Đồng loạt tăng tốc thi công
Kết thúc năm tài khóa 2021, Ban QLDA Thăng Long dẫn đầu Bộ GTVT về kết quả giải ngân khi đã “tiêu” hết số vốn khoảng 8.300 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp, đơn vị này đứng đầu về sản lượng giải ngân. Trước đó, năm 2020, số vốn giải ngân của Ban QLDA Thăng Long lên tới hơn 8.600 tỷ đồng, chiếm hơn 20% số vốn kế hoạch của Bộ GTVT.
Bước vào năm 2022, Ban QLDA Thăng Long tiếp tục được Bộ GTVT giao giải ngân với số vốn hơn 6.830 tỷ đồng. Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Phùng Tuấn Sơn - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, số vốn kế hoạch năm 2022 được giao cho Ban để bố trí giải ngân cho các dự án sử dụng ngân sách nhà nước khoảng 6.369 tỷ đồng và vốn cho các dự án ODA khoảng 460 tỷ đồng.
Theo ông Sơn, hiện nay, Ban QLDA Thăng Long đang chuẩn bị công tác đầu tư 3 dự án nhóm A, gồm: cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú. Đồng thời, Ban QLDA Thăng Long cũng quản lý hàng loạt dự án đang triển khai thi công gồm: cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây; dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, dự án xây dựng cầu vượt nút giao 39.
“Tính đến cuối tháng 2, Ban QLDA Thăng Long đã giải ngân được gần 600 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2022. Số vốn giải ngân tập trung chủ yếu ở hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây. Chúng tôi đang yêu cầu các nhà thầu tập trung tối đa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai để phấn đấu giải ngân toàn bộ số vốn kế hoạch năm 2022 đã được Bộ GTVT giao”, ông Sơn chia sẻ.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), trong tháng 02/2022, công tác thi công các dự án của Bộ GTVT đã có chuyển biến so với tháng 01/2022, nhưng một số dự án vẫn còn chậm so với kế hoạch tháng 02/2022. Trong đó, các chủ đầu tư, ban QLDA chậm hoàn thiện thủ tục khởi công hai dự án (dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc và dự án cải tạo cầu yếu, cầu kết nối trên các quốc lộ); 6 dự án thi công chậm tiến độ so với kế hoạch: Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dự án WB6, dự án nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24, dự án nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25. Đề cập đến tiến độ thi công các dự án cụ thể, lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT cho biết, đối với 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, hiện 1 dự án đã hoàn thành (Cao Bồ - Mai Sơn), còn lại 10 dự án đang tổ chức thi công. Lũy kế khối lượng xây lắp hoàn thành đến hết tháng 02/2022 đạt khoảng 16.846 tỷ đồng, tương đương 29,7% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 1,5% so với kế hoạch. “Trong tháng 02/2022, sản lượng hoàn thành đạt 2,5% tổng giá trị các hợp đồng, có 7 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, 3 dự án chậm so với kế hoạch”, lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT chia sẻ.
Đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sản lượng thi công đến hết tháng 02/2022 đạt 35%, chậm 2,5% so với kế hoạch tháng 02/2022, do nhà thầu thi công chậm (chủ yếu là công tác đắp cát gia tải chậm), khan hiếm nguồn cung cát đắp (còn thiếu hụt khoảng 850.000 m3: An Giang 500.000 m3 và Đồng Tháp 350.00 m3).
“Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận, nhà thầu làm việc cụ thể với tỉnh Đồng Tháp, An Giang và các doanh nghiệp khai thác để ưu tiên cung cấp cát cho dự án, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết dứt điểm công tác GPMB cho dự án theo đúng cam kết và chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công bù lại tiến độ đã chậm, bám sát kế hoạch đã chấp thuận”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT thông tin.
Ngoài các dự án trên, hiện nay, Bộ GTVT còn đang chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA đẩy nhanh tiến độ của hàng loạt dự án giao thông quan trọng khác như: 14 dự án đường sắt, đường bộ cấp bách; các dự án sử dụng vốn ODA; dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; dự án Cảng HKQT Long Thành...
“Không chấp nhận kiểu làm ăn dây dưa, lề mề”
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được giao kế hoạch 50.328 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 02/2022, lũy kế giải ngân của Bộ GTVT đạt được khoảng 2.300 tỷ đồng, đạt 4,4% kế hoạch.
Thống kê của Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, các chủ đầu tư, ban QLDA có kết quả giải ngân đạt tương đối cao trong 2 tháng đầu năm 2022, gồm: Ban QLDA Thăng Long giải ngân đạt 9% kế hoạch (603/6.830 tỷ đồng); Ban QLDA Đường sắt giải ngân đạt 15% kế hoạch (277/1.802 tỷ đồng), Ban QLDA Đường thủy giải ngân 10% kế hoạch giao (102/930 tỷ đồng), Sở GTVT tỉnh Điện Biên giải ngân 23% kế hoạch (98/417 tỷ đồng).
“Các chủ đầu tư, ban QLDA khác có kết quả giải ngân chưa cao do trong tháng 01/2022 tập trung giải ngân nốt kế hoạch năm 2021, tháng 02/2022 rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán”, ông Huy phân tích.
Liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, ông Huy cho biết, đến cuối tháng 02/2022, Bộ GTVT đã hoàn thành, trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của 3 dự án quan trọng quốc gia thuộc phạm vi quản lý, gồm: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư hai dự án nhóm A, gồm: cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và cầu Đại Ngãi.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, các ban QLDA, cục, vụ liên quan phải đẩy nhanh tiến độ, tập trung triển khai.
“Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án phải làm thật nhanh, trước ngày 15/3 phải hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp Quốc hội sắp tới. Nếu không hoàn thành theo đúng thời hạn trên, dự án của ban nào chậm, giám đốc ban đó phải chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Đối với các dự án thuộc nhóm A và nhóm B, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các ban QLDA và đơn vị liên quan phải hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư toàn bộ trước kỳ họp Quốc hội sắp tới (dự kiến diễn ra vào ngày 20/5/2022).
Đưa ra chỉ đạo quyết liệt đối với các dự án đang triển khai thi công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Các ban QLDA phải tập trung tối đa nhân lực để tháo gỡ các khó khăn. Bộ GTVT không chấp nhận kiểu làm ăn lề mề, dây dưa. Dứt khoát sắp tới, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm giám đốc các ban QLDA không hoàn thành nhiệm vụ và thay thế cán bộ trong đội ngũ lãnh đạo của các đơn vị”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.