Dự án xây dựng cầu Nam Lý có vốn đầu tư 857 tỷ đồng, khởi công từ tháng 10/2016 để thay thế cầu cống đập Rạch Chiếc nhằm tăng khả năng kết nối Xa lộ Hà Nội với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, góp phần giảm kẹt xe tuyến đường Đỗ Xuân Hợp vào giờ cao điểm. Kế hoạch ban đầu, cầu Nam Lý sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng sau 18 tháng thi công.
Ghi nhận tại hiện trường, những điểm rào chắn công trường đã bắt đầu hư hỏng, đổ sập. Hàng loạt sắt thép và khối bê tông nằm chông chênh trên dầm cầu. Các dây phản quang cảnh báo cũng không còn và cây cối bao bọc các trụ cầu.
Trong khi đó, giao thông qua khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt cây cỏ che khuất tầm nhìn, tuyến đường Đỗ Xuân Hợp nối từ Quận 2 (cũ) sang Quận 9 ( cũ) của TP. Thủ Đức đã bị bóp nghẹt, nhường đường cho dự án. Đây chính là điểm ùn tắc nhiều năm liền khiến người dân ngán ngẩm. Bên cạnh đó, khu vực thường xuyên đọng nước mỗi khi mưa lớn, gây ngập và kéo theo bụi đất làm ô nhiễm môi trường.
Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết, tới thời điểm thi công bị ngưng trệ, khối lượng xây lắp của cầu Nam Lý đạt 39%.
Hiện trạng ở dự án này chỉ là những trụ cầu, dầm cầu trơ cốt thép rỉ sét, đường dẫn thi công dang dở. Trước đó, dự án do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh) thực hiện, nay đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng cầu Nam Lý.
Hiện khó khăn lớn nhất khiến dự án này lâm cảnh bỏ hoang là do trượt giá đền bù, không giải tỏa được mặt bằng khiến các nhà thầu phải ngừng thi công. Theo đó, kinh phí bố trí cho GPMB chiếm tới 2/3 tổng mức đầu tư dự án, nhưng lại không thống nhất được mức giá đền bù cho người dân có đất bị thu hồi.
Có thể thấy, các dự án chậm tiến độ kéo dài xuất phát từ nguyên nhân công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án đầu tư công của các đơn vị còn chậm, thủ tục rườm rà, việc điều chỉnh vốn và thiết kế kỹ thuật làm tốn rất nhiều thời gian. Cùng với đó là giá thị trường bất động sản biến động nhanh, khiến giá trị xây lắp và chi phí đền bù GPMB tăng gấp bội, phá vỡ phương án tài chính của dự án.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ năng lực của chủ đầu tư, ban QLDA và sự phối hợp của chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan trong công tác chuẩn bị, triển khai, quản lý đầu tư, điều phối dự án còn nhiều bất cập.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.