Được biết, Bộ GTVT có chủ trương xã hội hóa đối với Ga Hà Nội tại địa điểm số 86 Lê Duẩn, Hoàn Kiếm, ông Đỗ Quang Hiển – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn T&T cho rằng, với năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý, điều hành thực hiện các dự án của mình, Tập đoàn T&T đề nghị Bộ GTVT xem xét và chấp thuận cho Tập đoàn được làm nhà đầu tư ga Hà Nội.
Ngoài ra, trong văn bản gửi Bộ GTVT, Tập đoàn T&T cũng cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng, đúng tiến độ của Bộ GTVT, thành phố Hà Nội nhằm đóng góp, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Trước đó, vào tháng 3, ông Đỗ Quang Hiển cũng đã có kiến nghị với Bộ GTVT được “mua” lại sân bay Phú Quốc theo 2 phương án là mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.
Ga Hà Nội có tên gọi cũ là Ga Hàng Cỏ, do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902. Được đặt tại 86 Lê Duẩn, Ga Hà Nội nhà ga đường sắt chính của thủ đô, là đầu mối giao thông quan trọng vận chuyển hành khách, hàng hoá. Từ đây, hành khách có thể làm thủ tục mua vé tàu hỏa đi các tuyến trong nước, với 5 tuyến đường sắt trong nước và liên vận Quốc tế, gồm đường sắt Bắc Nam, đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Quan Triều, Hà Nội – Đồng Đăng, và Hà Nội – Hải Phòng.
Ga Hàng Cỏ (cũ) ban đầu có diện tích 216.000 m², trong đó diện tích xây dựng là 105.000 m², còn lại là sân ga, đường sắt. Ga Hà Nội ngày nay đã có những thay đổi cả về diện tích và các nhánh và hiện là ga đường sắt lớn nhất tại Việt Nam.
Theo số liệu gần nhất, năm 2011, số lượng hành khách lên tàu theo vé bán đạt gần 3 triệu lượt, doanh thu vận tải của ga Hà Nội ở mức 771,1 tỷ đồng.
Về phía T&T, được thành lập từ năm 1993, doanh nghiệp này định hướng trở thành Tập đoàn đa ngành với 3 trụ cột: Công nghiệp – Tài chính – Bất động sản… Năm ngoái, Tập đoàn đã nâng vốn điều lệ lên 2.500 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 3-2015, bầu Hiển cũng đã có kiến nghị với Bộ GTVT được “mua” lại sân bay Phú Quốc theo 2 phương án là mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.
Về việc đầu tư Ga Hà Nội, trước đó, Vingroup đã đưa ra đề xuất mua nhà ga này cùng với ga Đà Nẵng, Sài Gòn. Một tập đoàn khác là Tập đoàn Sungroup cũng đề xuất mua lại quyền khai thác một số đoàn tàu trọng điểm trên tuyến có đông khách du lịch như Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Đà Nẵng, Sài Gòn – Đà Nẵng.
Dù được nhiều ông lớn “giành giật”, doanh thu ngành đường sắt, cụ thể là ga Hà Nội hiện nay đang gặp sức ép lớn khi một loạt đường cao tốc đi vào hoạt động.
Trong một hội thảo về ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng: “Mặc dù mọi người phàn nàn cao tốc Nội Bài – Lào Cai phí đắt, nhưng người ta đi là chính. Đường sắt chở khách coi như không cạnh tranh được rồi. Giờ người ta đi ô tô 3 – 3,5 tiếng chứ không thể đi đường sắt của anh Thành (ông Trần Ngọc Thành – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – PV) mất 10 tiếng”.
Trần Thanh ( T.hợp)
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.