Cơ bản hoàn thành vào năm 2025
Theo đó, về phạm vi đầu tư, điểm đầu dự án giao với Quốc lộ 91, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối dự án tại khu vực cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Tổng chiều dài dự án khoảng 188,2 km. Trong đó, tỉnh An Giang (khoảng 56,7km), TP.Cần Thơ (khoảng 37,7km), tỉnh Hậu Giang (khoảng 37,7km) và tỉnh Sóc Trăng (khoảng 56,1km).
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có quy mô là 6 làn xe. Căn cứ kết quả dự báo nhu cầu vận tải, quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu nhiều phương án về quy mô đầu tư.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ về ưu, nhược điểm của từng phương án, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kiến nghị đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe (Bnền=17 m, bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục) bảo đảm tốc độ khai thác 80 km/h, toàn bộ các yếu tố hình học, kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc với tốc độ thiết kế 100 km/h; giải phóng mặt bằng ngay theo quy mô quy hoạch được duyệt.
Quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và hướng dẫn thiết kế, tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư đường cao tốc; bảo đảm khai thác an toàn, đáp ứng các tiêu chí hiện đại, đồng bộ, bảo đảm thuận lợi khi thực hiện mở rộng trong giai đoạn hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch.
Theo Chính phủ, thực tiễn triển khai cho thấy, các dự án đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án thường cần khoảng 3 năm (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, đền bù giải phóng mặt bằng..), thời gian thi công hoàn thành công trình tối thiểu từ 2 - 3 năm.
Chính vì vậy, nếu theo trình tự, thủ tục hiện nay phần lớn các dự án đường bộ cao tốc khó có thể hoàn thành trong một kỳ trung hạn.
Với đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chủ yếu đi qua khu vực nền đất yếu, cần thời gian xử lý đất yếu chiếm tới 12 - 15 tháng; đây cũng là tuyến đi mới hoàn toàn, xa hệ thống đường hiện hữu nên điều kiện để tiếp cận mặt bằng, tập kết máy móc thiết bị, vật liệu để triển khai thi công khó khăn. Đồng thời, đặc điểm thời tiết và khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng lớn bởi mùa mưa thường từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, mùa lũ từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm nên ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thực tế thi công ngoài hiện trường.
Với các điều kiện đặc thù nêu trên, Chính phủ đã xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù và nếu được áp dụng, dự kiến tiến độ hoàn thành dự án như sau: chuẩn bị dự án năm 2022; khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Đề xuất đầu tư bằng hình thức đầu tư công
Trong tờ trình, Chính phủ cho biết, mặc dù dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra tiền đề động lực, không gian mới cho phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tuy nhiên, nhiều lợi ích như nguồn lợi từ quỹ đất, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực,... nhà đầu tư không thể thu hồi vốn trực tiếp trên đầu phương tiện.
Theo tính toán, nếu đầu tư theo phương thức đối tác công tư, mức vốn góp của nhà nước lên đến 60% tổng mức đầu tư với thời gian thu phí hoàn vốn 30 năm, vượt quá mức tối đa 50% theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Do đó, Chính phủ kiến nghị áp dụng hình thức đầu tư công. Sau khi hoàn thành, sẽ thu phí để hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho dự án.
Căn cứ quy mô, công suất theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án và suất vốn đầu tư xây dựng, dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, công suất, tính chất dự án đã thực hiện, phân tích, đánh giá để điều chỉnh quy đổi về mặt bằng giá thị trường phù hợp với địa điểm xây dựng, bổ sung những chi phí cần thiết khác của dự án để xây dựng sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án.
Cụ thể, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 44.691 tỷ đồng, bao gồm: chi phí xây dựng là 27.553 tỷ đồng; Chi phí thiết bị là 981 tỷ đồng; Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đã bao gồm dự phòng) là 8.487 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 2.568 tỷ đồng; Chi phí dự phòng (không bao gồm dự phòng, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) là 5.102 tỷ đồng.
Kết quả tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được so sánh với chi phí đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc có quy mô, tính chất tương đồng đang triển khai đầu tư trong cùng khu vực, so sánh với suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình do Bộ Xây dựng ban hành cho thấy cơ bản bảo đảm độ tin cậy.
Trên cơ sở tiến độ triển khai các hạng mục công việc của dự án, dự kiến, nhu cầu bố trí vốn để cơ bản hoàn thành dự án trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 khoảng 35.753 tỷ đồng (khoảng 80% sơ bộ tổng mức đầu tư), nhu cầu vốn năm 2026 khoảng 8.938 tỷ đồng (khoảng 20% sơ bộ tổng mức đầu tư).
Huy động vốn ngân sách từ nhiều nguồn
Dự án đã được Chính phủ đề xuất trong danh mục dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và thuộc đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 43/2002/QH15 được áp dụng cơ chế chỉ định thầu có tiết kiệm 5% theo khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 43/2012/QH15 do đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ giảm 1.267 tỷ đồng, còn khoảng 34.486 tỷ đồng.
Để bảo đảm đủ nguồn vốn triển khai dự án, trong điều kiện ngân sách trung ương còn hạn hẹp, nhưng đang phải cân đối cho nhiều nhiệm vụ chi thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng là mục tiêu xác định trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và các địa phương rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 của Trung ương và địa phương để tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm, trong đó có dự án này.
Ngoài nguồn vốn đã dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án này, Chính phủ đã huy động từ các nguồn khác nhau gồm: Nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách địa phương (từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 và rà soát, cơ cấu lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025) và tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.
Theo đó, nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phân bổ của Bộ GTVT khoảng 18.316 tỷ đồng; Nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 3.800 tỷ đồng; Nguồn ngân sách địa phương là 3.823,5 tỷ đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.