Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN) |
Trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra đáp ứng các nguyên tắc như khi bán vé ghế phụ và chuyển đổi giường tầng 1 toa xe khoang 4 giường thành 3 ghế ngồi thì tổng trọng lượng của hành khách và hành lý không vượt quá tải trọng cho phép của toa xe; không vượt quá tải trọng cầu đường theo quy định của công lệnh tải trọng trên từng tuyến đường đã công bố.
Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội, Sài Gòn có trách nhiệm đảm bảo an toàn và thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đồng thời trong quá trình triển khai thực hiện thường xuyên tiến hành rà soát, kiểm tra báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời xử lý các vướng mắc, phát sinh.
Nhấn mạnh vào các dịp nghỉ lễ, Tết do lượng khách tăng đột biến nên việc đề xuất bán thêm ghế phụ trên các toa xe ghế ngồi và chuyển đổi giường tầng 1 của toa xe giường nằm sang chỗ ngồi là phù hợp, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam đều hoàn toàn nhất trí với đề xuất này của Tổng công ty Đường sắt.
Tuy nhiên, hai đơn vị này cũng nhìn nhận đối với toa xe ghế ngồi không vượt quá 10% số chỗ ngồi ghi trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Cụ thể, toa xe ghế ngồi loại 80 chỗ bán không quá 8 ghế phụ, toa xe ngồi loại 64 chỗ bán không quá 6 ghế phụ.
Đối với toa xe giường nằm loại khoang 4 giường, 2 giường tầng 2 bán giường nằm cho khách, 2 giường tầng 1 chuyển đổi bán mỗi giường thành 3 chỗ ngồi cho khách.
Ngoài ra, việc bán vé ghế phụ trên các toa xe ghế ngồi và chuyển đổi giường tầng 1 của toa xe giường nằm sang chỗ ngồi phải đảm bảo không vượt quá tải trọng cho phép của toa xe, không ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách trên toa cũng như gây trở ngại cho nhân viên đường sắt khi tác nghiệp.
Thời điểm bán ghế phụ, chuyển giường thành ghế, giá vé ghế phụ và giá vé ghế ngồi chuyển đổi từ giường thành ghế do Tổng công ty Đường sắt quyết định nhưng phải đảm bảo thấp hơn giá vé ghế ngồi cùng hạng trong tàu và không ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách.
Trước đó, lý do mà ngành đường sắt lại có kiến nghị lạ này so với các năm trước đây bởi Nghị định số 46 của Chính phủ ngày 26/5/2016 có quy định xử phạt đối với hành vi bán vé vượt quá số chỗ được phép chở của toa xe trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, ngoài nhiệm vụ kinh doanh vận tải cũng có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công ích phục vụ việc đi lại của nhân dân. Trong những dịp cao điểm Lễ, Tết, ngành đường sắt đã huy động tối đa số lượng toa xe chở khách hiện có để phục vụ vận chuyển hành khách nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân.
Trong những năm qua, Tổng công ty đã có nhiều giải pháp trong những đợt vận tải cao điểm bằng các hình thức chuyển đổi giường tầng 1 toa xe khoang 4 giường thành 3 ghế ngồi, bán thêm một số ghế phụ và vẫn luôn đảm bảo an toàn mọi mặt cho hành khách.
Theo quy định tại điểm 1, Điều 61, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt “phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức trực tiếp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện hành vi bán vé vượt quá số chỗ được phép chở của toa xe trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.”
Để sớm triển khai phương án bán vé phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của nhân dân trong đợt vận tải Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 và các đợt vận tải cao điểm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép được thực hiện phương án bán vé như những năm trước đây nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong các đợt vận tải cao điểm này./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.