Chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bể nát, đơn vị thi công lấy tôn che

Đường dây nóng 02/09/2016 16:44

Sau nhiều tháng phát hiện chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bể nát, đơn vị thi công vẫn không tiến hành sửa chữa, khắc phục sự cố mà chỉ dùng tôn che hiện trường.

Chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bể nát
Bên trong lô cốt là những mảng tường bể nát

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh là công trình cầu vượt tại cửa ngõ phía Đông dẫn vào khu trung tâm TP.HCM. Công trình cầu vượt với tổng chiều dài 548m. Trong đó, đường dẫn lên cầu dài 216m/hai bên, đoạn cầu vượt chính dài 50m với kinh phí cho công trình này hơn 29 tỷ đồng.

Chủ đầu tư công trình là Công ty Thanh niên xung phong thành phố, đơn vị thi công là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6. Sau thời gian dài xây dựng, công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được thông xe ngày 12-4-2002. Tuy nhiên, ngay sau ngày khánh thành, cầu có nhiều dấu hiệu xuống cấp buộc các đơn vị liên quan tiến hành gia cố, sửa chữa.

2 Chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bể na
Những khoảng trống lớn trên chân cầu và những thanh sắt gãy đôi

Sau hơn 10 năm sử dụng, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều tháng nay, trên phần chân cầu vượt hướng từ Q.Bình Thạnh vào trung tâm thành phố bắt đầu bể nát, để lộ ra những khoảng trống “đáng sợ”.

Sáng 29-8, PV Báo Điện tử Công an TP.HCM có mặt tại vị trí xảy ra sự cố để ghi nhận hiện trạng cầu. Theo hướng từ ngã tư Hàng Xanh về cầu Sài Gòn, đến trụ đèn tín hiệu giao thông dẫn vào Tân Cảng Sài Gòn, người đi đường sẽ nhìn thấy một lô cốt nằm ngay chân cầu.

Bên trong những tấm tôn này là nhiều mảng tường trên chân cầu vượt đổ sập, với chiều cao từ mặt đất lên tới lan can cầu và rộng gần 10m. Tổng diện tích đổ vỡ, nứt toát lên đến khoảng hơn 50 mét vuông. Nhiều thanh sắt gãy đôi xuất hiện bên trông lô cốt.

Theo người dân ở gần khu vực, sự việc được phát hiện từ vài tháng nay nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý. Thời gian gần đây, một nhóm công nhân được cho là của đơn vị thi công tới kiểm tra, đo đạc... nhưng vẫn không tiến hành sửa chữa, mà thay vào đó, họ dùng nhiều tấm tôn lớn che hiện trường lại.

Tuy nhiên, cách làm này không giải quyết được khiếm khuyết của cây cầu cũng như qua mắt được người dân. Hơn nữa, việc dùng tôn che hiện trường càng khiến cho người dân nghi ngờ và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố lớn hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận