Cấp thiết khắc chế xe quá tải- bài 5: Kinh nghiệm trên thế giới

Giao thông toàn cầu 26/10/2021 06:52

Không chỉ làm giảm tuổi thọ của các con đường, xe quá tải còn tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Để ngăn ngừa tình trạng chở quá tải, nhiều quốc gia đã siết chặt quy định xử phạt hành vi này cũng như tích cực phát triển các công nghệ kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến cao tốc.


 

Anh 2
90% sản phẩm lốp xe tải của Michelin được cài chip RFID cho phép theo dõi tình trạng lốp xe

Chở quá tải có thể bị khởi tố

Chở quá tải không chỉ đe dọa trật tự ATGT mà còn là rắc rối nghiêm trọng về tài chính đối với bất cứ doanh nghiệp vận tải nào, bởi pháp luật tại nhiều quốc gia quy định hình phạt rất nặng đối với hành vi này. Tại Vương quốc Anh, tùy theo mức độ chở quá tải, số tiền phạt có thể dao động từ 100 - 300 bảng Anh (3,1 - 9,2 triệu đồng), nhưng nếu chở quá tải từ 30% trở lên, tài xế có thể bị khởi tố. Nếu bị khởi tố, tải trọng xe sẽ được đo trên mỗi điểm trục. Vì một số phương tiện có tới 6 điểm trục nên số tiền phạt có thể lên tới 30.000 bảng Anh (928 triệu đồng), chưa kể các khoản phí như: phí tòa án, phí vận chuyển và phí bảo hiểm bổ sung.

Hơn nữa, phương tiện vi phạm sẽ bị khóa bánh cho đến khi doanh nghiệp thu xếp nhân lực đến để hạ tải chiếc xe và đương nhiên dịch vụ này không miễn phí. Ngoài ra, trọng lượng vượt quá lớn có thể làm thay đổi hiệu suất và khả năng vận hành của chiếc xe, do đó pháp luật quy định đây là một hành vi vi phạm nghiêm trọng, người lái xe có thể bị truy tố và nhận án tù. Vì vậy, việc tuân thủ các quy định về tải trọng xe là rất quan trọng để bất kỳ doanh nghiệp vận tải nào ở Anh duy trì hoạt động.

Tại New South Wales - tiểu bang đông dân nhất nước Úc, lỗi chở quá tải sẽ được phân loại theo 3 mức độ vi phạm: chở quá tải dưới 5% là vi phạm gây rủi ro thấp, quá tải 5 - 20% là vi phạm gây rủi ro đáng kể, quá tải trên 20% là vi phạm gây rủi ro nghiêm trọng. Mức phạt thấp nhất cho tài xế và doanh nghiệp lần lượt là 1.100 AUD và 5.500 AUD (18,2 và 90,9 triệu đồng) cho lần vi phạm đầu tiên. Tiền phạt sẽ tăng nếu vi phạm lần thứ hai trở đi. Đặc biệt, với trường hợp vi phạm gây rủi ro nghiêm trọng, cá nhân vi phạm lần đầu sẽ phải chịu mức phạt 5.500 AUD, cộng với 550 AUD (9,1 triệu đồng) cho mỗi % vượt quá mốc 20%. Nếu vi phạm lần 2, mức phạt này sẽ là 11.000 AUD (181,8 triệu đồng), cộng với 1.100 AUD cho mỗi % vượt quá mốc 20%. Đối với doanh nghiệp, mức phạt tối đa là 27.500 AUD (454,6 triệu đồng) cộng với 2.750 AUD (45,5 triệu đồng) cho mỗi % vượt quá mốc 20% nếu vi phạm lần đầu. Kể từ lần thứ hai trở đi, mức phạt có thể lên tới 55.000 AUD (909,2 triệu đồng) cộng thêm 5.500 AUD (90,9 triệu đồng) cho mỗi % vượt quá mốc 20%.

