Vượt tiến độ 4 tháng
Sáng nay (30/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (cầu Vĩnh Tuy 2) của TP.Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn với nhiều hình thức đầu tư khác nhau và chính sách phù hợp để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, những cây cầu mới, bến cảng, sân bay đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, địa phương, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, con người, văn hóa, xã hội,…
Riêng với TP.Hà Nội, các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, cầu Vĩnh Tuy 2 là công trình đóng vai trò quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng, nhằm hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 và kết nối với các tuyến vành đai khác của Thành phố Hà Nội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề cho việc hình thành không gian phát triển mới, chuỗi các đô thị phía bắc Thủ đô.
Dự án hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố; giải quyết áp lực cho các tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương việc công trình thi công vượt tiến độ khoảng 4 tháng, không đội vốn và có thể sẽ tiết kiệm được vốn sau khi quyết toán.
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương tổ chức vận hành khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả cây cầu. Các cơ quan, đơn vị quản lý và người dân cần chung tay chăm lo bảo dưỡng, bảo vệ các hạng mục công trình, bảo đảm công trình được khai thác hiệu quả, bền vững.
Hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai II
Theo UBND TP. Hà Nội, quá trình triển khai dự án cầu Vĩnh Tuy 2 gặp rất nhiều khó khăn, như công trình có điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp, thi công trong đô thị, vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông đi lại của giao thông đường thủy và đường bộ; thi công trong mùa lũ, khi mực nước dâng cao phải dừng thi công và di chuyển máy móc, thiết bị thi công để tránh lũ.
Cùng với đó, quá trình thi công diễn ra trong giai đoạn dịch COVID-19 tái bùng phát vào năm 2021, cả nước thực hiện giãn cách xã hội,… Những yếu tố này cộng hưởng với khó khăn về việc huy động nhân công, bão giá nhiên, nguyên vật liệu,… phần nào ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Biến động giá vật liệu xây dựng tăng, nhất là thép xây dựng (trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng khoảng 40-50%) khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn lưu động phục vụ gói thầu, dự án,…
Tuy nhiên đến nay, công trình đã hoàn thành đúng vào dịp chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh và chào mừng 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô, đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng và mỹ quan đô thị.
Được biết, trong số 8 cây cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn TP.Hà Nội, 7 cây cầu do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện; UBND TP.Hà Nội là chủ đầu tư, tổ chức triển khai thực hiện dự án cầu Vĩnh Tuy 2 bằng ngân sách thành phố.
Dự án được đầu tư theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai II của TP.Hà Nội; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh. Đồng thời, cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng các quận: Hai Bà Trưng, Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.
Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ tổ chức lưu thông 1 chiều theo hướng từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên với 4 làn xe và tổ chức giao thông lại cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 theo hướng lưu thông 1 chiều từ quận Long Biên sang quận Hai Bà Trưng góp phần giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên tuyến.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.