Cấp "quota" mua ô tô cá nhân là khiên cưỡng!

Ý kiến phản biện 10/03/2016 06:24

Chuyên gia giao thông cho rằng thời điểm này nếu Hà Nội áp dụng biện pháp cấp "quota" (hạn ngạch - PV) mua ô tô cá nhân thông qua hình thức đấu thầu quyền được mua là bất cập, khiên cưỡng, không hợp lòng dân.

Đề xuất từng thất bại

Tại cuộc họp với UBND TP.Hà Nội đầu tuần này, khi bàn đến việc đưa ra các biện pháp hạn chế sử dụng xe cá nhân, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - đã đề nghị Hà Nội xem xét đến phương án cấp hạn ngạch mua ô tô cá nhân, thông qua việc đấu thầu quyền được mua ô tô.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT nói, đây là một gợi ý với Hà Nội nhằm tham khảo khi xây dựng Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Ông Trường cho biết, những nước tiên tiến như Singapore cũng đã thực hiện đấu thầu quyền được mua, sở hữu xe ô tô cá nhân. Tuy nhiên, ông Trường cũng cho rằng, để thực hiện được việc này cần xem xét trong bối cảnh khi giao thông công cộng đã phát triển đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Thực ra, đây không phải đề xuất mới liên quan đến việc hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Trong dự thảo Đề án “Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn” năm 2012, Bộ GTVT đã đề xuất việc cấp hạn ngạch số lượng phương tiện được phép đăng ký mới sẽ thực hiện tại các TP như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng trên cơ sở tính toán phù hợp với sự phát triển kết cấu hạ tầng của TP đó.

Tháng 9.2012, Văn phòng UBND TP.Hà Nội đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND TP - về việc đóng góp ý kiến vào đề án trên. Theo đó, UBND TP.Hà Nội giao Sở GTVT nghiên cứu xây dựng đưa vào dự thảo Đề án kế hoạch cấp hạn ngạch đăng ký phương tiện mới cho cá nhân theo lộ trình và cấm một số loại phương tiện hoạt động tại một số khu vực từ đường vành đai 2 vào trung tâm TP.

Tuy nhiên, đề án kể trên đã được nhiều chuyên gia, người dân chỉ ra các bất cập, khó có thể áp dụng vào thực tiễn.

Sau đó, năm 2013 Bộ GTVT đã đổi tên đề án kể trên và trình Chính phủ đề án mang tên “Phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn ở Việt Nam”, trong đó xác định tỉ lệ hợp lý của các phương thức vận tải cho từng thành phố đến năm 2020.

1457507818-han-ngach-mua-o-to
Chuyên gia giao thông cho rằng, phương án áp hạn ngạch mua xe cá nhân mới tại đô thị lớn ở thời điểm này là chưa hợp lý. Ảnh: Internet

 Khiên cưỡng, bất cập

Trao đổi với PV Dân Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia về giao thông đô thị - cho rằng: “Ở thời điểm này, hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng không theo kịp nhu cầu, sự phát triển giao thông cá nhân. Vì vậy chủ trương hạn chế xe cá nhân, hạn chế người dân mua xe là bất cập, khiên cưỡng, không hợp lòng dân”.

Ông Thủy phân tích, phương tiện giao thông cá nhân gia tăng vừa thể hiện nhu cầu đi lại của người dân vừa cho thấy đời sống kinh tế của người dân tăng cao, người dân có điều kiện mua sắm phương tiện. Đó là quyền lợi chính đáng.

TS Thủy cho rằng, chính sự bỏ bê đầu tư vào hệ thống giao thông đô thị trong nhiều năm trước đã đã dẫn tới tình trạng như hiện nay.

Ông Thủy cho hay: “Mấy năm gần đây Hà Nội mới có cầu vượt, trước toàn nút giao cắt đồng cấp. Còn đường sá vẫn chật hẹp, làm được đường vành đai được một thời gian lại ùn tắc. Hạ tầng giao thông tăng được 1 - 2% thì nhu cầu sử dụng phương tiện của người dân đã tăng trên 10%. Trong khi giao thông công cộng đáp ứng được chưa đến 10% nhu cầu của người dân”.

Trong điều kiện như vậy, TS Thủy cho rằng áp dụng việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cũng có nghĩa là hạn chế người dân đi làm, đi học, gây bức xúc, khó khăn và hạn chế sự phát triển chung.

“Việc cấp quota về mua xe mới trong khi hạ tầng quá yếu kém, giao thông công cộng chưa đáp ứng được sẽ không thể đảm bảo được cuộc sống cho người dân. Cách làm như vậy, nghe qua có vẻ hợp lý, nhưng phân tích khoa học ở thời điểm này chưa hợp lý. Để áp dụng được, nhu cầu giao thông công cộng của người dân phải đáp ứng được 40 - 50%”.

Trong Đề án “Phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn”, việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân được gọi là “quản lý, kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân”.

Các giải pháp được nêu ra là phân luồng và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố theo giờ nhất định trong ngày và ngày nhất định trong tuần, kết hợp với biện pháp tăng tần suất của phương tiện vận tải hành khách công cộng; áp dụng nhiều mức thu phí trông giữ phương tiện cơ giới theo hướng giảm dần từ trung tâm ra bên ngoài; tăng dần theo mật độ giao thông; nâng cấp, quản lý chặt chẽ diện tích vỉa hè, ưu tiên cho người đi bộ.

Ý kiến của bạn

Bình luận