Theo đó, ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp 1946 là các bản Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992. Hiện nay, Quốc hội đang nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Mặc dù Hiến pháp đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013 có quy định “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Năm 2013 là năm đầu tiên Chính phủ thực hiện Ngày Pháp luật theo quy định của Luật. Do đó, để triển khai có hiệu quả Ngày Pháp luật 9/11/2013 trong ngành Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:
Đối với các Tổng cục, Cục, Vụ, Ban, Văn phòng Bộ, các viện, trường, doanh nghiệp thuộc Bộ; các Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị khác thuộc Bộ Giao thông vận tải yêu cầu in ấn, treo pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử về Ngày Pháp luật tại cổng và khuôn viên cơ quan trong ngày 09/11/2013 để giáo dục ý thức tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động của cơ quan đơn vị mình. Tham khảo, sử dụng mẫu pa nô, áp phích về Ngày Pháp luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp theo đường dẫn: http://moj.gov.vn/ct/sukien/Pages/ngayphapluat-vietnam.aspx để tuyên truyền trong dịp Ngày Pháp luật tại cơ quan, đơn vị mình. Quán triệt tới từng cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động về nội dung, ý nghĩa, mục đích của Ngày Pháp luật thông qua các hình thức khác nhau như mít-tinh, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tìm hiểu pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động, quyền, lợi ích và nghĩa vụ của cơ quan đơn vị mình (tổ chức trong thời gian từ 09/11/2013 – 13/11/2013, trong đó tập trung vào ngày 09/11/2013). Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, đơn vị thực hiện có hiệu quả Ngày Pháp luật; đồng thời phê bình, nhắc nhở các cá nhân, đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc các nội dung của Ngày Pháp luật theo quy định.
Đối với các Sở Giao thông vận tải, cần nghiên cứu lồng ghép các nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về Ngày Pháp luật với hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để triển khai có hiệu quả Ngày Pháp luật tại địa phương. Đối với các cơ quan, đơn vị của Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các nội dung theo Hướng dẫn tại Công văn số 11217/BGTVT-PC ngày 21/10/2013 của Bộ Giao thông vận tải để Ngày Pháp luật được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm và đạt mục đích đề ra.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ: Các Tổng cục, Cục, Vụ, Ban, Văn phòng Bộ, các viện, trường đại học, cao đẳng, học viện; Giám đốc các Sở Giao thông vận tải; Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, đơn vị thực hiện có hiệu quả Ngày Pháp luật; đồng thời phê bình, nhắc nhở các cá nhân, đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc các nội dung của Ngày Pháp luật theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Báo cáo kết quả triển khai Ngày Pháp luật về Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Pháp chế) trước ngày thứ Sáu, 15/11/2013.
Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Ngày Pháp luật của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ; Treo băng rôn, biểu ngữ tại cơ quan Bộ để tuyên truyền cho cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động về ý nghĩa của Ngày Pháp luật; Tổng hợp báo cáo của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Giao thông vận tải báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định. Các tổ chức, bộ phận Pháp chế thuộc các cơ quan, đơn vị và các Sở Giao thông vận tải là đầu mối triển khai thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Ngày Pháp luật tại cơ quan, đơn vị mình. Trung tâm Công nghệ thông tin, Báo Giao thông tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về ý nghĩa, mục đích Ngày Pháp luật và Chỉ thị này trên Trang thông tin điện tử và các số báo, tạp chí.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị báo cáo kịp thời về Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Pháp chế) để hướng dẫn, giải quyết ./.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.