Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (doanh nghiệp dự án) về việc khẩn trương hoàn thành các lượng còn lại của cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Theo Bộ GTVT, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã được được vào khai thác từ ngày 19/5/2023 để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, đến nay vẫn còn một số hạng mục công việc chưa hoàn thành.
Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, các hạng mục còn lại như: Hệ thống hàng rào, đường gom, thảm mặt đường đường ngang, cầu vượt, tuyến nối, hoàn thiện các cầu vượt; hệ thống thoát nước dọc, mái taluy; trạm thu phí và hệ thống ITS, lắp đặt quạt thông gió trong hầm Dốc Sạn.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và thực hiện các hạng mục theo đúng nội dung hợp đồng đã ký kết, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, doanh nghiệp dự án khẩn trương, nghiêm túc phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác GPMB, đồng thời chỉ đạo đơn vị thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công toàn bộ các hạng mục còn lại trong phạm vi hợp đồng, đảm bảo hoàn thành trước ngày 4/9/2023 theo đúng quy định của hợp đồng, đáp ứng chất lượng, tiến độ yêu cầu và không ảnh hưởng đến an toàn khai thác.
"Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT nếu để xảy ra chậm trễ", Bộ GTVT nêu rõ.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT về việc đảm bảo ATGT, quản lý vận hành công trình trong quá trình khai thác tạm.
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công bố trí đủ nhân lực, thiết bị vật tư vật liệu để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án theo đúng tiến độ hợp đồng và bố trí đủ lực lượng điều tiết, hướng dẫn người dân tham gia giao thông, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý đường bộ, CSGT, thanh tra giao thông của Trung ương và địa phương để xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, đảm bảo ATGT trong quá trình khai thác.
Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý đường bộ, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm và đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khai thác (nếu cần).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.