Chính phủ Thụy Điển vừa cho biết họ đang vướng vào một vấn đề mà có lẽ bất kỳ một quốc gia nào khác cũng mơ ước được gặp phải: thu được quá nhiều tiền thuế. Theo đó, trong năm 2016 vừa qua ngân sách Thụy Điển đã đạt mức thặng dư 9,5 tỷ USD, trong đó có tới gần 4,4 tỷ USD đến từ việc người dân và doanh nghiệp đóng thuế vượt mức quy định.
Thoạt nghe qua thì chắc ai cũng nghĩ đây là chuyện Cá tháng Tư. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề rất nghiêm túc. Mọi việc bắt nguồn từ một chính sách đầy khác thường của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank). Kể từ năm 2015, Riksbank đã đẩy lãi suất về mức âm nhằm kích thích lạm phát trong nước. Điều này dĩ nhiên làm cho người dân không mấy mặn mà với chuyện gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng.
Tuy nhiên, theo luật thuế của Thụy Điển, nếu người dân đóng dư thuế vượt mức quy định thì khoản dư này phải nhận được lãi suất tối thiểu 0,56%/năm. Thế là người dân Thụy Điển nhanh chóng tận dụng tối đa lỗ hổng này. Theo tính toán của chính phủ, khoản dư thuế hàng tỷ USD này sẽ làm họ bị thiệt hại tới 89 triệu USD so với việc đi vay tiền theo lãi suất thị trường hiện hành.
Chính phủ Thụy Điển đang muốn hạn chế hành vi đóng dư thuế, nhưng xem ra là rất khó thực hiện. Marten Bjellerup, trưởng bộ phận dự báo của Văn phòng Quản lý nợ Quốc gia, cho biết: “Chúng tôi không thể làm gì được hơn, đây là hậu quả của chính sách lãi suất hiện nay”.
Hiện tại, Thụy Điển đã bãi bỏ việc tính lãi cho các khoản thuế dư ra, nhưng Văn phòng Quản lý nợ Quốc gia dự báo rằng ngay cả lãi suất 0% thì vẫn tốt hơn lãi suất âm ngoài thị trường, và sẽ không ngăn được các doanh nghiệp tiếp tục đóng dư thuế. Olle Holmgren, chiến lược gia của ngân hàng SEB, cho biết rằng một số khách hàng của SEB đã thể hiện ý định sẽ tiếp tục đóng dư thuế.
Trong cuộc họp gần đây nhất của Riksbank vào tuần qua, cơ quan này cho biết họ có nhiều khả năng sẽ còn cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Xem ra, chính phủ Thụy Điển sẽ còn phải tiếp tục “buồn phiền vì nhiều tiền”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.