Dùng Công nghệ hạn chế xe quá tải

Hiện nay, công nghệ cân tải trọng xe động WIM đang được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia bởi nhiều ưu điểm so với cân tĩnh. Công nghệ cân tĩnh yêu cầu tài xế xe tải phải tấp vào trạm cân, quy trình thực thi mất nhiều thời gian và nguồn lực nên thực tế không thể lọc được tất cả xe quá tải, hiệu quả không cao. Trong khi đó, với các dải cảm biến thạch anh được đặt chìm dưới mặt đường kết nối trực tiếp tới thiết bị thu thập dữ liệu, trong điều kiện lý tưởng, hệ thống cảm biến WIM thạch anh cho kết quả nhanh chóng với độ sai số dưới 2%. Với những ưu điểm vượt trội, hệ thống WIM đã được phát triển ở nhiều quốc gia như: TDC Systems ở Anh, Camea ở Cộng hòa Séc, NewConstech ở Hàn Quốc... và cho những kết quả khả quan. Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc cho biết, trong vòng 16 tuần kể từ khi triển khai hệ thống WIM để kiểm soát tải trọng xe trên đường cao tốc, tỷ lệ xe quá tải đã giảm từ 9,7% xuống 2,4%.

Ở một số quốc gia, công nghệ WIM được nâng cấp và kết hợp với các công nghệ khác để nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng xe. Tại Ý, Bộ Cơ sở hạ tầng và Di động bền vững phối hợp với Movyon đang thử nghiệm một hệ thống giám sát xe quá tải theo thời gian thực trên tuyến cao tốc A3 nối Naples và Salerno. Hệ thống kết hợp các thuật toán phát hiện và cảnh báo, thông qua các thiết bị phần cứng hiện đại như camera đọc biển số xe và cân tải trọng xe động sử dụng cảm biến sợi quang.

Theo đại diện của Movyon, các tấm thép chứa cảm biến sợi quang được đặt chìm trong lớp nhựa đường có khả năng tính toán trọng lượng của các phương tiện đang chuyển động với độ chính xác cao. Khi phát hiện một phương tiện vượt quá tải trọng cho phép, thiết bị sẽ truyền dữ liệu theo thời gian thực đến trung tâm thông tin, sau đó cảnh báo đến tài xế thông qua các màn hình hiển thị trên đường. Lái xe không tuân thủ các cảnh báo có thể bị cấm vượt. CSGT sau khi nhận thông báo sẽ được huy động đến để áp tải chiếc xe vi phạm xuống lối ra gần nhất. Hệ thống này đang được thử nghiệm tại một số ngã ba và nút giao trên tuyến cao tốc A3.

Bên cạnh công nghệ cân tải trọng xe, một số doanh nghiệp trên thế giới đã phát triển những công nghệ hạn chế xe quá tải khác. Chẳng hạn như, hãng sản xuất lốp ô tô nổi tiếng nước Pháp Michelin đã phát triển một loại chip RFID và gắn vào 90% sản phẩm lốp xe tải của hãng. Thông qua con chip này, Michelin có thể theo dõi tình trạng của lốp xe và biết liệu chiếc xe có đang quá tải hay không. Đây có thể là một giải pháp thích hợp cho tình trạng quá tải diễn ra tràn lan tại các nước đang phát triển. Ông Laurent Bourrut - Phó Chủ tịch Điều hành, Vận tải đường bộ và Thành viên Ủy ban Điều hành Tập đoàn Michelin Khu vực châu Âu cho biết: “Chúng tôi sử dụng dữ liệu thu được từ các chip RFID để thiết kế lốp xe nhằm kéo dài quãng đường đi được, giảm chi phí và ngăn ngừa sự cố. Ngoài ra, dữ liệu cũng được dùng để dự đoán thời hạn sử dụng của lốp xe. Đối với người tiêu dùng, chúng tôi sử dụng những dữ liệu đó để tăng độ an toàn và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu”.

Hiện tại, hãng đang cung cấp dịch vụ theo dõi lốp xe cho hàng triệu xe tải hợp đồng ở khoảng 30 quốc gia tại châu Âu, Nam Mỹ...Michelin có thể chia sẻ những dữ liệu này với các đơn vị quản lý đường bộ và các chủ đầu tư dự án đường bộ tư nhân. Ông Bourrut cho biết thêm, dịch vụ này mang lại rất nhiều lợi ích như: giảm sự cố nên tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tăng hiệu quả chạy xe, đồng thời đảm bảo ATGT cũng như giảm thiểu phát thải.

VPG PM On Board - một công ty sản xuất cân có trụ sở tại Vương quốc Anh cũng đã phát triển những thiết bị cân trên xe tải giúp theo dõi tình trạng quá tải của xe. Đại diện công ty cho biết, những chiếc cân này hiện được lắp đặt độc lập trên xe tải nhưng có thể được kết nối điện tử với chip lốp RFID trong tương lai theo yêu cầu của khách hàng, qua đó nâng cao tính chính xác và hiệu quả đối với việc kiểm soát tải trọng xe.

Ý kiến của bạn

Bình luận