Với lợi thế đạt mô-men xoắn khổng lồ một cách tức thì, trên lý thuyết động cơ điện là hệ động lực lý tưởng cho các mẫu xe tải cần sức kéo lớn. Tuy nhiên cũng giống như xe con dân dụng, rào cản ngăn những chiếc xe tải điện trở nên phổ biến đó là tầm hoạt động cho mỗi lần sạc, thời gian sạc pin dài và mạng lưới hạ tầng hỗ trợ vẫn chưa phát triển. Nhưng toàn bộ các nhược điểm này đã không còn là vấn đề với chiếc xe ben khổng lồ eDumper tại Thuỵ Sĩ.
Có tên đầy đủ là Elektro Dumper, eDumper thuộc sở hữu của công ty xi-măng Ciments Vigier SA. Trước khi được chuyển đổi hệ động lực từ diesel sang điện, nó vốn là một chiếc Komatsu HB 605-7 - một trong những mẫu xe tải lớn nhất Thế giới. Được thiết kế dành riêng cho các mỏ than hay mỏ đá, chiếc xe nặng 45 tấn, có chiều dài lên tới 9,14m, rộng và cao 4,27m. Chỉ riêng lốp xe cũng đã cao tới 1,83m và khi đổ ben, nó có thể đạt chiều cao lên tới 8,53m.
Tuy nhiên thay vì động cơ diesel như khi rời nhà máy Komatsu, eDumper lại được trang bị hệ động lực điện do hãng Kuhn Schweitz thiết kế. Ở dạng nguyên bản, động cơ diesel 23,2l của Komatsu tạo ra công suất 739 mã lực. Tuy nhiên với một mô-tơ cỡ lớn, eDumper có thể đạt công suất 789 mã lực và mô-men xoắn lên tới hơn 9.500Nm. Kuhn Schweitz cho biết chiếc xe được trang bị khối pin 600kWh, nặng tới 4,08 tấn do Lithium Storage cung cấp. Giống như nhiều chiếc xe điện khác hiện nay, động năng có được khi giảm tốc cũng có thể được tái tạo để sạc lại cho pin.
Do chỉ vận hành trong mỏ đá, eDumper không cần phải quan tâm tới tầm hoạt động và với hệ thống tái tạo động năng, chiếc xe cũng chẳng còn cần tới trạm sạc để nạp lại năng lượng. Chỉ bằng năng lượng tái tạo có được khi thả trôi từ trên các mỏ xuống, eDumper đã có thể tự sạc lại điện cho chính nó. Trong một thử nghiệm gần đây tại mỏ đá xi-măng gần Biel, Thuỵ Sĩ khi chở theo 65 tấn đá, eDumper thậm chí còn tạo ra nhiều điện hơn khi xuống dốc so với năng lượng cần thiết để nó leo lên.
Theo ước tính của Kuhn Schweitz, với 20 chuyến chở đá lên xuống mỗi ngày, eDumper sẽ tạo ra hơn 200kWh điện. Hoạt động trong 1 năm, tổng lượng điện mà chiếc xe tạo ra lên tới 77mWh - và đương nhiên quá trình này hoàn toàn không tạo ra khí thải. Lượng điện dư thừa có thể được sử dụng để cung cấp ngược cho nhà máy hay bất kỳ máy móc thiết bị điện nào. Để dễ so sánh, một chiếc xe tải khổng lồ chạy động cơ diesel bình thường tiêu tốn tới hơn 83.279l dầu và thải vào bầu khí quyển tới 196 tấn CO/năm.
Do động cơ điện ít các chi tiết di chuyển hơn động cơ đốt trong, eDumper cũng ít cần phải được kiểm tra định kỳ và khó hỏng hơn. Từ những gì eDumper thể hiện, có thể thấy việc ứng dụng động cơ điện vào những chiếc xe tải siêu trường, siêu trọng hoạt động ở các vùng mỏ hay những điều kiện nhiều dốc sẽ đem tới những lợi ích to lớn. Không chỉ giúp các công ty tiết kiệm chi phí vận hành, chúng còn thân thiện với môi trường và có độ tin cậy cao hơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.