Cầu đường sắt cao nhất thế giới chính thức hoàn thành

Giao thông toàn cầu 15/08/2022 14:15

Cây cầu Chenab dài 1,3 km, cao hơn 30m so với tháp Eiffel, Paris đã chính thức khánh thành nhân dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh của Ấn Độ.

Các kỹ sư giơ cao quốc kỳ và hồ hởi chúc mừng khi phần cầu vòm cuối cùng được kết nối

Các kỹ sư giơ cao quốc kỳ và hồ hởi chúc mừng khi phần cầu vòm cuối cùng được kết nối

Hoàn thành mối nối cuối cùng

Công trình cầu đường sắt cao nhất thế giới bắc qua sông Chenab, nằm ở khu Kouri, quận Reasi đã đạt được cột mốc quan trọng khi phần cầu vòm cuối cùng của cây cầu đã được lắp đặt xong vào hôm 13/8 vừa qua.

Từ giờ trở đi, các kỹ sư sẽ bắt đầu chuyển sang công tác lắp đặt đường ray trên cầu. Khi đường ray hoàn thành, vùng núi hẻo lánh Kashmir sẽ được kết nối với phần còn lại của Ấn Độ bằng đường sắt lần đầu tiên kể từ khi quốc gia này giành được độc lập.

Ông Surender Mahi, giám đốc của công ty đường sắt USBRL Kohkan cho biết: "Đây là dự án khổng lồ đối với tất cả chúng tôi. Để phục vụ thi công công trình, chúng tôi đã phải cho xây dựng 26 km đường gồm cả cầu và hầm."

Ông Mahi cho biết thêm, các kỹ sư đã phải đối mặt với vô số thách thức nhưng cuối cùng đã khiến công chúng kinh ngạc bởi những giải pháp kỹ thuật của mình. Do địa hình đặc biệt nằm giữa thung lũng, các kỹ sư tính toán cây cầu phải đối mặt với những cơn gió vận tốc 266 km/h trong 3 giây. Cầu được trang bị đèn báo tốc độ và tín hiệu cảnh báo ở hai đầu. Ngoài ra, khu vực cầu đi qua thường xuyên xảy ra địa chấn cấp 4 nên các kỹ sư đã thiết kế cây cầu có thể chịu được địa chấn cấp 5.

Dự kiến, phần đường ray đường sắt sẽ được hoàn thành trong vòng 2 năm tới, tức là vào tháng 12/2024. Tàu hỏa sẽ đi qua cây cầu này đến Srinagar. Hiện tại công trình đường ray ngoài cây cầu đến Srinagar cũng đã được tiến hành. Sau khi hoàn thành lắp đặt đường ray sẽ tiến hành chạy thử. 

"Để đạt được thành tích này, chúng tôi đã tìm kiếm nhiều chuyên gia kỹ thuật đến từ Viện Khoa học Ấn Độ, cơ quan viễn thám quốc gia và nhiều đơn vị khác. Đây là vòm đường sắt cao nhất thế giới, cao hơn 35m so với tháp Eiffel", ông Mahi cho hay.

Chi phí của dự án ước tính là 14,5 tỷ Rupee (khoảng 426 tỷ VND).

Cây cầu đường sắt cao nhất thế giới đã chính thức thành hình

Cây cầu đường sắt cao nhất thế giới đã chính thức thành hình

Kỳ tích thời hiện đại

Theo ông David MacKenzie, Giám đốc của Cowi - đơn vị thi công cây cầu, việc xây dựng những công trình kiến trúc quy mô lớn là thách thức vô cùng lớn đối với bất kỳ kỹ sư nào ngay cả trong điều kiện lý tưởng. Thế nên việc xây dựng được một cây cầu đường sắt cao hơn cả tháp Eiffel ở vùng hẻo lánh Ấn Độ quả là một kỳ tích thời hiện đại.

Từ xa xưa, núi Himalayas đã là một hình ảnh ẩn dụ trong văn học và thi ca tượng trưng cho những thách thức không thể vượt qua. Thế nhưng, chân ngọn núi này lại là nơi bắt đầu của cây cầu vòm vượt núi Chenab, nối Jammu và Kashmir (Ấn Độ). Cây cầu trị giá 92 triệu USD này là một phần của mạng lưới đường sắt dài 111 km do Tập đoàn Đường sắt Konkan của Ấn Độ xây dựng từ Katra đến Banihal.

Để xây dựng thành công cây cầu vòm cao nhất thế giới tại một trong những địa hình hiểm trở nhất thế giới, các kỹ sư phải không ngừng đương đầu với những thách thức, đặc biệt là yếu tố khó lường của tự nhiên do Himalaya thường xuyên có tình trạng sạt lở đất. Các bộ phận bằng thép cần phải được ghép nối liền mạch với nhau, đòi hỏi chất lượng tay nghề và chế tạo tại chỗ phải đạt tiêu chuẩn cao nhất.

Cây cầu cũng nằm gần một khu vực có tranh chấp, chỉ cách đường kiểm soát quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan ở Jammu và Kashmir 60km; chưa kể đến những thách thức về giao thông khi tất cả nhân lực, vật liệu, thiết bị và thép phải được vận chuyển đến vùng sâu vùng xa, gần như không thể tiếp cận trước đây.

Quá trình thi công gian nan

Ông MacKenzie cho biết thêm, việc xây cây cầu này là một hành trình phức tạp và mệt mỏi.

"Bạn phải bay đến Delhi, sau đó đến Jammu, rồi di chuyển bằng đường bộ trong 4 tiếng để đến công trường. Không thể đong đếm nổi đã tốn bao nhiêu công sức, nhân lực và hậu cần liên quan để có thể vận chuyển hơn 28.000 tấn thép đến đó." - ông Mackenzie nói.

Các kỹ sư địa kỹ thuật và địa chất tại công trường phải hiểu rõ đặc điểm địa hình như lòng bàn tay và tận dụng nó theo ý họ. Đội thi công đã cắt xẻ sườn núi đá bấp bênh để làm một con đường nhỏ phục vụ cho việc đi lại. Những cần cẩu giàn đặc biệt được chế tạo để vận chuyển thiết bị một cách hiệu quả từ bên này sang bên kia cây cầu.

Việc xây dựng cây cầu này đã diễn ra trong suốt hơn 1 thập kỷ. Sản phẩm cuối cùng phải có khả năng chống chọi với gió lớn, động đất, nhiệt độ khắc nghiệt và sạt lở đất. Tại một địa điểm hiểm trở như vậy với rất nhiều biến số, số phận của cây cầu hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm và sự linh hoạt của các kỹ sư, công nhân tham gia.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo của Jammu và Kashmir bằng cách nối phần vùng núi này của Ấn Độ với đất liền, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ý kiến của bạn

Bình luận