Ùn xe kéo dài trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Do đó, trong những ngày cận Tết, người dân đi lại trên tuyến đường này có thể chọn lộ trình sao cho phù hợp, tránh kẹt xe trầm trọng thêm.
Ba điểm thường kẹt xe
Theo VEC, thời điểm mới đưa vào khai thác năm 2015, tuyến cao tốc chỉ phục vụ 10 triệu lượt phương tiện thì 4 năm sau lượng phương tiện đã tăng 65%. VEC cho biết lượng phương tiện lưu thông qua cao tốc liên tục tăng trưởng qua các năm. Tuy nhiên, mật độ phương tiện trên tuyến phân bố không đồng đều, mà tập trung chủ yếu trên các đoạn tại 20km đầu cao tốc.
Trước tình hình trên, đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN đã đưa ra khuyến cáo người dân cần lựa chọn các lộ trình thích hợp để di chuyển trong thời gian cao điểm. Việc này nhằm giảm tải cho đường cao tốc cũng như đảm bảo lịch trình đi lại của người dân.
Theo thống kê, có ba điểm dễ xảy ra ùn tắc trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây gồm: trạm thu phí Long Phước, trạm thu phí Dầu Giây, nhánh D - quốc lộ 51. Cụ thể tại trạm thu phí Dầu Giây, tình hình ùn tắc thường xảy ra vào thời gian 13h-16h các buổi chiều lễ tết. Còn tại nhánh D - quốc lộ 51, kẹt xe thường xảy ra từ 6h-11h các buổi sáng ngày cuối tuần hoặc lễ tết.
Riêng tại trạm Long Phước xảy ra kẹt xe từ 5h-10h và từ 15h-21h đối với các ngày lễ. Một số thời điểm khác, lượng phương tiện tăng đột biến do xảy ra các sự cố trên các tuyến đường nối vào cao tốc như quốc lộ 51, đường Mai Chí Thọ, đường Võ Chí Công...
Xả trạm khi xe kẹt kéo dài 700m
Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN đã lên kế hoạch phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra và lên các phương án chống ùn tắc dịp cao điểm tết. Trong đó đơn vị này còn đề xuất khi xảy ra ùn tắc, ngoài thu phí không dừng sẽ tiến hành thu phí bằng thủ công (thu tiền mặt).
Tuy nhiên, với phương án này, Cục Quản lý giao thông đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ VN) cũng có nhắc nhở và yêu cầu đơn vị quản lý cao tốc hoàn thiện, cung cấp cơ sở pháp lý về phương án chống ùn tắc.
Còn một cán bộ Cục Cảnh sát giao thông cho biết đã đề nghị đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây phải xây dựng phương án "xả trạm" nếu tình hình kẹt xe tại trạm thu phí dài quá 700m.
Trong khi đó, cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến đường cao tốc duy nhất nối từ TP.HCM về miền Tây đi qua các tỉnh thành TP.HCM, Long An và Tiền Giang với chiều dài 62km (bao gồm cả đường dẫn).
Khi tạm dừng thu phí từ năm 2018 tới nay, số lượng phương tiện cũng tăng 31% so với trước đây, đạt mức 51.000 xe mỗi ngày đêm. Hiện cao tốc TP.HCM - Trung Lương thường xuyên ken đặc xe trên cả bốn làn đường.
Trước tình hình trên, trước đó vào tháng 10-2019, cơ quan chức năng đã thu hồi biển báo cấm xe tải trên 5 tấn lưu thông trong giờ cao điểm sáng và chiều trên quốc lộ 1, giúp giảm tải cho tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Một cán bộ thuộc đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 7 (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương lượng phương tiện cũng tăng cao, dễ dẫn đến ùn ứ vào cao điểm tết. Các đơn vị chức năng đã họp lên phương án và sẽ tăng cường lực lượng điều tiết giao thông vào thời gian cao điểm tết.
Trường hợp xảy ra sự cố gây ùn tắc, cơ quan chức năng sẽ điều tiết bớt xe cộ chạy qua quốc lộ 1 nhằm giảm tải cho cao tốc. Lực lượng chức năng cũng khuyến cáo khi có sự cố trên cao tốc, các bác tài không nên chạy vào làn khẩn cấp. Bởi đây là làn mà lực lượng chức năng điều xe cứu hộ... tới giải quyết sự cố, giải tỏa phương tiện nhằm đưa cao tốc hoạt động trở lại bình thường.
"Trong dịp cao điểm tết, người dân cần cập nhật thông tin và có lộ trình phù hợp, tránh việc phải nằm chờ nhiều giờ trên cao tốc" - vị cán bộ này nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.