Theo báo cáo của Bộ GTVT Đài Loan, tính đến tháng 10/2015, Đài Loan có khoảng 21,2 triệu phương tiện cơ giới đã đăng ký, trong đó có 14,7 triệu xe máy (chiếm khoảng 69%), tức là cứ 100 người thì có 67,6 xe máy, trong khi ở Việt Nam tỉ lệ này thấp hơn nhiều, chỉ 46 xe máy trên 100 người. Dù mật độ xe lớn nhưng giao thông ở Đài Loan lại ít lộn xộn và tắc đường hơn nhiều quốc gia Đông Nam Á. Điều làm nên sự khác biệt chính là những chính sách đơn giản nhưng lại rất hiệu quả của chính quyền Đài Loan.
60% đường phố Đài Loan thu phí đỗ xe máy
Xe máy ở Đài Loan đỗ rất trật tự, người đi bộ vẫn có lối đi trên vỉa hè |
Cách đây hơn chục năm, tắc đường là chuyện “như cơm bữa” ở Đài Loan. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng đỗ xe máy tràn lan. Người đi xe máy được tự do đỗ xe ở bất cứ đâu, dù là trên vỉa hè hay dưới lòng đường. Tuy nhiên, kể từ năm 2000, người đi xe máy bắt đầu phải trả phí đỗ xe. Chính quyền Đài Loan tiến hành thí điểm thu phí từng khu vực để người dân tập làm quen với chính sách mới. Ban đầu, việc thu phí đỗ xe vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân nhưng dần dần họ nhìn thấy được tác dụng tích cực của nó nên chấp thuận và ủng hộ. Xe máy được tập trung vào những khu vực nhất định, ai không tuân thủ sẽ bị phạt nặng. Xe đỗ ở những khu vực này không cần khóa, có thể để cả tuần, thậm chí cả tháng mà không bị mất cắp. Chính sách quy hoạch đỗ xe mới đã giúp người đi bộ không phải tràn xuống lòng đường để di chuyển nữa, góp phần giảm ùn tắc và TNGT tại Đài Loan. Mặt khác, do xe máy bị tính phí đỗ xe nên nhiều người bắt đầu chuyển sang tàu điện ngầm hoặc xe buýt nhanh để tiết kiệm chi phí. Hiện tại, thu phí đỗ xe đã được thực hiện ở 60% đường phố Đài Loan và sẽ nhanh chóng phủ khắp toàn bộ hòn đảo này.
Kế hoạch phân tách ô tô và xe máy
Tuy đã phần nào giải quyết được vấn đề UTGT nhưng Đài Loan vẫn còn một vấn đề nghiêm trọng không kém, đó là tai nạn xe máy. Thống kê về TNGT từ năm 2005 - 2009 cho thấy, 54 - 61% vụ việc có liên quan đến xe máy. Các nhà quản lý giao thông Đài Loan cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn xe máy là do ô tô và xe máy sử dụng cùng một làn đường. Ngoài ra, tình trạng thiếu tín hiệu chỉ dẫn đường bộ cũng khiến nhiều phương tiện tự do chen lấn, vượt lên phía trước hoặc chuyển làn đột ngột, dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Do đó, chính quyền Đài Loan đã đầu tư một số tiền khổng lồ vào việc cải thiện an toàn cho người đi xe máy, trong đó có kế hoạch “Phân tách ô tô và xe máy” được giới thiệu vào năm 2007.
Đường được phân làn logic, từ trái qua phải: Làn ô tô đi thẳng, làn xe máy, làn ô tô rẽ phải |
Kế hoạch “Phân tách ô tô và xe máy” được chia làm ba phần. Phần 1 - Cải thiện ATGT trên đường Huanhe: Chính quyền tiến hành phân một làn đường dành riêng cho xe máy trên đường cao tốc Huanhe dài 7,6km từ quận Tucheng tới quận Banqiao. Do xe máy và ô tô không còn phải chen lấn nhau nên số lượng người chết do tai nạn xe máy trên con đường này giảm từ 24 người năm 2006 xuống còn 11 người năm 2007 và chỉ còn 2 người vào năm 2008. Đặc biệt, năm 2009 không ghi nhận trường hợp nào bị tai nạn xe máy, điều này cho thấy thành công to lớn của biện pháp này.
Phần 2 - Làn đường màu đỏ: Tại những đoạn đường dẫn đến các nút giao phức tạp, chính quyền đã cho sơn màu đỏ mang ý nghĩa cảnh báo “sắp đến khu vực nguy hiểm” để các chủ phương tiện có ý thức đi đúng làn và di chuyển chậm. Biện pháp này đã được 76% người dân ủng hộ trong một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 10 năm 2008.
Phần 3 - Giảm chiều rộng của làn xe tốc độ cao: Kể từ tháng 11 năm 2008, bất cứ con đường nào được làm lại cũng đều cắt giảm độ rộng của làn xe tốc độ cao xuống còn 3m, đồng nghĩa với làn xe buýt sẽ được mở rộng thêm 0,25m. Bên cạnh đó, phần đường còn lại được sử dụng để mở làn đường ưu tiên xe máy hoặc làn xe tốc độ chậm, để hạn chế việc xe máy lấn vào làn xe tốc độ cao.
Đăng ký xe và xử lý vi phạm
Không chỉ chú trọng công tác quy hoạch đỗ xe và cải thiện ATGT, chính quyền Đài Loan luôn cố gắng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bắt đầu từ thủ tục đăng ký xe. Thủ tục mua xe máy ở Đài Loan khá đơn giản, ngay cả đối với người nước ngoài. Người nước ngoài chỉ cần có bằng lái xe và thẻ cư trú là mua được xe, còn đối với người Đài Loan là chứng minh thư. Nếu muốn mua xe cũ, người mua phải lập tức sang tên và chuyển quyền sở hữu. Hai bên mua và bán chỉ cần cầm giấy đăng ký và bảo hiểm ra Cục quản lý xe làm thủ tục trong vòng 5 - 10 phút là xong.
Không chỉ thủ tục đăng ký xe thuận tiện mà thủ tục xử phạt vi phạm giao thông ở Đài Loan cũng hết sức nhanh gọn. Các camera giao thông sẽ ghi hình, chụp biển số xe vi phạm và gửi biên bản nộp phạt về nhà chủ xe chỉ sau 2 - 3 ngày. Chủ xe phải nộp phạt trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được biên lai phạt. Nếu quá hạn nộp, phí phạt sẽ bị tính lãi và sau một năm không nộp phạt, chủ xe sẽ bị cưỡng chế tịch thu xe. Tất nhiên là hầu hết người dân Đài Loan đều tuân thủ nghiêm quy định nộp phạt bởi thủ tục nộp phạt ở đây khá đơn giản. Thay vì thanh toán qua thẻ ngân hàng hoặc đến kho bạc nộp phạt, người vi phạm có thể đến nộp phạt tại Seven Eleven - hệ thống cửa hàng tiện lợi có mặt tại khắp lãnh thổ Đài Loan.
Những biện pháp trên đã giúp năng lực kiểm soát an toàn đường bộ được nâng cao, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo giao thông của Đài Loan, biến hòn đảo này trở thành một trong những nơi đáng sống nhất châu Á.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.