Hệ thống chiếu sáng Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất từ trung ương tới địa phương |
Theo đại diện Hội chiếu sáng Việt Nam, hiện nay, hệ thống công ty chiếu sáng còn đang khác nhau, chưa có sự thống nhất từ trung ương tới địa phương. Ở cấp trung ương, công tác quản lý Nhà nước về chiếu sáng đô thị được giao cho Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng quản lý và Sở Xây dựng ở cấp địa phương.
Đối với công tác quản lý vận hành chiếu sáng tại 5 đô thị lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Tp.HCM được giao cho các công ty chiếu sáng tại các địa phương này quản lý, những đô thị còn lại, công ty chiếu sáng nằm trong các công ty công trình đô thị và các công ty môi trường đô thị.
Tại Hà Nội, hệ thống chiếu sáng công cộng của thành phố đã có hơn 40 năm đầu tư và phát triển, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, từ sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, quy mô và tốc độ phát triển của hệ thống chiếu sáng công cộng rất lớn. Đến nay, quy mô lưới chiếu sáng công cộng của Hà Nội gồm khoảng gần 200 nghìn đèn các loại với khoảng 2.500 tủ điều khiển, tổng công suất tiêu thụ điện 27 MW, tổng chiều dài các tuyến chiếu sáng khoảng 5.000 Km trải dài trên địa bàn 30 Quận, Huyện.
Công tác quản lý chiếu sáng ở Hà Nội đã có những sự thay đổi để phù hợp với nhu cầu phát triển của thành phố. PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến- Chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam cho biết:
“Trước đây, Hà Nội đã thử nghiệm giao cho các xí nghiệp hoặc giao cho các quận, huyện nhưng về sau thấy rằng việc giao cho các quận, huyện không hiệu quả. Sau các khu vực của đô thị Hà Nội là đã giao lại cho Hapulico và riêng ở Sơn Tây giao cho Công ty Môi trường đô thị theo đơn đặt hàng hoặc kế hoạch hàng năm. Quản lý chiếu sáng theo hệ thống không cắt khúc chia theo ranh giới hành chính, mới phát huy hiệu quả”.
KTS Trần Huy Ánh- công tác tại Hội KTS Hà Nội cho rằng, hiện nay công tác chiếu sáng tại các đô thị đang được giao cho một đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách quản lý. Bởi vậy, việc chiếu sáng cần phải được giám sát tốt hơn trong việc sử dụng ngân sách và đảm bảo đi lại an toàn trong thành phố. Đánh giá về công tác quản lý ánh sáng đối với kiến trúc cảnh quan đô thị. KTS Trần Huy Ánh nêu ý kiến:
“Ở Hà Nội, trong thời gian vừa qua cũng có hiện tượng chiếu sáng khá tùy tiện, lòe loẹt, nhập khẩu những thiết bị chiếu sáng rẻ tiền làm cho những ấn tượng về thị giác không tốt không tạo nên sự an toàn, và không tạo nên chiếu sáng nghệ thuật để đường phố trở nên đẹp hơn. Tôi nghĩ là việc chiếu sáng cũng cần phải tương tác đường phố. Bởi vì ngay cả quảng cáo trên đường phố nếu được thiết kế đồng bộ thì cũng tiết kiệm được ngay cả những năng lượng trong chiếu sáng, trong khi đó, chiếu sáng ở các ngõ nhỏ thì cần phải tăng cường hơn”.
Theo Nghị định 79, chiếu sáng đô thị chia thành mấy tổ chức chiếu sáng: chiếu sáng giao thông, các công trình công cộng vườn hoa công viên và chiếu sáng các tòa nhà. Các chiếu sáng này tùy thuộc vào phân cấp quản lý. Chiếu sáng giao thông hay chiếu sáng công cộng phần lớn giao cho Công ty công trình đô thị. Còn chiếu sáng các công trình, tòa nhà phần lớn do chủ đầu tư là tổ chức chiếu sáng. Theo quy định, một số đô thị đã có quy hoạch chiếu sáng đô thị, nhưng công tác triển khai còn tương đối khó.
Một số kiến trúc sư nhấn mạnh, chiếu sáng đô thị không chỉ bao gồm chiếu sáng đường giao thông mà cần quan tâm đến chiếu sáng kiến trúc, cảnh quan đô thị. Việc tổ chức chiếu sáng phải lưu ý tới những đặc điểm riêng biệt của từng đô thị, để phù hợp với không gian, kiến trúc cảnh quan, đặc biệt là đối với những công trình, di tích có giá trị lịch sử, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhằm tìm hiểu rõ hơn về công tác quản lý chiếu sáng hiện nay, Kênh VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Kỹ sư Lê Trung Kiên- PGĐ Xí nghiệp Quản lý điện chiếu sáng, công ty Hapulico về công tác quản lý chiếu sáng của đơn vị trên địa bàn thủ đô:
PV: Xin ông cho biết về thực trạng chiếu sáng đô thị và đường giao thông hiện nay tại Hà Nội? Hiện nay, giờ bật/tắt chiếu sáng đường giao thông được lập trình cố định hay điều chỉnh linh hoạt theo thời tiết?
