Cấp thiết nâng vốn nhà nước ở dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Tác giả: Ngọc Trang

saosaosaosaosao
Đường bộ 22/11/2023 14:10

Trong bối cảnh các dự án đã được lập, đã được triển khai đầy giờ chỉ còn việc liên quan đến tỷ lệ cơ cấu vốn của nhà nước mà không điều chỉnh kịp thời thì những thiệt hại về mặt kinh tế là rất lớn.

Video: Phương án kiến trúc cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh


Đề xuất tăng tỷ lệ vốn góp nhà nước cho hai dự án

Ngày 21/11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với dự án đường cao tốc từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh lên 70% và dự án đường ven biển Thái Bình lên 80%.

Hai dự án này có đặc điểm chung là doanh thu và lưu lượng xe rất thấp, nếu vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án này ở mức quy định hiện nay là 50% thì phương án tài chính sẽ không khả thi.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông tại Quyết định 1316/QĐ-TTg ngày 2/11/2022, là dự án trọng điểm để phát triển kinh tế vùng nhưng vẫn chưa thể triển khai khi thiếu nguồn đầu tư.

Theo phương án đề xuất ban đầu, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là trên 14.330 tỷ đồng, dù còn khó khăn nhưng ngân sách của tỉnh Cao Bằng cũng đã bố trí 4.080 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng, phần còn lại là 7.750 tỷ đồng sẽ huy động từ các nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn là VPBank.

Đến nay, dù dự án đã chọn được nhà đầu tư, nhưng vẫn loay hoay ở giai đoạn thương thảo hợp đồng khi doanh thu, lưu lượng thực tế quá thấp (theo kết quả thẩm định của VP Bank, từ đó phần cam kết tài trợ ban đầu của ngân hàng giảm từ 4.300 tỷ đồng còn 2.500 tỷ đồng). Nếu không có giải pháp tăng vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương lên 5.720 tỷ đồng (thêm 3.220 tỷ đồng), đồng thời nhà đầu tư phải tăng phần vốn góp lên 2.030 tỷ đồng (thêm gần 600 tỷ đồng) thì không thể thực hiện được.

Trong khi đó, dự án đường ven biển Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 348/QĐ-TTg ngày 28/3/2018 có tổng mức đầu tư là 3.872 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án là 2.583 tỷ đồng (chiếm 66,7%).

Quá trình triển khai dự án bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giá cả các nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến phải điều chỉnh tỷ lệ vốn của nhà nước tham gia dự án và tổng mức đầu tư, đồng thời việc đầu tư cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng được thực hiện sớm hơn so với quy hoạch mạng lưới đường bộ tại Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án. Dự kiến, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 4.984 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước tăng lên 3.700 tỷ đồng và phần vốn nhà đầu tư huy động giữ nguyên theo phương án tài chính ban đầu là khoảng 1.300 tỷ đồng.

Vốn góp nhà nước tối đa 50% là vướng mắc lớn nhất 

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh: "Muốn Cao Bằng phát triển, muốn xoá được đói giảm được nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên thì không có một cách nào khác đó là phải tập trung vào những tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Đây là mong mỏi của nhân dân Cao Bằng rất là lâu rồi nhưng rõ ràng là chưa có điều kiện để tổ chức thực hiện".

Khi tham gia nghiên cứu đề xuất dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu để hạ tổng mức đầu tư từ 47.000 tỷ đồng xuống còn khoảng 23.000 tỷ đồng, tức là giảm gần một nửa so với dự toán trước đây nhờ tối ưu hóa hướng tuyến, rút ngắn chiều dài tuyến 23 km (từ 144 km xuống còn 121 km) khi áp dụng công nghệ khoan hầm xuyên núi, cầu cạn vượt thung lũng.

Nhưng tổng mức đầu tư có giảm thì câu chuyện tài chính, tính khả thi của dự án vẫn còn xa lắm. Ngay cả những dự án, khu vực có tiềm năng, doanh thu lưu lượng rất tốt như Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hoà - Vũng Tàu… việc thu hút các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP cũng không phải là dễ dàng, chính vì thế đã có 5/11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 buộc phải chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công.

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, phần lớn ở các địa phương chậm phát triển đều có yếu tố giao thông còn yếu kém. Vì thế, Việt Nam nên huy động thêm nhiều nguồn vốn, nguồn lực cho giao thông, đặc biệt khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Chỉ khi giao thông tốt thì người dân mới thoát nghèo, thì kinh tế mới tăng trưởng được.

Nếu không có quy định đặc thù thí điểm, quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được xem xét quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án lớn hơn 50% đối với các dự án PPP đường bộ thì rất khó thu hút được các nhà đầu tư tham gia, bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy kinh tế bứt phá sẽ khép lại giấc mơ và khác vọng của 95 % đồng báo dân tộc cao bằng về tuyến đường kết nối Thủ đô đến miến biên viễn…

Từ năm 2020 đến nay, Luật PPP ra đời và có hiệu lực thi hành mới chỉ có 6 dự án được phê duyệt chủ trương theo phương thức này và đang triển khai các bước lựa chọn nhà đầu tư. Do đó, cần phải nghiêm túc đánh giá nguyên nhân do thể chế pháp luật, chính sách hay nguyên nhân nào khác. Vướng mắc lớn nhất được các nhà đầu tư chỉ ra đó là quy định về vốn nhà nước tham gia dự án PPP tối đa 50% tổng vốn đầu tư là chưa phù hợp.

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành nói: "Có những dự án lưu lượng xe ít nhưng vì điều kiện làm dự án để phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền, an ninh quốc phòng, kinh tế - xã hội thì việc nhà nước phải tham gia vốn vào trên 50% tổng mức đầu tư là điều rất cần thiết".

Ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc Hội nói: "Chi phí giải phóng mặt bằng các dự án giao thông thường rất lớn, nếu như chúng ta tính tổng chi phí mặt bằng vào trong tổng chi phí dự án và nhà nước chỉ đóng góp 50% thì nhiều khi nhà đầu tư phải bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng, như vậy thời gian để thu hồi được vốn đầu tư là không khả thi".

Tỷ lệ góp vốn của nhà nước không hấp dẫn sẽ không thu hút được nhà đầu tư, dự án bị chậm trễ triển khai hay phải chuyển sang hình thức đầu tư công thì người dân bị thiệt thòi, nhà nước sẽ mất thêm tiền đầu tư và quản lý vận hành sau này là những hệ luỵ thấy rõ.