Sian thực sự là một siêu xe mang tính đột phá của Lamborghini, và điều này được thể hiện ngay từ tên gọi của chiếc xe. Thông thường những chiếc xe của hãng đều có tên gọi là những chú bò chiến nổi tiếng trong lịch sử hoặc liên quan tới bộ môn đấu bò, nhưng Lamborghini Sian không tuân theo truyền thống này. Trong tiếng địa phương vùng Bologna, "Sian" mang ý nghĩa là tia chớp - và rõ ràng cái tên này đã thể hiện được cả tốc lực lẫn gợi ý về hệ động lực mà Lamborghini đã trang bị cho chiếc xe.
Sian chính là bước tiến hoá mới nhất của những siêu xe Lamborghini động cơ V12. Nó cũng đồng thời là chiếc xe nhanh và mạnh nhất từng lăn bánh khỏi "trại bò giống" vùng Sant’Agata Bolognese nước ý. Nhưng quan trọng hơn cả, Lamborghini Sian đã chính thức đánh dấu hãng siêu xe Ý bước chân vào kỷ nguyên điện hoá khi được trang bị hệ động lực hybrid. Tuy nhiên, cách mà Lamborghini làm xe hybrid sẽ không giống như các thương hiệu khác.
Trên thực tế nếu như không phải vì các tiêu chuẩn khí thải ngày càng ngặt nghèo, Lamborghini có lẽ sẽ không bao giờ nghĩ tới chuyện làm một chiếc siêu xe hybrid. Thậm chí hãng còn không muốn phải từ bỏ những động cơ V10 hay V12 nạp khí tự nhiên của mình - chính ông Stefano Domenicali, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Lamborghini từng chia sẻ về điều này trong một cuộc phỏng vấn trước đây. Đó là lý do khiến Sian vẫn tiếp tục trung thành với máy V12 "siêu to khổng lồ", trong khi gần như mọi đối thủ khác đã chuyển sang các loại động cơ tăng áp dung tích nhỏ.
Để cho Sian có thể giữ được "chất" của động cơ V12 trong khi vẫn có hiệu năng tương đương với các đối thủ và chiều lòng được các nhà làm luật, Lamborghini đã vay mượn nhiều ý tưởng từ Terzo Millennio. Đó là chiếc hypercar ý tưởng với động cơ điện đầu tiên của hãng, được phát triển với sự hợp tác của những bộ não thiên tài tại Đại học công nghệ Massachusetts, Mỹ hồi năm 2017. Trong số toàn bộ những phát minh từng xuất hiện trên Terzo Millennio, đóng vai trò chìa khoá tạo nên sự khác biệt cho hệ động lực hybrid của Sian ngày nay đó là công nghệ siêu tụ điện (supercapacitor).
Thay vì pin truyền thống, Sian sử dụng hệ thống siêu tụ điện được đặt trong vách ngăn giữa khoang lái và khoang máy. Trên thực tế siêu tụ điện đã được sử dụng lần đầu tiên trên Aventador, nhưng công nghệ này đã được phát triển để có thể trữ được lượng điện năng lớn hơn gấp 10 lần. So với pin hay ắc quy, ưu điểm lớn nhất của siêu tụ điện đó là khả năng tích trữ năng lượng lớn hơn tối đa 100 lần, cùng với khả năng sạc/xả nhanh hơn nhiều, trọng lượng nhỏ và độ bền cao hơn.
Siêu tụ điện được sử dụng trên Sian mạnh hơn gấp 3 lần so với một khối pin có trọng lượng tương đương, và nó cung cấp năng lượng cho mô-tơ điện 48V mạnh 34 mã lực. Giống như các mẫu xe với hệ thống hybrid trợ lực hạng nhẹ (mild-hybrid) khác, động cơ điện được tích hợp vào hộp số của xe. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên hệ thống hybrid được kết nối trực tiếp với mô-tơ điện và các bánh xe, đồng nghĩa với việc mô-tơ điện đủ bền để có thể chịu tải trong các tình huống di chuyển với tốc độ thấp.
Quan trọng hơn, động cơ điện này sẽ bổ trợ sức mạnh cho cỗ máy V12 6.5l quen thuộc từ Aventador. Bản thân động cơ xăng nạp khí tự nhiên này cũng có các van nạp bằng titan mới và được cân chỉnh công suất đạt 785 mã lực tại tua máy 8.500rpm. Như vậy nếu tính cả động cơ điện, toàn bộ hệ động lực hybrid trên Sian đạt công suất lên tới 819 mã lực. Điều này giúp chiếc xe có thể đạt tốc độ tối đa lên tới hơn 350km/h.
Đương nhiên ở điều kiện bình thường, rất ít ai có thể "đóng max công" tới con số này trên Sian, chính vì vậy Lamborghini đã chú tâm nhiều hơn tới khả năng tăng tốc của chiếc xe. So với SVJ - phiên bản hiệu năng cao nhất trước đây của dòng Aventador, lực kéo đã tăng thêm 10% ở số 3 và thời gian đạt 30-60km/h cũng nhanh hơn 0,2 giây. Nhờ có mô-tơ điện đem tới lực kéo lớn hơn tối đa 20%, thời gian tăng tốc từ 70-120km/h đã sớm hơn Aventador SVJ. Nói chung, Sian là chiếc Lamborghini tăng tốc nhanh nhất trong lịch sử khi đạt 0-100km/h chỉ dưới 2,8 giây.
Giống như những siêu xe với hệ động lực hybrid khác, Sian cũng được trang bị hệ thống tái tạo động năng khi giảm tốc thành điện năng. Tuy nhiên do siêu tụ điện sạc và xả năng lượng nhanh hơn nhiều so với pin, chính vì vậy nó sẽ được sạc đầy ngay trong mỗi lần chiếc xe giảm tốc, thay vì tích trữ dần dần vào pin. Sau đó năng lượng điện tích trữ được sẽ cung cấp cho mô-tơ để hỗ trợ Sian tăng tốc nhanh và mượt mà hơn cho tới tốc độ 130km/h. Và do vẫn trang bị động cơ V12 6.5l nạp khí tự nhiên truyền thống, người lái sẽ không phải lo tới tình trạng turbo lag hay âm thanh kém hấp dẫn như những cỗ máy tăng áp dung tích nhỏ.
Không chỉ có hệ động lực đột phá, bản thân thiết kế của Sian cũng hé lộ về tương lai sắp tới của Lamborghini. Hình chữ Y tiếp tục là một chủ đề được nhấn mạnh ở ngoại thất chiếc xe. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy chữ Y ở các khe gió hai bên cửa xe, nắp kính phía trên động cơ hay giao điểm của các đường cắt trên thân. Tuy nhiên chi tiết ấn tượng nhất đó là cặp đèn LED ban ngày hình chữ Y - chi tiết chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mẫu concept Terzo Millennio.
Dù tiến về tương lai, nhưng Sian cũng đồng thời có nhiều chi tiết gợi nhớ về những mẫu Lamborghini huyền thoại trong lịch sử - đặc biệt là Countach. Trong đó phần đuôi hất về phía sau và nối với cụm đèn hậu hình lục giác đã được lấy cảm hứng trực tiếp từ mẫu siêu xe thập niên 80 thuộc Thế kỷ XX. Khoang động cơ nối liền với mui kính thông qua một đường rãnh cũng chịu ảnh hưởng từ Periscopio: phần lõm xuống để chiếc gương hậu hình chữ V trong cabin của Countach có thể phản chiếu hình ảnh ở phía sau đuôi xe.
Vẻ ngoài sắc nhọn của Sian không chỉ tạo ấn tượng mạnh cho bất kỳ ai ngắm nhìn, mà còn cải thiện đặc tính khí động học của chiếc xe. Một ví dụ cho điều này đó là luồng không khí khi Sian "xé gió" sẽ được dẫn qua cả các cánh chia bên dưới cản trước lẫn nắp ca-pô, sau đó hướng tới các hốc hai bên thân để làm mát động cơ và cuối cùng là chảy về cánh đuôi. Giống như Aventador, cánh đuôi của Sian cũng được điều khiển điện và ẩn đi khi chiếc xe đứng yên. Tuy nhiên ở hai đầu của cánh đuôi nay còn có thêm các tấm vây bằng sợi carbon.
Không đột phá như ngoại hình, nội thất của Sian có bảng táp-lô cùng nhiều nút bấm được thừa hưởng từ chiếc Aventador. Tuy nhiên nằm trên bảng điều khiển trung tâm nay là một màn hình cảm ứng đặt dọc - thứ từng khiến khách hàng thích tới mức "phát cuồng" trên những chiếc xe Tesla. Các ghế ngồi và ốp cửa được bọc những vật liệu quen thuộc như da hay alcantara, nhưng chúng có kiểu dáng như vừa được bưng ra từ khoang lái một phi thuyền trong phim giả tưởng.
Sau khi Sian ra mắt, các fan của Lamborghini nói riêng và những người yêu xe nói chung có thể "thở phào nhẹ nhõm" khi thấy hãng đang thực sự quyết tâm gắn bó với động cơ V12 truyền thống. Và nó chỉ là bước đi đầu tiên trong kỷ nguyên hybrid của hãng siêu xe Ý này. Có lẽ vì vậy nên Lamborghini đã chỉ giới hạn số lượng sản xuất của Sian ở con số 63 - dù trên thực tế 63 chiếc xe là khá nhiều so với những series "hàng thửa" trước đây của hãng như Veneno hay Aventador J.
Và với bước thử nghiệm đầu tiên với hệ động lực hybrid này (không tính mẫu xe ý tưởng Asterion hồi năm 2014 do nó không được thương mại hoá), có thể nói Lamborghini đã thành công khi hiện tại, cả 63 chiếc Sian đã có khách đặt cọc. Chính vì đã bán hết số lượng Sian dự định sản xuất nên Lamborghini đã không công bố mức giá cho chiếc xe. Nhưng xét tới đẳng cấp của Sian, có lẽ vài triệu USD là số tiền mà 63 vị khách may mắn đã phải chuyển khoản cho Lamborghini!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.