Cao tốc Bắc- Nam:Bộ GTVT “sáng đèn” bàn giải pháp, quyết tâm rút tiến độ

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đường bộ 20/03/2022 10:13

Từ nhiều tháng qua, các phòng họp nằm trong khuôn viên trụ sở Bộ GTVT luôn sáng đèn đến khuya nhằm tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm, nhất là cao tốc Bắc - Nam. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, các suất cơm hộp, gói xôi, ổ bánh mì được síp vội đến tay các thành viên dự họp những khi cuộc họp quá bữa đã không còn xa lạ, bất ngờ.

 














Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Thúc tiến độ hàng ngày

Không khí làm việc khẩn trương “chạy đua” với thời gian, tiến độ không phải giờ mới xuất hiện mà nó đã diễn ra suốt gần hai năm qua kể từ thời điểm Bộ GTVT bắt tay vào triển khai đại dự án cao tốc Bắc - Nam. Đặc biệt, sau chuyến công tác “xuyên Tết, xuyên Việt” của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hồi đầu tháng 02/2022, tinh thần làm việc của các cục, vụ liên quan đến dự án càng được đẩy lên cao nhằm sớm đưa ra các giải pháp tối ưu để hiện thực hóa chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đối với đại công trình cao tốc Bắc - Nam. Bộ GTVT tổ chức họp giao ban xây dựng cơ bản hàng tháng do Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì. Hàng tuần, các Thứ trưởng phụ trách công trình, dự án giao ban tiến độ với ban QLDA, nhà thầu, tư vấn giám sát để kiểm điểm tình hình thực hiện cao tốc Bắc - Nam.

Đối với những vấn đề đột xuất phát sinh liên quan đến cao tốc Bắc - Nam sẽ được tập thể lãnh đạo Bộ GTVT hội ý để thống nhất phương án xử lý ngay trong ngày.

Bất cứ cuộc họp nào bàn đến tình hình triển khai cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng truyền đạt tinh thần thông điệp mạnh mẽ, quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm. Ai không làm được thì đứng ra một bên cho người khác làm” đến tất cả thành viên dự họp.

Từ cơ chế chính sách cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, vướng mắc về cấp mỏ vật liệu từ phía chính quyền địa phương đến các giải pháp để đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ ngoài hiện trường... đều được bàn thảo, mổ xẻ cặn kẽ trong các cuộc họp của Bộ GTVT nhằm nhanh chóng đưa ra giải pháp tối ưu.

Riêng với các chủ đầu tư, ban QLDA thuộc Bộ GTVT đang quản lý các dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị này phải tập trung tối đa nhân lực để tháo gỡ các khó khăn. “Bộ GTVT không chấp nhận kiểu làm ăn lề mề, dây dưa. Dứt khoát, Bộ GTVT sẽ xử lý nghiêm giám đốc các ban QLDA không hoàn thành nhiệm vụ và thay thế cán bộ trong đội ngũ lãnh đạo các đơn vị”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu các ban QLDA phải đưa ra giải pháp mạnh đối với các nhà thầu thi công chậm. Bởi, các dự án đã có nhà thầu, vốn đã bố trí sẵn nếu các ban QLDA không tập trung tháo gỡ về mặt bằng, không đưa ra giải pháp cắt hợp đồng đối với các nhà thầu vi phạm... thì chắc chắc các dự án sẽ chậm tiến độ. Đối với các nhà thầu đang tham gia thi công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị này cần nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ trong triển khai dự án. “Các nhà thầu cần tận dụng mùa khô để tập trung tối đa nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, tăng ca, cải tiến biện pháp thi công, áp dụng công nghệ phù hợp, đồng thời chủ động khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ trên công trường, đảm bảo đúng thời hạn hoàn thành dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu và cho biết, các nhà thầu không hoàn thành hợp đồng theo tiến độ đã cam kết sẽ bị xử lý chấm dứt hợp đồng và bị loại trong xét thầu ở các gói thầu tham gia cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.

Không chỉ điều hành quản lý cao tốc Bắc - Nam bằng cơ chế, chính sách, các chuyến công tác “con thoi” của lãnh đạo Bộ GTVT đến công trường thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam với mật độ ngày càng dày đặc. Hình ảnh hàng tuần Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, rồi các Thứ trưởng phụ trách áo ướt đẫm mồ hôi, chân lội bùn đến từng điểm “nóng” của dự án để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc cho nhà thầu trở nên thân thuộc với công nhân, người lao động trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Hàng loạt PMU đăng ký rút ngắn tiến độ trước 3 tháng

Từ những giải pháp tổng thể, tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT xuyên suốt gần 2 năm qua, đặc biệt là các giải pháp đưa ra sau chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mang lại kết quả rõ rệt khi tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang chuyển mình mạnh mẽ.

Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, đến hết tháng 02/2022, khối lượng xây lắp của các dự án đạt khoảng 16.846 tỷ đồng (đạt gần 30% giá trị hợp đồng). “Chỉ tính riêng tháng 02/2022, sản lượng hoàn thành của các dự án cao tốc Bắc - Nam đạt khoảng 2,5%. Hiện nay, 7/11 dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ, còn lại 4 dự án chưa đạt theo dự kiến ban đầu nhưng cơ bản đáp ứng tiến độ theo kế hoạch điều chỉnh và đang dần bù lại tiến độ chậm trễ để đảm bảo hoàn thành theo thời gian quy định của hợp đồng”, lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT thông tin.

Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT, đến nay, hàng loạt ban QLDA đã đăng ký kế hoạch rút ngắn tiến độ hoàn thành các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam ít nhất 3 tháng.

Cụ thể, đối với dự án Mai Sơn - QL45 khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành dự án vào tháng 12/2022, Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) sẽ tổ chức lại giải pháp thi công, phấn đấu hoàn thành 41,27/63,37 km trong tháng 9/2022, còn lại 22,1 km phải xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm, giếng cát (thời gian chờ gia tải từ 180 ngày đến 300 ngày), dự kiến đến cuối tháng 10/2022 mới được dỡ tải để thi công móng mặt đường, do đó việc rút ngắn tiến độ rất khó khăn do tốc độ đắp bị khống chế.

Đối với dự án QL45 - Nghi Sơn khởi công ngày 01/7/2021, kế hoạch hoàn thành tháng 8/2023, Ban QLDA 2 (đại diện chủ đầu tư) sẽ tổ chức lại giải pháp thi công, phấn đấu hoàn thành 29,68/43,28 km trong tháng 5/2023 (rút ngắn 3 tháng), còn lại khoảng 13,6 km phải xử lý nền đất yếu sẽ rút ngắn tiến độ so với hợp đồng khoảng 1,5 đến 2 tháng.

Tương tự, Ban QLDA 6 đăng ký rút ngắn tiến độ 3 tháng đối với 25/50 km (các đoạn không phải xử lý nền đất yếu) của cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu (khởi công ngày 02/7/2021, kế hoạch hoàn thành vào tháng 7/2023).

Ngoài ra, các ban QLDA khác cũng đồng loạt đăng ký rút ngắn tiến độ khoảng 3 tháng đối với các các đoạn tuyến không phải xử lý nền đất yếu thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, gồm: Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo...

Tag:

Ý kiến của bạn

Bình luận