Quy định CSGT được quyền trưng dụng phương tiện |
Ngày 1-2, thiếu tá Tạ Thị Hồng Minh - phó trưởng phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - cho biết như vậy khi Tuổi Trẻ có bài đặt vấn đề quy định này tại thông tư 01/2016 của Bộ Công an dễ bị hiểu sai, làm sai.
Thiếu tá Tạ Thị Hồng Minh cho biết:
- Gần đây có một số ý kiến dư luận cho rằng lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) có thể tự ý trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó ở bất kỳ thời điểm nào. Việc hiểu như vậy là chưa chính xác. Việc trưng dụng phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
* Thưa bà, theo Luật trưng mua, trưng dụng thì chỉ có một số bộ trưởng và chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có quyền quyết định trưng dụng tài sản. Tuy nhiên, thông tư 01 lại giao cho lực lượng CSGT có quyền trưng dụng tài sản, như vậy quy định tại thông tư 01 có trái luật không?
- Nếu trái luật thì Bộ Công an không bao giờ ban hành thông tư này. Căn cứ vào Luật công an nhân dân, nghị định 106 ngày 17-11-2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an đã quy định trong trường hợp cấp thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, được huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng phương tiện đó.
Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Bộ Công an đã quy định quyền hạn của lực lượng CSGT tại thông tư 01. Đây là quyền hạn chung của lực lượng CSGT.
Khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đều có chương trình, kế hoạch công tác đã được lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt. Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ đều phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Công an.
* Thông tư 01 quy định CSGT được quyền trưng dụng tài sản song không rõ được trưng dụng trong trường hợp nào, theo quy trình, thủ tục nào. Vậy quy định này được thực thi như thế nào khi thông tư có hiệu lực?
- Luật công an nhân dân quy định chức năng, quyền hạn của công an có quyền trưng dụng phương tiện của cá nhân, tổ chức để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự xã hội, an ninh trật tự giao thông nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tại khoản 15, điều 15 Luật công an nhân dân đã quy định công an có quyền huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện theo quy định.
Cụ thể, các trường hợp được trưng dụng là các tình huống cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.
Trong những tình huống khẩn cấp, cảnh sát không có khả năng, không có phương tiện truy đuổi những đối tượng có hành vi gây nguy hiểm tới xã hội thì buộc phải trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc của người dân.
* Như vậy là trong trường hợp khẩn cấp thì CSGT có quyền trưng dụng phương tiện? Điều này có trái với Luật trưng mua, trưng dụng là chỉ có một số bộ trưởng và chủ tịch tỉnh mới có quyền trưng dụng? Khi trưng dụng phương tiện thì CSGT có phải chờ quyết định của bộ trưởng Bộ Công an không?
- Như tôi đã trả lời ở trên, Luật công an nhân dân đã quy định trong những tình huống khẩn cấp, cấp bách... cảnh sát không có khả năng, không có phương tiện truy đuổi thì buộc phải trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc của người dân. Nếu cứ chờ quyết định của bộ trưởng Bộ Công an thì hậu quả tại hiện trường sẽ xảy ra, tội phạm chạy mất thì ai chịu trách nhiệm. Lực lượng công an chỉ thực thi quy định tại Luật công an nhân dân.
* Ông Nguyễn Sỹ Cương (đại biểu Quốc hội): Cần phải nói rõ việc trưng dụng như thế nào Theo tôi, thông tư của Bộ Công an cần quy định cụ thể hơn về việc trưng dụng như thế nào. Ở mức độ một thông tư, tôi không rõ Bộ Công an có hướng dẫn gì riêng không, nhưng khi người ta chưa thực hiện thông tư thì khó có thể nói người ta có tùy tiện hay không. Bởi ngoài quy định của thông tư thì còn quy định của pháp luật dân sự về vấn đề tài sản nữa chứ không thể nói trưng dụng là trưng dụng. Bởi quy định này là để trưng dụng tài sản vào việc công chứ không phải việc riêng. * Một kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện KSND cấp cao tại TP.HCM: Dễ bị lạm dụng Mục 6, điều 5 của thông tư 01 quy định: cán bộ tuần tra có quyền trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin… theo quy định của pháp luật. Theo tôi, quy định như thế là chưa chặt chẽ, cần phải sửa theo hướng CSGT được trưng dụng những phương tiện đó để ngăn ngừa tội phạm hoặc có tội phạm hình sự xảy ra. Còn nếu chỉ là vấn đề hành chính thì CSGT buộc phải xử lý theo quy định. Việc không quy định cụ thể cho tình huống được trưng dụng các phương tiện này có thể dẫn đến sự lạm dụng và người dân có thể nghĩ đến các tình huống tiêu cực. Do đó, cần phải quy định càng cụ thể càng tốt các trường hợp được trưng dụng. Thậm chí, nếu không quy định cụ thể về việc này, khi bị lạm dụng thì người vi phạm và bị xử lý lại chính là CSGT. Bởi khi không có trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ mà họ lại lạm dụng quyền trưng dụng tài sản của nhân dân thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.