Cậu học sinh nghèo 5 năm làm đôi chân cho bạn đến trường mỗi ngày

Xã hội 24/09/2018 14:49

Không quản ngại đường xa, nắng nôi, mưa gió vất vả, nhiều năm qua, một cậu bé người Thái ở vùng cao huyện Quỳ Châu vẫn miệt mài cõng bạn khuyết tật đến trường. Tình bạn đẹp ấy khiến thầy cô, bạn bè và người dân địa phương của hai em rớt nước mắt.


Cậu học sinh nghèo 5 năm làm đôi chân cho bạn đến trường mỗi ngày- Ảnh 1.

Suốt 5 năm qua, Khanh tình nguyện làm “đôi chân” để bạn đến trường.

Được một người bạn làm trong ngành giáo dục của huyện Quỳ Châu giới thiệu, chúng tôi tìm về bản Tà Ọt, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu, Nghệ An) để gặp cậu bé người Thái suốt 5 năm cõng bạn đến trường.

Cậu bé người Thái ấy là Vi Tuấn Khanh, SN 2006, hiện vừa học xong lớp 5B, Trường Tiểu học Châu Hạnh 2.

Tuổi thơ thiệt thòi

Khanh có dáng người nhỏ thó, da đen nhẻm và khuôn mặt như già trước tuổi. Được biết, nhà Khanh thuộc diện khó khăn nhất bản. Bố mẹ Khanh vì bệnh tật quanh năm đau yếu triền miên.

Gia cảnh nghèo túng, không có tiền mua thuốc điều trị nên bố mẹ Khanh chỉ biết trông chờ vào những lá thuốc hái từ rừng đem về sắc uống để cầm cự nên sức khỏe ngày càng giảm sút. Là con đầu nên dù mới 11 tuổi, Khanh đã phải cùng bà nội 75 tuổi cáng đáng việc nhà.

Nói về trường hợp của Vi Nhật Cảnh (cùng tuổi, học cùng lớp với Khanh) chị Vi Thị Hòa, 37 tuổi, mẹ của Cảnh nhìn đứa con tật nguyền rồi nghẹn ngào: “Cháu nó bị dị tật bẩm sinh.

Khi cháu cất tiếng khóc chào đời, thấy tôi ốm yếu, bệnh tật nên cha của cháu đã nhẫn tâm bỏ hai mẹ con lại rồi đi biệt tích. Lúc Cảnh chập chững biết đi, gia đình tôi phát hiện chân cháu có vấn đề và đưa đi khám thì bác sỹ kết luận cháu bị bại não nhẹ, rồi đôi chân co quắp không thể đứng dậy được”.

Được biết, ông ngoại của Cảnh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và là thương binh hạng 1/4. Ông sinh được 5 người con thì 4 người bị dị tật, trong đó có mẹ của Cảnh. Đến nay, 3 người cậu, dì của Cảnh lần lượt qua đời mà không rõ nguyên nhân. Mẹ Cảnh cũng bị dị tật, người ốm yếu, đi lại rất khó khăn.

Khi Cảnh lên 6 tuổi, nhìn bạn bè cắp sách đến trường, em cũng nằng nặc đòi mẹ và dì được đi học. Thương cháu ham học, những ngày đầu lớp 1, Cảnh được người dì ruột là Vi Thị Hồng cõng đến trường. Một lần trên đường tới trường, Khanh thấy người bạn gần nhà muốn đến trường mà không ai đưa đi, đã động lòng thương và tình nguyện làm “đôi chân” đưa Cảnh tới lớp.

Năm Cảnh tròn 3 tuổi, một người đàn ông ở thị trấn Tân Lạc, trong một lần xây nhà thuê cho bản Tà Cồ, biết được hoàn cảnh của hai mẹ con đã đem lòng thương cảm và kết hôn với mẹ của em.

Từ đó, bố dượng đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho hai mảnh đời bất hạnh. Bố dượng của Cảnh luôn ân cần, động viên em tới trường để được hòa đồng cùng chúng bạn, và hơn hết, để được học con chữ, được trở thành người có ích cho xã hội.

