Cập nhật phương án thiết kế sơ bộ tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam

Tác giả: Tùng Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 05/10/2024 09:31

Bộ GTVT trình Thủ tướng chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, trong đó đề xuất phương án thiết kế sơ bộ hướng tuyến và các ga.

Cập nhật phương án thiết kế sơ bộ tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam- Ảnh 1.

Tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam dự kiến có chiều dài khoảng 1.541 km, đường khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h (Ảnh internet)

60% chiều dài tuyến là kết cấu cầu

Theo nội dung Tờ trình mới nhất (ngày 2/10) của Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, tuyến đường sắt này sẽ được xây dựng mới với chiều dài khoảng 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối là ga Thủ Thiêm (Tp.HCM).

Dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh.

Đây là tuyến đường sắt đôi, được xây dựng với khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; trên tuyến có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Về hướng tuyến, công trình tuyến được thiết kế theo các nguyên tắc: bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể, giảm chi phí vận hành khai thác; không giao cắt đồng mức để bảo đảm tốc độ thiết kế, an toàn vận hành khai thác; hạn chế tác động đến môi trường khu vực tuyến đi qua. Quá trình nghiên cứu, Bộ GTVT và các địa phương đã có sự thống nhất bằng văn bản, đồng thời hướng tuyến đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh (riêng quy hoạch Hà Nội và Tp. HCM chưa phê duyệt nhưng Bộ Chính trị đã cơ bản thống nhất).

"Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất sử dụng 3 loại kết cấu chính trên tuyến: kết cấu cầu khoảng 60% chiều dài tuyến (áp dụng trong trường hợp tuyến đi qua khu vực đô thị, đông dân cư, vượt sông và các vị trí giao với các công trình khác như đường sắt hiện tại, đường bộ,....). Kết cấu hầm khoảng 10% chiều dài tuyến (áp dụng khi tuyến đi qua khu vực đồi núi cao). Kết cấu nền đất khoảng 30% chiều dài tuyến (áp dụng khi tuyến đi qua khu vực dân cư thưa, không giao cắt với công trình khác, ít bị ảnh hưởng của lũ lụt, động đất, điều kiện địa chất ổn định", theo Bộ GTVT.

Cập nhật phương án thiết kế sơ bộ tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam- Ảnh 2.

Tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố, trên tuyến có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa

Mỗi địa phương có ít nhất 1 ga hành khách, có thể bổ sung số lượng ga

Các công trình ga trên tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam (23 ga khách, 5 ga hàng hóa) được thiết kế theo nguyên tắc: đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương hoặc tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; đảm bảo khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng; đảm bảo khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện.

Theo thống nhất giữa các địa phương và Bộ GTVT, mỗi địa phương có tuyến đường sắt đi qua bố trí 1 ga hành khách, nhưng riêng các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định và Bình Thuận bố trí 2 ga. Vị trí các ga bảo đảm chạy tàu với tốc độ khai thác tối đa (320km/h) chiếm 70 - 80% chiều dài giữa hai ga dừng (cự ly tăng tốc khoảng 7,2 km; cự ly giảm tốc khoảng 9,5 km).

Ngoài ra, để bảo đảm phục vụ quốc phòng, an ninh, vận chuyển hàng hóa khi có nhu cầu, trên tuyến bố trí 5 ga hàng tại các đầu mối hàng hóa lớn, thuận lợi phục vụ công tác hậu cần quốc phòng, an ninh, liên vận quốc tế. Đến nay, vị trí các ga đều đã được thỏa thuận thống nhất với địa phương và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đầu tư, khai thác, trường hợp địa phương hình thành đô thị có quy mô dân số đủ lớn (như quy hoạch các ga Nghi Sơn, Chân Mây, La Gi..), khi khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật khai thác sẽ nghiên cứu bổ sung ga và giao cho địa phương hoặc nhà đầu tư thực hiện.

Cũng theo thiết kế sơ bộ, dự kiến sẽ có 5 công trình Depot (khu nhà xưởng tập kết tàu, bão dưỡng, sửa chữa tàu khách…) được đặt tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh và 4 Depot phục vụ tàu hàng được đặt tại Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa và Đồng Nai.

Hệ thống thông tin, tín hiệu của tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam sử dụng hệ thống điều khiển tàu tự động tiên tiến, hiện đại tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia đang vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao như Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. Còn hệ thống thẻ vé tàu, áp dụng công nghệ thẻ từ hiện đại, có khả năng tích hợp, liên thông nhiều loại hình vé, kết nối thanh toán thuận tiện cho người sử dụng.

Đối với hệ thống điện năng, hệ thống cấp điện sử dụng điện xoay chiều một pha, điện áp 2x25 KV, 50 Hz, tiếp điện trên cao; hệ thống biến áp nguồn kiểu AT, sử dụng công nghệ điều khiển và giám sát từ xa. "Nhu cầu sử dụng điện dự kiến cho giai đoạn 2033-2035 khoảng 577 triệu kWh, ước tính chiếm khoảng 0,102% công suất cấp điện năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII nên có thể bảo đảm khả năng cung cấp điện năng cho dự án khi vận hành, khai thác", theo nghiên cứu của Bộ GTVT.

Tiến độ thực hiện dự án

Trên cơ sở lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.594 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), kiến nghị áp dụng hình thức đầu tư công. Nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc...

Căn cứ Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 15/8/2024 của Chính phủ, Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (tại Văn bản số 11376-CV/VPTW ngày 18/9/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng), Bộ GTVT dự kiến các mốc tiến độ chính của dự án như sau:

- Quý IV/2024: Trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư;

- Năm 2025 - 2026: Đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, Hoàn thành công tác lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật tổng thể;

- Năm 2027: Triển khai GPMB, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, khởi công dự án

- Phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.

Ý kiến của bạn

Bình luận