Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang:Thay nhà đầu tư nếu vi phạm hợp đồng

Giao thông 24h 26/02/2017 04:26

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa vừa dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT đã có buổi làm việc tại Bắc Giang.

 

Dự án cao Tốc Hà Nội-Bắc Giang-Thay nhà
 Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thị sát ga Bắc Giang

Sớm làm đường gom cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

Ngày 23/2, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT đã có buổi kiểm tra hiện trường QL17, đường gom KCN Quang Châu, ga Bắc Giang và làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Giang.

Tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đoàn công tác Bộ GTVT đã trả lời, giải đáp, cùng thảo luận nhiều vấn đề về GTVT trên địa bàn.

Trước một số kiến nghị của Bắc Giang về dự án cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn đoạn qua tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Long, Phó Ban PPP (Bộ GTVT) cho biết nhà đầu tư đã lên phương án xử lý một số bất cập như phân cách cứng trên cầu vượt, cống chui ngập nước.

Bộ cũng đang nghiên cứu bổ sung các hạng mục để khai thác dự án tiêu chuẩn đường cao tốc hoàn chỉnh, trong đó ưu tiên đầu tư bổ sung hệ thống đường gom để tách xe thô sơ ra khỏi dự án; hoàn trả đường ngoài khu công nghiệp Vân Trung; đoạn thi công 200m đoạn nối công viên Hoàng Hoa Thám TP phố Bắc Giang...

“Đường cao tốc Hà Nội- Bắc Giang đã rút ngắn thời gian đi lại cho người dân, thúc đẩy thu hút đầu tư cho địa phương, để nâng cao hiệu quả khai thác và đảm bảo ATGT, Bộ GTVT sẽ quyết tâm hoàn hiện một số hạng mục bổ sung trong thời gian sớm nhất”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: Thay nhà đầu tư nếu chậm tiến độ

Liên quan đến dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã ký hợp đồng BOT, hiện mới chi trả tiền GPMB được 45,4 tỷ đồng và công tác GPMB đã dừng gần 1 năm nay, Bộ GTVT cho biết, đã đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chậm trễ. Bộ GTVT đã thông báo nhà đầu tư vi phạm hợp đồng.

Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng khẳng định: “Bộ GTVT xác định, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, không nghiêm túc thực hiện hợp đồng, Bộ GTVT sẽ chấm dứt hợp đồng, kêu gọi nhà đầu tư mới để hoàn thiện dự án trong thời gian sớm nhất”.

Phát triển toàn diện các loại hình vận tải

Tại buổi làm việc, Bắc Giang đề xuất triển khai dự án BOT cải tạo nâng cấp QL31 đoạn Bắc Giang – Chũ và đường nối cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên với cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, việc cải tạo, nâng cấp trên quốc lộ độc đạo hiện hữu khiến người tham gia giao thông không có quyền lựa chọn khi đi qua trạm thu phí là không phù hợp ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu tỉnh có phương án BT để xây dựng thêm đường nối vào đường tỉnh 293 chạy song song QL31, đánh giá được đủ tiêu chí để thực hiện dự án BOT nâng cấp QL31, thì Bộ GTVT ủng hộ.

Dự án cao Tốc Hà Nội-Bắc Giang-Thay nhà
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang

Đối với QL17 (đoạn nối QL18 với ĐT398) đang đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010-2016, đã thi xong nền đường, 2 cầu, nay cần nguồn vốn thi công tiếp, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho hay đây là dự án do tỉnh làm chủ đầu tư đang thực hiện dở dang, thuộc hạng mục vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015, đề nghị tỉnh Bắc Giang chủ động báo cáo Thủ tướng xem xét, bổ sung để đầu tư hoàn chỉnh dự án.

Ông Hoằng cho biết do ngân sách hạn chế nên chưa thể bố trí vốn thực hiện cải tạo nâng cấp QL37 đoạn Km13 - Km 46 +400 và xây dựng cầu đường bộ Cẩm Lý trên QL37 tách khỏi cầu đường sắt; đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng; Di chuyển ga Bắc Giang... như đề nghị của tỉnh.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá cao chủ trương của Bắc Giang khai thác đường thuỷ nội địa để giảm áp lực giao thông đường bộ. Bắc Giang có 3 tuyến sông chính dài 354km, trong đó có 132 km do địa phương quản lý có địa hình, thuỷ văn không ổn định, lòng sông dốc, hẹp, nhiều bãi cạn, phương tiện thuỷ hầu như không hoạt động được.

“Đề nghị tỉnh nghiên cứu, cho xã hội hoá để nạo vét hệ thống đường thuỷ nội địa trên địa bàn, để đạt tiêu chuẩn cho tàu bè hoạt động. Tỉnh cần có kế hoạch xây dựng thêm hệ thống bến, cảng thuỷ nội địa vì nếu chỉ có 4 cảng chuyên dụng quy mô nhỏ sẽ không thể phát huy khả năng khai thác vận tải thuỷ của địa phương”, Thứ trưởng nói.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng đánh giá cao Bắc Giang đã có định hướng phát triển GTVT trên nhiều lĩnh vực. Bộ trưởng đề nghị tỉnh huy động xã hội hoá nạo vét, phát huy lợi thế đường thuỷ, đường sắt, xây dựng khu logistic hoặc cảng cạn. Bắc Giang có 3 tuyến đường sắt quốc gia chạy qua, nên cần xây dựng ga Bắc Giang và có kế hoạch phát triển đường sắt để tăng kết nối, giảm tải cho giao thông đường bộ và các khu công nghiệp, nâng cấp cho xứng vị trí "vàng" trên bản đồ giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế...

“Về ATGT, tôi đánh giá cao nỗ lực quản lý của địa phương. Khi 5 năm liên tiếp giảm TNGT cả ba tiêu chí, mong địa phương tiếp tục phát huy, giữ vững thành tích đã đạt được”, Bộ trưởng nói./.

Ý kiến của bạn

Bình luận