Gập ghềnh đường tới lớp

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ nhà Cảnh tới trường dài khoảng 1,5 cây số. Để có thể đến trường, Khanh cùng bạn phải mất tầm 30 phút đi bộ. Tuy nhiên, để đến trường trên con đường ấy với những học sinh tiểu học vùng cao, nhất là với cậu học sinh tiểu học hằng ngày phải cõng bạn trên lưng đến trường thì chẳng hề dễ dàng.

Cậu học sinh nghèo 5 năm làm đôi chân cho bạn đến trường mỗi ngày- Ảnh 2.

Đôi bạn cùng tiến Vi Tuấn Khanh và Vi Nhật Cảnh.

Theo những người dân địa phương, trước đây khi Khanh và Cảnh bước vào lớp 1, con đường đến trường ấy toàn đá sỏi, lại phải đi qua khe nên học sinh trong bản tới trường gặp rất nhiều trở ngại. Con khe Đá Đòng ngày nắng đã khiến học sinh đi lại rất khó khăn.

Vào những ngày mưa, nước dâng cao cũng là lúc Khanh cõng bạn đi qua phải đánh cược với tử thần trước dòng nước xiết và những mỏm đá trơn trượt. Nhớ lại những lần vượt khe đưa bạn đến trường, Khanh vẫn còn run: “Mấy năm cõng bạn đi học, em sợ nhất là mỗi lần trời mưa, đi qua khe nước dâng lên to. Có lần trời mưa to, đường trơn, em cõng bạn đi học về bị ngã, cả hai bị ướt hết quần áo, em còn bị trật khớp chân”.

Mỗi ngày cõng bạn đến trường, không biết bao lần tấm lưng gầy yếu của Khanh đẫm ướt mồ hôi vì mệt. Khanh chia sẻ, những ngày đầu cõng bạn đến được lớp học, với em thật là gian nan, vất vả. Khi đó, toàn thân Khanh mệt rã rời.

Tuy nhiên, để cõng bạn đi hết chặng đường tới lớp rồi lại về nhà, cứ đi được một đoạn Khanh phải dừng lại bên đường nghỉ lấy sức rồi tiếp tục đi tiếp. Để không bị muộn giờ học, hằng ngày Khanh và Cảnh thường dậy từ lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị sách vở rồi bắt đầu cuộc hành trình đến lớp.

Được biết, trước đây, Cảnh được Ban giám hiệu Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 xin nguồn tài trợ được một chiếc xe lăn; nhưng do đường xấu, sức khỏe của em rất yếu nên không thể tự đẩy xe lăn đến trường.

Tiếp đó, năm học 2014-2015, Ban giám hiệu, thầy cô tại trường Khanh và Cảnh đang theo học đã quyên góp và mua được một chiếc xe đạp cho người chị gái, con dì của Cảnh, với mục đích để em này đưa Cảnh tới trường. Tuy nhiên, Cảnh vẫn không thể tự ngồi sau xe đạp và vẫn phải nhờ tấm lưng gầy yếu của Khanh.

Niềm vui đến với Khanh và Cảnh cùng những học trò nghèo nơi đây khi đầu năm 2016, con đường từ nhà đến trường của hai em được sửa sang. Tại con khe Đá Đòng hung dữ ngày nào giờ cũng đã được xây dựng một cây cầu to, rộng để các em đến trường đỡ vất vả.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng suốt 5 năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, mùa đông giá rét hay những ngày hè oi bức, Khanh không để bạn mình phải nghỉ học dù chỉ một hôm, hay thậm chí chậm giờ. Khánh luôn tự nhủ mình cố gắng và động viên bạn vượt khó vươn lên, hoàn thành chương trình trên lớp.

Nói về việc làm của con trai mình, chị Vi Thị Sáu, mẹ Khanh bộc bạch: “Nhiều hôm cõng bạn về đến nhà, thấy con người ướt đẫm mồ hôi, ngồi thở hổn hển, nghĩ mà rơi nước mắt. Nhưng vì thấy bạn của con tàn tật, không ai đưa đến trường nên vợ chồng tôi cũng động viên con cố gắng giúp đỡ bạn”.

Nếu như lúc ở nhà, mọi sinh hoạt cá nhân của Cảnh đều dựa vào sự giúp đỡ của mẹ, dì và người bố dượng thì khi tới trường, Khanh tình nguyện là đôi tay, đôi chân của bạn mình từ việc lấy từng quyển sách, cái bút, đến đi vệ sinh hay làm bất kỳ những việc khác.

