Cháy xe xảy ra liên tục: Nghi vấn do “độ”, sửa xe không chuẩn

Ý kiến phản biện 27/06/2016 14:37

"Độ" xe một cách tuỳ tiện, khai thác xe một cách tuyệt đối trong khi lại lơ là việc bảo trì, sửa chữa xe được cho là những yếu tố dẫn tới tình trạng cháy xe khách, xe tải trong thời gian qua bên cạnh những yếu tố khách quan như thời tiết.

vovgiaothong_9_37_chay_xe.
Hiện trường một vụ cháy xe khách xảy ra ngày 6/6. (Ảnh: Phương Nam PLTP)

Do độ xe nên chập điện

Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong hơn 1 tháng qua trên cả nước đã xảy ra ít nhất 5 vụ cháy xe khách, xe tải. Trong đó vụ mới nhất xảy ra vào tối 25/6 tại Nam Định với một chiếc xe khách 45 chỗ đang lưu thông trên QL 10, nguyên nhân cháy là do chập điện. Vụ cháy không có hậu quả về người nhưng một lần nữa dấy lên những lo ngại về nguy cơ hoả hoạn trên các phương tiện vận tải hành khách. Vụ cháy nghiêm trọng nhất xảy ra ngày 20/5 xảy ra sau va chạm giữa 2 xe khách và 1 xe tải làm 15 người chết ở Bình Thuận.

Cục Đăng kiểm khuyến cáo khi sử dụng phương tiện cần chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ; không tự ý thay đổi kết cấu của xe; sử dụng và thay thế các phụ tùng có nguồn gốc, xuất xứ, nhất là các phụ tùng liên quan trực tiếp đến các bộ phận có nguy cơ gây cháy; thận trọng khi lái xe qua các khu vực có nhiều rơm, rạ phơi... , không tự ý sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu trôi nổi trên thị trường.

Về nguyên nhân của các vụ cháy xe vừa qua, ông Nguyễn Hữu Trí - Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho biết, thông qua thực tế kiểm định và đề tài nghiên cứu mà cục từng thực hiện, thì nổi lên vấn đề các chủ phương tiện "độ" xe sai quy chuẩn. Theo đó, khi độ xe, một số chủ phương tiện chỉ nghĩ đơn giản là lắp thêm 1 chiếc tivi, bình làm mát nước uống hay một số quạt gió ở trần xe nhưng khi vận hành mà sử dụng đồng thời thêm 3-4 thiết bị thì sẽ dẫn tới hiện tượng quá phụ tải công suất điện máy phát, gây nóng các cuộn dây và có thể gây cháy.

Khi độ xe, nhiều garage đã sử dụng dây điện thông thường thay vì loại chuyên dụng của ôtô có khả năng chịu lực cắt, cứng, chịu nhiệt tốt khi bị cọ xát, mài với vỏ xe. Ngoài ra, việc cắt chích ra mối nối không đảm bảo chất lượng và "đây có thể là nơi sẽ phát sinh ra tia lửa".

Không chỉ vậy, để chống ồn, các xe còn cơi nới lắp thêm như đệm ghế, táp li lót sàn trong khi những vật liệu đó không được kiểm soát về nhiệt độ bắt lửa hay tốc độ cháy nên dễ trở thành "mồi" dẫn lửa gây cháy.Tất cả các yếu tố trên cộng với điều kiện thời tiết nắng nóng với những thời điểm nhiệt độ trong xe lên tới 50-70 độ càng khiến nguy cơ cháy cao hơn.

Chung quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Đình Hùng - Trưởng xưởng ôtô, khoa KT giao thông, ĐH Bách khoa Tp. HCM - cho rằng, hiện hầu hết các chủ xe khi bảo dưỡng hay sửa chữa ít quan tâm đến hệ thống điện, trừ khi hệ thống điện chập chờn hoặc "chết hẳn". Chưa kể tới việc hầu hết các DN vận tải đều sử dụng xe theo kiểu tận dụng hết mức không cho xe nghỉ.

Xe khách cần có lý lịch bảo trì

Khi được hỏi về việc kiểm soát chất lượng xe sản xuất cũng như xe đang lưu hành, đại diện Cục Đăng kiểm cho hay, Bộ GTVT đã giao cho 2 bộ phận là kiểm định xe sản xuất lắp ráp và kiểm định xe đang lưu hành tiến hành những thử nghiệm, đánh giá cũng như giải pháp để ngăn chặn nguy cơ cháy xe.

Với các xe lưu hành, cục đã yêu cầu tất cả các xe, đặc biệt là xe khách phải tháo tất cả các bộ phận lắp thêm để trở về nguyên trạng của nhà sản xuất… đồng thời tuyên truyền cho khách hàng hiểu và tuân thủ quy định. Hiện nay, các trạm đăng kiểm sẽ phải chụp ảnh nội thất xe và lưu lại trong hồ sơ để tiến hành đối chiếu trong những lần đăng kiểm tiếp theo.

Còn theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia, để ngăn chặn nguy cơ cháy xe khách phải quản lý chặt chẽ hơn và đưa ra tiêu chuẩn, điều kiện đối với những đơn vị làm công tác bảo dưỡng sửa chữa, bảo trì phương tiện cơ giới đặc biệt là xe kinh doanh vận tải. Theo ông Hùng, việc sửa chữa bảo dưỡng xe ở đâu là quyền của DN nhưng trách nhiệm của Nhà nước là đưa ra quy định, tiêu chuẩn với các garage bảo trì bảo dưỡng và tổ chức kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm.

Cũng đưa ra giải pháp về câu chuyện này, thạc sĩ Nguyễn Đình Hùng, cho rằng không chỉ xe con mà xe khách, xe tải cũng cần có lý lịch bảo trì để kiểm soát vấn đề chất lượng. Theo chuyên gia này, trong quá trình bảo trì tại các garage tiêu chuẩn, việc xuất ra một lý lịch bảo trì cho xe khách (thay thế kiểm tra những bộ phận nào, theo đúng quy chuẩn hay không...) không hề khó đồng thời cũng cần chú ý tới trình độ tay nghề của các kỹ thuật viên tại các garage để việc bảo trì, sửa chữa xe đảm bảo chất lượng.

Các nguyên nhân cháy xe:

Cháy do nhiên liệu, phụ gia sử dụng có pha thêm tạp chất; Cháy do hệ thống điện, hệ thống tản nhiệt, làm mát, xả khí không đảm bảo hoặc bị hư hỏng; Cháy do rò rỉ nhiên liệu, tác động của nhiên liệu do sử dụng vật liệu chế tạo làm các chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu (các đường ống dẫn nhiên liệu); Cháy do ảnh hưởng của các kết cấu của xe; Cháy do cố ý; Cháy do hàng hóa vận chuyển trên xe, chất dễ cháy, nổ.

Ý kiến của bạn

Bình luận