Tạo “sức bật” trong liên kết vùng
Quốc hội vừa thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam dài 729 km, triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 bằng nguồn vốn đầu tư công. Như vậy, chỉ trong 4 năm, ngành GTVT phải hoàn thành hơn 1.000 km cao tốc, tương đương số km xây dựng trong 10 năm trước đây. Với việc hoàn thành con đường “xương sống” của đất nước, trong đó nhiều dự án cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ là “sức bật” cho nền kinh tế của khu vực.
Ông Trần Trí Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã được Bộ GTVT và Chính phủ triển khai những dự án giao thông trọng điểm như: cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, QL30... Đây là những “điểm sáng” cho giao thông của tỉnh cũng như tạo đà phát triển kinh tế về sau. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh còn vướng trong kết nối đồng bộ và liên kết vùng. Đơn cử như tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đi qua hơn 10 km của tỉnh, nhưng việc kết nối từ các đường tỉnh vào cao tốc này còn rất hạn chế. Bằng trách nhiệm và nỗ lực của địa phương, chúng tôi đã hoàn thành tốt công tác GPMB, các bước chuẩn bị dự án cũng như việc cung cấp nguồn nguyên, vật liệu. Chúng tôi hy vọng, khi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được hoàn thành, các tuyến cao tốc như Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh sẽ được xây dựng, từ đó tạo thành một trục giao thông xuyên suốt, kết nối vào hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam và các tuyến thuộc dự án đường kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kông.
Cùng chung mong muốn ấy, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng khẳng định vai trò các tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vô cùng quan trọng.
Hiện nay, giao thông kết nối của Cần Thơ đi các tỉnh còn nhiều hạn chế. Những tháng cao điểm, vận tải hàng hóa các tuyến đường luôn bị ùn tắc, những ngày lễ, Tết đường về miền Tây luôn kẹt cứng. Để giải quyết tình trạng này, việc kết nối thông suốt và đồng bộ từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ cần được khơi thông. Do đó, việc đẩy nhanh dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là vô cùng cấp bách. Trong tương lai, khi cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được xây dựng, các tuyến nối từ Cần Thơ vào cao tốc được mở rộng thì bài toán giao thông cho khu vực sẽ được giải quyết, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Cần Thơ lên TP. Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Tuyến cao tốc đặc biệt quan trọng
Theo ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, việc triển khai các dự án giao thông huyết mạch cho vùng là sự cố gắng rất lớn của Bộ GTVT và Chính phủ khi thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần kết nối toàn tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ được đồng bộ, hoàn chỉnh. Đây là những yêu cầu quan trọng để phát triển đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của người dân 13 tỉnh, thành phố nơi đây khi hạ tầng giao thông đang là một trong những “điểm nghẽn” của khu vực.
“Do đó, ngay từ khi dự án được phê duyệt và giao cho Ban QLDA Mỹ Thuận, chúng tôi đã
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km, đi qua địa phận 5 huyện, thị, thành phố của hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Giai đoạn 1 của dự án quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Thời gian thi công dự kiến 24 tháng, cơ bản hoàn thành năm 2022 và đưa vào sử dụng năm 2023.
thực hiện nghiêm các yêu cầu của Bộ GTVT, từ việc chọn đơn vị tư vấn, giám sát, thi công đủ năng lực. Hơn 1 năm thi công vừa qua, chúng tôi luôn quán triệt phải đặt chất lượng công trình lên hàng đầu, đồng thời đảm bảo tiến độ cho dự án”, ông Thi chia sẻ.
Tính đến nay, dự án đã giải ngân vốn bố trí năm 2021 là 1.783/1.811 tỷ đồng (đạt 98,5%), đã giải ngân cả dự án là 2.715 tỷ đồng. Năm 2022, kế hoạch vốn là 1.100 tỷ đồng, theo tiến độ giải ngân tháng 02 dự kiến là 21,836 tỷ đồng, trong năm 2022 sẽ giải ngân hết 1.100 tỷ đồng.
Chúng tôi cũng kiến nghị UBND hai tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương phối hợp với Ban QLDA Mỹ Thuận để tiếp tục vận động, giải quyết các vướng mắc, bàn giao phần mặt bằng còn lại (tỉnh Vĩnh Long còn vướng 725 m, tỉnh Đồng Tháp còn vướng 147 m). Về nguồn cung cấp vật liệu cát đắp nền đường hiện dự án còn thiếu khoảng 1 triệu m3 để đắp cát gia tải và hoàn thiện, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn khoảng 350.000 m3, đoạn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn khoảng 650.000 m3. Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh Đồng Tháp và An Giang tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và có ý kiến với các đơn vị ưu tiên cung cấp nguồn vật liệu cát đảm bảo cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.