Từ 24.000 tỷ đồng thành 45.000 tỷ đồng
Theo thiết kế, quy mô dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đạt cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, dài 105,5km. Tổng mức đầu tư của dự án vào thời điểm được được phê duyệt năm 2008 ở mức 24.500 tỷ đồng. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được giao một số quỹ đất để phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, thu phí quốc lộ 5 và chính tuyến cao tốc.
Tới năm 2014, tổng mức đầu tư của dự án đã được điều chỉnh lên 45.487 tỷ đồng. Theo Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) – chủ đầu tư, mức tăng này đã được Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt. Tuy vậy, vốn chủ sở hữu của VIDIFI chỉ có 3.200 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư tăng gần gấp đôi, trong khi công năng, thiết kế của dự án gần như không có gì thay đổi. Bởi vậy, việc huy động vốn là rất khó với VIDIFI.
Nếu không huy động vốn kịp tiến độ, việc thi công sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.
Hơn nữa, với phương án tài chính bổ sung được phê duyệt năm 2014, Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính đều không đồng tình cho VIDIFI duy trì mức vốn sở hữu cũ là 3.200 tỷ đồng mà buộc VIDIFI phải nâng mức góp vốn vào dự án lên mức hơn 4.600 tỷ đồng. Nhưng, tại văn bản kiến nghị mới nhất vào cuối tháng 4-2015, VIDIFI kiến nghị Chính phủ nếu không tìm kiếm được đối tác để tăng vốn chủ sở hữu thì cho phép duy trì mức cũ là 3.200 tỷ đồng/45.487 tỷ đồng.
Đi vay gần 1 tỷ USD
Để tháo gỡ khó khăn, VIDIFI đã đề nghị Chính phủ cho phép tái cơ cấu hai khoản vay trị giá khoảng 300 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án từ ngày 1-1-2015. Báo cáo mới nhất của VIDIFI gửi Bộ GTVT cho thấy, đến tháng 4-2015, tổng số vốn mà VDB đã huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế cho dự án là 570 triệu USD và đang tiếp tục đàm phán để huy động thêm khoảng 415 triệu USD, nâng mức huy động vốn tín dụng nước ngoài vào dự án lên 985 triệu USD, xấp xỉ 21.000 tỷ đồng.
Hiện nay, tính khả thi trong phương án tài chính của dự án không cao khi một số nguồn thu chính của dự án, bao gồm doanh thu phí quốc lộ 5, phí đường cao tốc; các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp vẫn chưa đâu vào đâu và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển kinh tế vĩ mô. VIDIFI cũng cho biết, theo quy định tại hợp đồng BOT dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng giữa Bộ GTVT và VIDIFI vào năm 2008, thì nguồn thu hoàn vốn khoảng 7.900 tỷ đồng từ lợi nhuận kinh doanh một số khu đô thị và khu công nghiệp dọc tuyến là không còn khả thi. Vì vậy, VIDIFI kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng 50% số tiền sử dụng đất phải nộp từ các khu đô thị, khu công nghiệp mà doanh nghiệp này được giao. Thậm chí, khi ngay cả phương án này vẫn không đủ nguồn thu, VIDIFI đề nghị được hỗ trợ bằng hình thức khác để hoàn vốn cho dự án.
Theo An ninh thủ đô
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.