Năm nay việc công bố kết quả thi sẽ không đồng loạt như năm 2015. Ảnh: P.T |
Chấm thi theo xu hướng “mở”
Một trong những điểm đáng chú ý trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 là Bộ GD&ĐT thay đổi về làm tròn 0,25 điểm bài thi trắc nghiệm. Cụ thể, tổ chấm thi quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm (quy chế năm 2015 cho phép lấy đến 0,25 điểm). Điều này có nghĩa hội đồng chấm thi có thể lấy đến 0,01 điểm. Như vậy, nếu thí sinh được 4,99 cũng không được làm tròn thành 5, chỉ trường hợp 4,995 trở lên mới được làm tròn điểm.
Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi THPT của Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu, các hội đồng chấm thi phải siết chặt quy định về chấm phúc khảo. So với dự thảo, thông tư sửa đổi chính thức đã bổ sung một số nội dung nhằm quy định chặt chẽ hơn về kết quả chấm phúc khảo. Quy chế mới cũng bổ sung quy định: Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết đã tập huấn chuẩn bị cán bộ giáo viên chấm thi tốt. Năm nay, công tác chấm mở được bảo đảm. Việc ra đề mở cho thí sinh đòi hỏi cán bộ phải chấm theo dạng mở, đảm bảo tính công bằng cho thí sinh.
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Đề thi ra theo hướng “mở” thì việc chấm thi cũng sẽ “mở”. Học sinh sáng tạo, không sai mục tiêu câu hỏi, không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục đều được chấm điểm.
Trong quy chế thi không nói đến việc thưởng hay trừ điểm cho tính sáng tạo của thí sinh. Đối với một số trường hợp làm bài đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, cân nhắc trong việc chấm bài.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu: Chủ tịch Hội đồng thi chỉ đạo trực tiếp việc làm phách và bảo đảm an toàn, bảo mật của số phách; tổ chức nghiên cứu, thảo luận kỹ về đáp án, hướng dẫn chấm, biểu điểm; thực hiện nghiêm túc quy định chấm chung để thống nhất trong chấm thi.
Chấm thi được thực hiện theo quy trình chấm hai vòng độc lập và tại hai phòng chấm riêng biệt; thực hiện đúng các quy định về cách ghi điểm và quy điểm, đồng thời, thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi, theo cùng tiến độ chấm của Ban chấm thi.
Đặc biệt, cán bộ chấm thi giữ bí mật, không được cung cấp thông tin về hoạt động của Ban chấm thi và nội dung bài làm của thí sinh, ngoài các báo cáo chính thức của Ban chấm thi. Thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác thanh tra, kiểm tra và hoàn thành việc chấm thi và lên điểm trước ngày 20-7-2016.
Năm nay, sẽ không công bố kết quả thi đồng loạt
Theo Bộ GD&ĐT, các Hội đồng thi phải chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là hệ thống máy chủ và đường truyền; làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, ưu tiên đường truyền cho việc công bố kết quả thi, bảo đảm không xảy ra nghẽn mạng khi công bố kết quả thi.
Chậm nhất vào ngày 20-7-2016, dữ liệu kết quả chấm thi của Hội đồng thi phải được cập nhật vào Hệ thống phần mềm quản lý thi THPT quốc gia; các Hội đồng thi công bố kết quả sau khi đã hoàn thành việc đối sánh giữa kết quả thi lưu tại Hội đồng thi với kết quả thi được cập nhật vào Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga lưu ý: Ở các TP lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… đa số các trường ĐH được giao nhiệm vụ chủ trì công tác coi thi đều mang bài thi về trường chấm nên có khả năng gây ra sự quá tải. Bộ nhắc nhở các cụm thi phải lưu ý chuẩn bị nhân lực, vật lực đảm bảo công tác chấm thi đúng tiến độ, vì chỉ một nơi chấm không đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng đến hệ thống khi công bố kết quả. Sau khi các trường, Sở chấm thi xong, các cụm thi gửi kết quả về Bộ, Bộ so sánh đối chiếu kết quả sau đó sẽ gửi lại giữ liệu. Việc công bố kết quả thi phân tán cho 120 điểm tổ chức thi chứ không giống năm trước nữa. Bộ cũng yêu cầu các trường phải quán triệt quy chế chấm, cũng như barem chấm điểm cho các giám thị tham gia chấm thi.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.