngồi khi chưa trang bị đầy đủ thiết bị chữa cháy, chỉ xử phạt xe từ 16 chỗ trở lên và các xe chuyên dùng.
Đánh giá về việc chấp hành thông tư 57, thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cảnh sát PCCC cho rằng, hầu hết cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải bày tỏ sự đồng tình. Họ cho rằng việc đầu tư không tốn kém, không ảnh hưởng đến kinh doanh. Trước một số ý kiến phản đối, Cục sẽ theo dõi và ghi nhận ý kiến từ phía chủ phương tiện để hoàn thiện cũng như có hướng dẫn cụ thể cho người dân thực hiện.
Về thắc mắc của người dân liên quan đến bình cứu hỏa để trên ôtô trong điều kiện khí hậu nóng, ẩm như Việt Nam rất có thể gây ra cháy nổ, thiếu tướng Mạnh cho rằng bình chữa cháy thì không thể cháy được. Tuy nhiên có thể có trường hợp nổ do áp suất trong bình tăng quá cao hoặc do van của bình bị hỏng, không còn khả năng điều áp.
Theo quy định của Bộ Công an, với những xe 4-9 chỗ ngồi chỉ nhắc nhở và tuyên truyền chứ chưa xử phạt khi không có bình chữa cháy. Ảnh: Thu Huyền |
Hiện nay cơ quan cảnh sát PCCC chưa ghi nhận vụ nổ bình chữa cháy nào xảy ra bên trong ôtô và các phương tiện giao thông cơ giới khác. "Trước mỗi vụ việc xảy ra phải có điều tra, phân tích khoa học mới cho ra những kết luận chính xác được", thiếu tướng Mạnh cho hay.
Người đứng đầu Cục Cảnh sát PCCC khẳng định việc ban hành Thông tư 57 là để nâng cao ý thức phòng cháy cho người quản lý, người sử dụng phương tiện. Cục đã quán triệt cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng không được tham gia vào việc kinh doanh, buôn bán thiết bị PCCC vì đó là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của ngành, trừ những đơn vị có chức năng theo quy định thì mới được làm.
Phương tiện chữa cháy cần trang bị cho xe ôtô (Xem chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành. |
Thông tư 57 của Bộ Công an quy định, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ trở lên, xe rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc chở khách được kéo bởi ôtô, máy kéo; xe vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ nằm trong danh mục bắt buộc phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy. Với ôtô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4 kg. Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định của Bộ Giao Thông, xe dưới 16 chỗ không cần có bình cứu hỏa; chỉ những xe khách trên 16 chỗ, xe chở nhiên liệu dễ cháy mới yêu cầu có bình cứu hỏa khi đăng kiểm. Căn cứ vào Nghị định 167/2013, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 300.000-500.000 đồng nếu phương tiện phòng cháy chữa cháy không đầy đủ hoặc không đồng bộ, không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.