Câu chuyện thú vị đằng sau chiếc cốc thủy tinh mài cạnh huyền thoại

Sản phẩm 21/12/2016 15:48

Đây là loại cốc uống thịnh hành nhất thời Liên Xô cũ.

coc-thuy-tinh-mai-canh

Chiếc cốc thủy tinh mài cạnh huyền thoại của Liên Xô. 

Chiếc cốc thủy tinh mài cạnh hay còn có tên gọi tiếng Nga là granyonyi stakan là một dạng cốc được làm từ loại thủy tinh dày và cứng đặc biệt và có nhiều mặt. Đây từng là loại cốc uống nước cực kỳ thịnh hành tại Nga và Liên Xô cũ.

Loại cốc này có ưu thế vượt trội hơn hẳn so với những loại cốc uống nước thông thường do chất liệu cứng và hình thức mài cạnh khó vỡ. Thiết kế cốc này cũng rất thuận tiện sử dụng trên tàu sắt hoặc tàu biển - nhờ cạnh mài mà nó không bị lăn trên bàn khi tròng trành.

Được biết nguyên liệu được nung chảy ở nhiệt độ 1400-1600 độ, sau đó cốc được nung hai lần và tạo cạnh bằng công nghệ riêng. Mỗi năm, ở Liên xô sản xuất khoảng nửa tỷ chiếc cốc loại này, đủ cho mỗi người dân Liên xô vài chiếc. Đó là vật dụng hầu như chưa bao giờ bị khan hiếm trên các quầy hàng.

Giá tiền của chiếc cốc phụ thuộc vào số cạnh mài. Có các mẫu cốc với 10, 12, 14, 16, 18 và 20 cạnh (mẫu chẵn cạnh sản xuất đơn giản hơn). Loại phổ biến kinh điển nhất - 16 cạnh giá 7 kop, còn loại 20 cạnh thì giá 14 kop.

Loại cốc này bắt đầu được sản xuất từ năm 1943 tại một nhà máy ở thành phố Gus Khrustalny – trung tâm thủy tinh nổi tiếng của Nga. Theo một tài liệu ghi lại, loại cốc này trở nên được yêu thích và sản xuất hàng loạt tại Nga bởi nó có thiết kế rất phù hợp cho máy rửa bát đĩa của Liên Xô thời những năm 1940.

Giai thoại kể rằng, người thiết kế dáng vẻ cái cốc này là họa sĩ, nhà điêu khắc Vera Mukhina (tác giả tượng đài "Công nhân và nông dân" huyền thoại). Dù đến nay vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng xác thực nào chứng minh bản quyền sáng chế ra loại cốc độc đáo này là của Mukhina nhưng các đồng nghiệp của bà đã chứng thực điều đó.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu sâu hơn sẽ thấy nguồn gốc loại cốc này xuất hiện từ rất lâu tại Nga, khoảng thế kỷ 19, 20.

Theo đó, chiếc cốc thủy tinh mài cạnh đầu tiên được mang tới như một món quà cho Peter Đại đế từ một người thợ thủy tinh có tên Yefim Smolin sống tại Vladimir Oblast. Ông đã khoe khoang với Peter Đại đế rằng cốc của ông không thể rơi vỡ. Peter Đại đế rất thích món quà này và sau đó cho tiếp tục sản xuất những loại cốc như vậy.

Chiếc cốc mài cạnh được sử dụng ở khắp mọi nơi ở Nga từ trường học, bệnh viên, quán cà phê... Những bà nội trợ Nga thời đó không thể làm gì mà thiếu những chiếc cốc này: Dùng để đong các loại chất lỏng và thậm chí một vài cuốn sách nấu ăn thời đó còn sử dụng cốc này như một đơn vị đo lường chứ không dùng gram.

Thậm chí theo truyền thống người Nga còn đập vỡ cốc vào những dịp tiệc tùng như một dấu hiệu của sự may mắn, hạnh phúc.

Sự phổ biến của loại cốc này giảm bớt vào những năm 1970 khi một loại cốc thủy tinh mỏng hơn bắt được sản xuất sử dụng những nguyên liệu từ Hungary. Dẫu vậy hàng loạt nhà máy tại Nga và Ukraine vẫn sản xuất loại cốc kể trên và nó đã trở thành biểu tượng của người Nga.

Cho tới giờ, những chiếc cốc thủy tinh mài cạnh vẫn được sử dụng trên các chuyến tàu ở Nga vì tiện dụng cũng như khó rơi vỡ. Hàng năm, nước Nga còn tổ chức những buổi lễ kỷ niệm nhằm bày tỏ sự trân trọng đối với loại cốc này. Ví dụ, năm 2005, một tháp cao 2,5m được xếp từ 2.024 chiếc cốc thủy tinh đã được tạo dựng ở Izhevsk.

Ý kiến của bạn

Bình luận