Cảm phục trước tình bạn trong sáng và việc làm cao đẹp của “chú lính chì” dũng cảm Vi Nhật Khanh với cậu bạn khuyết tật, cô giáo chủ nhiệm của hai em đã đứng ra đề xuất với nhà trường miễn giảm hết các loại quỹ ở lớp cho hai em. Có những hôm trời mưa, Khanh không cõng bạn về được, cô đã chở cả hai em về tận nhà.

Không những thế, cô chủ nhiệm của Khanh và Cảnh còn phát động những học sinh trong lớp mỗi người một ngày giúp đỡ Cảnh trong việc cõng bạn xuống sân chơi trong các tiết học thể dục và ngoại khóa để em có thêm nghị lực vượt khó, vươn lên trong học tập.

Đôi bạn cùng tiến

Ngoài thời gian lên lớp và làm việc nhà, Khanh thường qua nhà Cảnh để cả hai cùng học. Nhờ đó, kết quả học tập của hai em được cải thiện đáng kể.

Không phụ sự khó nhọc, vất vả của người bạn tình nguyện làm “đôi chân” để mình đến trường, suốt 5 năm qua, Vi Nhật Cảnh luôn là tấm gương nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập của Trường Tiểu học Châu Hạnh 2.

Suốt 5 năm học tiểu học, cả Khanh và Cảnh luôn là những học sinh điểm cao của lớp, được nhiều giấy khen của trường. Cảnh cho rằng, để đạt được những thành quả đó, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó của bản thân còn có những giọt mồ hôi nhọc nhằn của người bạn đã tình nguyện làm đôi chân để em đến trường, động viên em trong những lúc khó khăn nhất.

Cậu học sinh nghèo 5 năm làm đôi chân cho bạn đến trường mỗi ngày- Ảnh 3.

Khanh bên cạnh bà nội già yếu và người mẹ bị bệnh tật.

Nói về những học trò của mình, cô Trần Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm của hai em cho biết: “Khanh và Cảnh tuy gia cảnh khó khăn nhưng cả hai đều là học sinh ngoan, vượt khó của lớp. Tuy nhà xa, đi lại khó khăn nhưng các em luôn động viên, giúp đỡ nhau đến trường và cả hai chưa một ngày nào nghỉ học.

Biết hoàn cảnh của các em, nhiều thầy cô trong trường cũng dành sự quan tâm đặc biệt và luôn tìm cách giúp đỡ, động viên các em vượt khó để vươn lên học tốt. Tình bạn trong sáng của hai em, đặc biệt là việc làm suốt năm năm cõng bạn đến trường của em Khanh luôn là niềm tự hào của thầy cô, học sinh trong trường”.

Cô Trần Thị Thủy cũng chia sẻ: “Trong lễ tổng kết năm học mới đây, hình ảnh Khanh và Cảnh cõng nhau lên nhận giấy khen của trường trao tặng đã lấy đi bao nước mắt của thầy cô, bạn bè cùng trang lứa. Tấm gương nghị lực vượt khó của các em luôn là đề tài để học sinh trong trường khi làm văn tả về một người bạn của mình lựa chọn để đưa vào bài viết của mình”.

Cô Trần Thị Ái Liên, quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 cho biết: “Phần lớn học sinh trong trường thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó có nhiều trường hợp là học sinh mồ côi. Chính nghị lực vượt khó và tình bạn cao đẹp của hai em Vi Tuấn Khanh và Vi Nhật Cảnh là tấm gương sáng để bạn bè cùng trang lứa trong trường soi vào, vượt qua mặc cảm và vươn lên”.

Chia tay bản Tà Ọt khi nắng chiều vẫn chói chang, dẫu biết con đường phía trước của đôi bạn ấy sẽ còn nhiều gập ghềnh, trắc trở, nhưng tin rằng với sự nghị lực vượt khó vươn lên của mình, những “bông hoa” của núi rừng Châu Hạnh ấy sẽ thực hiện được ước mơ về một ngày mai tươi sáng.

Ý kiến của bạn

Bình luận