Chậm tiến độ dự án QL91, tuyến tránh Long Xuyên do năng lực của ban quản lý dự án, nhà thầu

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đường bộ 07/04/2023 10:01

Bộ GTVT nêu rõ, nguyên nhân dự án bị chậm chủ yếu do các yếu tố chủ quan từ phía các đơn vị như năng lực tổ chức thi công của nhà thầu, tổ chức điều hành, quản lý của Ban QLDA còn hạn chế.

Chậm tiến độ dự án QL91, tuyến tránh Long Xuyên do năng lực của ban quản lý dự án, nhà thầu - Ảnh 1.

Thi công dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP.Long Xuyên

Nhà thầu không khắc phục phải xử lý theo quy định hợp đồng

Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm tại buổi kiểm tra hiện trường dự án đầu tư xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP.Long Xuyên.

Thông báo kết luận nêu rõ, mặc dù điều kiện để triển khai thi công dự án hết sức thuận lợi so với các dự án khác đang triển khai và Bộ GTVT đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị tập trung nguồn lực, triển khai thi công đảm bảo tiến độ yêu cầu, các nhà thầu đã ký cam kết với chủ đầu tư về tiến độ thực hiện, nhưng đến nay tiến độ thi công của dự án vẫn chậm, chưa đáp ứng như kỳ vọng.

"Nguyên nhân có một phần khách quan nhưng chủ yếu do các yếu tố chủ quan từ phía các đơn vị như năng lực tổ chức thi công của nhà thầu, tổ chức điều hành, quản lý của Ban QLDA còn hạn chế", Văn bản nêu rõ.

Qua kết quả kiểm tra cho thấy, các đơn vị đã có sự nỗ lực, cố gắng trong công tác tổ chức thi công các hạng mục đường găng dự án, kết quả đạt được đã có sự chuyển biến so với thời gian trước đây. Tuy nhiên, gói thầu CW4C còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành toàn dự án.

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận trên cơ sở khối lượng còn lại của các hạng mục, chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát lập lại tiến độ thi công chi tiết cho từng đoạn tuyến, từng công trình kèm theo nhu cầu nhân vật lực, máy móc thiết bị thi công, nguồn tài chính đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch. Tiến độ thi công phải phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng các mốc tiến độ sau: Hoàn thành các cầu, đường đầu cầu để thông toàn bộ tuyến phục vụ nhu cầu vận chuyển vật liệu thi công trước ngày 30/6/2023.

Đối với các đoạn tuyến đủ điều kiện dỡ tải trong tháng 7/2023, phải hoàn thành móng cấp phối đá dăm trước ngày 20/8/2023; phấn đấu hoàn thành dự án theo tiến độ hợp đồng, trường hợp kết quả theo dõi lún thực tế khác với tính toán, phải kéo dài thời gian chờ lún và xây dựng lại kế hoạch triển khai theo kết quả theo dõi lún thực tế để quyết định thi công các bước tiếp theo.

Đối với tư vấn giám sát, Bộ GTVT yêu cầu giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục mọi công đoạn thi công của nhà thầu, đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu; đảm bảo tính độc lập, khách quan, minh bạch trong đánh giá chất lượng thi công; thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của hợp đồng, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và chủ đầu tư trong công tác giám sát công trình.

"Căn cứ tiến độ điều chỉnh được chấp thuận, Ban QLDA Mỹ Thuận yêu cầu các nhà thầu ký cam kết thực hiện, tổ chức theo dõi, quyết liệt đôn đốc các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ yêu cầu", Bộ GTVT chỉ đạo và yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận khẩn trương làm việc với liên danh nhà thầu gói thầu CW4C để có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng chậm trễ, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của toàn dự án. Trường hợp các nhà thầu không có giải pháp khắc phục, cần xử lý theo đúng các quy định hợp đồng.

Ban QLDA Mỹ Thuận cũng được yêu cầu đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh các thủ tục nghiệm thu, thanh toán nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các nhà thầu để tổ chức thi công.

Đồng thời, chỉ đạo tư vấn giám sát tổ chức kiểm soát chặt chẽ tiến độ, kiểm tra chất lượng vật liệu, chất lượng thi công, đảm bảo tuân thủ theo hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật được phê duyệt.

"Ban QLDA Mỹ Thuận, tư vấn giám sát rút kinh nghiệm trong việc giải quyết các thủ điều chỉnh thiết kế, đảm bảo xử lý nhanh, đầy đủ, đúng quy định; khẩn trương làm việc với các địa phương để lấy ý kiến phương án điều chỉnh thiết kế đoạn tuyến QL80 hiện hữu và hoàn tất các thủ tục, sớm triển khai thi công", Bộ GTVT nêu rõ.

Phải tăng cường máy móc, thiết bị thi công

Đối với nhà thầu thi công tại dự án, Bộ GTVT yêu cầu phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường máy móc thiết bị thi công, tập trung nguồn lực tài chính, lực lượng thi công, có giải pháp tổ chức thi công phù hợp nhằm đảm bảo tiến độ thi công đã được chấp thuận và tiến độ giải ngân của dự án (các hạng mục nào có thể triển khai thi công thì triển khai ngay, không chờ đợi để đẩy nhanh tiến độ giải ngân).

Bộ GTVT cũng nêu rõ, việc đảm bảo nguồn vật liệu thuộc trách nhiệm của các nhà thầu theo quy định của hợp đồng, yêu cầu các nhà thầu chủ động tập kết nguồn vật liệu cấp phối đá dăm, đá sản xuất bê tông nhựa để triển khai thi công theo kế hoạch, không để xảy ra tình trạng chậm tiến độ do thiếu vật liệu.

"Các nhà thầu phải tuân thủ yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung theo biện pháp thi công được chấp thuận và quy định của pháp luật liên quan để đảm bảo chất lượng công trình; thực hiện đầy đủ công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn giao thông trong suốt quá trình triển khai thi công", Bộ GTVT chỉ đạo và yêu cầu các nhà thầu cần có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác tổ chức thi công nhằm đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Bộ GTVT giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng ohối hợp, hỗ trợ Ban QLDA Mỹ Thuận rà soát tiến độ thi công, đảm bảo phù hợp và khả thi làm cơ sở theo dõi, đôn đốc.

Đồng thời, Cục QLĐTXD cần theo dõi, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra. "Cục QLĐTXD phối hợp cùng Ban QLDA Mỹ Thuận, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công rà soát, xử lý kịp thời các vướng mắc về kỹ thuật trong quá trình thi công, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án", Bộ GTVT chỉ đạo.

Dự án xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP.Long Xuyên Dự án có chiều dài 15,3km đi qua địa bàn TP.Cần Thơ và TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia (DFAT); Vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án khởi công tháng 1/2022 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2023.