“Chặt khúc” quốc lộ bán vé: Nỗi lo phí chồng phí

Ý kiến phản biện 19/05/2015 07:02

Cho dù là trạm thu phí của Nhà nước hay của các doanh nghiệp BOT thì các phương tiện đều phải chịu đóng phí cầu đường song song với phí bảo trì đường bộ.


Trạm thu phí của Cty CP Tập đoàn Trường Thịnh tại tỉnh Quảng Trị.

Trạm thu phí của Cty CP Tập đoàn Trường Thịnh tại tỉnh Quảng Trị.

Đặt trạm tùy tiện

Dự án xây dựng đường tránh TP.Thanh Hóa do Cty CP BOT đường tránh Thanh Hóa đầu tư (822 tỉ đồng), dài hơn 10km, xuất phát từ phía nam cầu Hoàng Long và nhập vào QL1A tại cầu Quán Nam (huyện Quảng Xương). Năm 2009, đường xong, đưa Trạm thu phí hoàn vốn Tào Xuyên vào hoạt động, thời gian thu phí là 20 năm. Tuy nhiên, đến tháng 11.2012, trạm này được chuyển ra phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Đoạn từ vị trí mới này cách đầu đường tránh TP.Thanh Hoá hơn 40km. Như vậy, rất nhiều phương tiện không đi qua đường tránh vẫn phải nộp tiền. Mặt khác, phí ở trạm này cao gấp 1,5-2 lần so với các trạm nộp ngân sách.

Nhân dân bức xúc, công luận phản ánh nhiều nhưng chẳng có gì thay đổi. Anh Trần Ngọc Hưng (Hà Trung) nói: “Nhà tôi cách trạm thu phí này có 4km, cách đường tránh TP.Thanh Hoá hơn 30km, hầu như tôi chưa bao giờ đi trên đường tránh đó, mà khi nào cũng phải nộp tiền”. Sở GTVT Thanh Hoá cho rằng, trạm thu phí này hiện không thuộc quản lý của sở nên từ chối cung cấp thông tin. Ông Nguyễn Hải Nam – GĐ Chi nhánh Cty CP BOT đường tránh Thanh Hoá – thì né tránh trả lời.

Đây không phải là trường hợp di chuyển trạm thu phí để “lách luật”, nhằm mục đích tận thu từ dân duy nhất. Trước đây, hàng loạt các trạm thu phí trên QL1A của Nhà nước cũng đã phải di dời vì sự bất cập. Được biết, thời gian tới, các trạm Dầy Giây (Đồng Nai), Hòa Phước (Đà Nẵng) cũng tính đến phương án di dời. GĐ Cty 545 (CIENCO5) cho biết, để xây dựng trạm mới, thay thế trạm Hòa Cầm phải tốn gần 40 tỉ đồng, bởi sẽ áp dụng công nghệ hiện đại. Chi phí cho trạm thu phí thô sơ trước đây cũng không dưới 3-4 tỉ đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Cầu đường Đà Nẵng – ông Trần Dân – cho rằng, trạm thu phí xây dựng để thu phí 20-35 năm, tốn kém hàng tỉ đồng, nhưng liên tục di dời không chỉ vì sự tùy tiện, thiếu khảo sát, quy hoạch mạng lưới một cách khoa học, mà còn vì lợi ích cục bộ của DN. Di dời để hạn chế phương tiện chạy tránh trạm chứng tỏ kém quy hoạch, hoặc thay đổi để tận thu cả phương tiện không sử dụng sản phẩm dịch vụ BOT là trái luật. Và dù lý do gì thì cũng gây tốn kém, lãng phí làm suy yếu nền kinh tế.

Thay trạm nhà nước bằng BOT để thu chồng phí?

QL1A đoạn qua các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị dù chưa hoàn thành việc mở rộng, nhưng hiện đã có nhiều trạm thu phí mọc lên. Ở Nghệ An, có trạm Hoàng Mai và 2 trạm thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 do Tổng Cty Xây dựng Công trình giao thông 4 (CIENCO 4) quản lý để thu hồi vốn dự án đường tránh Hà Tĩnh. Tháng 9.2013, trạm thu phí Hoàng Mai dừng hoạt động vì người dân đóng quỹ bảo trì đường bộ. Nhưng đến tháng 5.2015, Bộ GTVT lại cho phép liên doanh CIENCO 4 và Tổng Cty 319 được thu phí tại trạm Hoàng Mai… để hoàn vốn dự án BOT mở rộng QL1A đoạn Nghi Sơn – Cầu Giát.

Về lý thuyết, người dân vẫn phải liên tục đóng phí, dù tiền thu được không nộp về ngân sách như trước mà chui vào “túi” nhà đầu tư, trong khi nhà đầu tư chỉ mở rộng thêm một phần con đường của quốc gia. Hình thức “chuyển hóa” về chủ thể thu phí tương tự này đang được áp dụng tại trạm Bàn Thạch (Phú Yên), Ninh An (Khánh Hòa), Nam Hải Vân (Đà Nẵng)… Nhà nước tránh được tiếng không thu phí chồng phí, nhưng thực chất người dân không tránh khỏi. Tại Hà Tĩnh còn có hai trạm thu phí khác là Cầu Rác (huyện Cẩm Xuyên) và Đèo Ngang (Kỳ Anh).

Tại Quảng Bình, hiện có 1 trạm trên QL1A ở huyện Quảng Ninh, thu phí hoàn vốn dự án BOT đường tránh qua TP.Đồng Hới từ năm 2010. Lẽ ra Cty CP Tập đoàn Trường Thịnh – nhà đầu tư – chỉ được đặt trạm thu phí trên tuyến tránh, nhưng điều vô lý nhiều năm nay là Nhà nước cho phép trạm được đặt trên QL1A, thu gom cả những phương tiện không dùng sản phẩm của họ. Phương tiện đi QL1A đường cũ bị nộp phí oan, người dân gánh thêm chi phí.

Tại Quảng Trị, Cty CP Tập đoàn Trường Thịnh cũng được đặt một trạm thu phí trên QL1A – đoạn từ TP.Đông Hà đến thị xã Quảng Trị. Hiện đường chưa hoàn tất, nhưng việc thu phí được triển khai từ tháng 7.2014. Chưa kể, phần đường dành cho xe máy, xe thô sơ (đối tượng không bị thu phí) chỉ được DN này phân cho 1 làn quá hẹp, cây cản trở việc lưu thông của người dân.

Theo Lao động

Ý kiến của bạn

Bình luận