Kỹ sư Lê Trung Kiên: Với quy mô rất lớn và với đặc thù hệ thống CSCC được đầu tư qua rất nhiều thời kỳ song chỉ tập trung vào đầu tư mở rộng thêm các tuyến mới chứ chưa quan tâm đến việc cải tạo hệ thống chiếu sáng cũ một cách đồng bộ dẫn đến hệ thống lưới còn tồn tại nhiều thiết bị đã xuống cấp.
Ngân sách hàng năm dành cho công tác duy tu, duy trì chỉ đủ chi trả chi phí điện năng tiêu thụ của hệ thống CSCC và đảm bảo việc duy trì vận hành hệ thống CSCC theo mức hỏng đâu sửa đấy, chưa có phần kinh phí dành cho việc thay thế cải tạo chống xuống cấp cùng với đó việc sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm điện năng trong hệ thống chiếu sáng hiện nay còn thấp nên phần lớn nguồn kinh phí dành cho công tác duy tu duy trì hệ thống CSCC thành phố là dành để chi trả cho điện năng tiêu thụ của hệ thống chiếu sáng.
Hệ thống chiếu sáng công cộng hiện tại được vận hành linh hoạt theo tình hình thời tiết từ trung tâm điều khiển và giám sát Hệ thống CSCC thành phố do HAPULICO quản lý hiện đã có hơn 1400 chiếm 60% số lượng tủ điều khiển của toàn thành phố được kết nối điều khiển và giám sát về Trung tâm điều khiển.
PV: Hiện nay, Hapulico đang quản lý công tác chiếu sáng tại những khu vực nào? Hiện công tác chiếu sáng có gặp khó khăn, thuận lợi như thế nào?
Kỹ sư Lê Trung Kiên: Là đơn vị được giao công tác quản lý vận hành Hệ thống CSCC thành phố Hà nội trong những năm trước đây và đã trúng 4/5 gói thầu công tác cung cấp dịch vụ quản lý vận hành, duy tu, duy trì CSCC đô thị với địa bàn 26 quận, huyện trên tổng số 30 quận, huyện của thành phố Hà nội trong giai đoạn 2018-2020.
Hiện nay công tác QLVH Hệ thống CSCC có thuận lợi, thành phố thực hiện điều chỉnh lại công tác phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố. Từ 1/1/2017, công tác quản lý, duy tu HTCS CC của các Chủ đầu tư do Thành phố quản lý tập trung về 1 đầu mối duy nhất là Sở Xây dựng.
Tuy nhiên Với địa bàn rộng và công tác quản lý đặc thù nên có những khó khăn, hệ thống CSCC được đầu tư bởi nhiều Chủ đầu tư khác nhau, trong nhiều thời điểm khác nhau, được thiết kế bởi nhiều tư vấn thiết kế khác nhau dẫn tới không đồng bộ trong sử dụng thiết bị trên lưới chiếu sáng. Hệ thống chiếu sáng được bố trí chưa đồng đều, hoặc quá thưa hoặc quá nhiều cột gây lãng phí trong đầu tư.
Công tác quản lý CSCC khu vực ngõ xóm của thành phố Hà nội (chiếm hơn 55% hệ thống CSCC trên toàn bộ địa bàn thành phố), đặc biệt rất phức tạp do các ngõ ngách rất nhỏ, các đèn chiếu sáng chủ yếu được lắp trên các cột của điện lực, cột bưu điện, cột tận dụng, thậm chí bắt vào tường nhà dân; Cáp điện chiếu sáng đi nổi được bó chung với mạng lưới cáp hạ tầng kỹ thuật khác như: truyền hình cáp, cáp viễn thông…rất mất an toàn và thường xuyên xảy ra chập cháy.
Nguy cơ mất trộm cáp điện chiếu sáng rất cao trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các khu vực ít người đi lại thuộc các huyện ngoại thành, các quận vùng ven như: Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.. thậm chí cả trên các đường phố, ngõ xóm đông dân cư; Các hiện tượng lấy trộm điện từ lưới điện chiếu sáng trong khu vực ngõ xóm được thực hiện tinh vi và rất khó kiểm soát do các đường cáp điện chiếu sáng đi rất gần nhà dân, thậm chí đi trong ban công nhà dân.
PV: Vâng xin cám ơn ông!
Hiện nay, với sự phát triển của khoa học 4.0, công nghệ quản lý chiếu sáng đô thị tại Hà Nội đã có nhiều cải tiến, trong đó việc ứng dụng những thành tựu khoa học vào công tác quản lý chiếu sáng “thông minh” là một xu hướng tất yếu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.