Chủ tịch tỉnh Tiền Giang có ký sai trước |
Người ký các quyết định này hiện đã về hưu. Thông tin này khiến người dân bị hụt hẫng vì số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 23 tỉ đồng tiếp tục bị “treo”.
UBND tỉnh hiện nay phải đối diện với hàng loạt vấn đề pháp lý nảy sinh từ số quyết định được cho là sai này.
Dân mừng hụt
Dự án khôi phục, mở rộng quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Tiền Giang được thực hiện hai lần vào năm 1995 và 2005.
Lần đầu có 992 hộ dân bị ảnh hưởng và không có hộ nào khiếu nại. Đến lần thứ hai mở rộng thêm thì có 6.875 hộ bị ảnh hưởng và phát sinh khiếu nại.
Để giải quyết khiếu nại, ngày 23-11-2007 UBND tỉnh đã xây dựng phương án số 126 về bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị thu hồi đất. Phương án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-12-2007.
Theo đó, tỉnh hỗ trợ thêm hơn 100 tỉ đồng cho 5.656 hộ. Đa số người dân đồng tình với cách giải quyết này, chỉ còn 41 hộ ở huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy vẫn khiếu nại. Trong giai đoạn 2007-2010, cấp huyện và tỉnh đều giải quyết bác đơn khiếu nại của những hộ này.
Năm 2010, Thanh tra Chính phủ rà soát lại và kết luận nội dung khiếu nại yêu cầu bồi thường phần mương, taluy nằm trong lộ giới đường theo giá đất ở là không có cơ sở. Người dân vẫn tiếp tục khiếu nại.
Đến tháng 6-2015, sau nhiều lần tổ chức đối thoại, chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang đã ký 41 quyết định giải quyết bồi thường, hỗ trợ thêm cho các hộ này với số tiền gần 23 tỉ đồng. Sau đó tỉnh chuyển tiền về cho huyện tổ chức chi trả cho người dân.
Tuy nhiên, lúc này địa phương lại phát hiện các quyết định nói trên có nhiều nội dung trái quy định của pháp luật nên đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường thẩm tra lại. Việc chi trả tiền bồi thường tạm dừng gần một năm nay khiến người dân mừng hụt.
Cuối tháng 8-2016, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển có văn bản thông báo cho UBND tỉnh Tiền Giang biết toàn bộ 41 quyết định giải quyết khiếu nại ký hồi tháng 6-2015 đều sai ở nội dung “chấp thuận yêu cầu bồi thường đối với đất taluy và mương lộ”. Các nội dung còn lại trong từng quyết định thì có cái đúng, có cái sai.
Bộ cho rằng Nhà nước không thu hồi 5.359m2 phần đất taluy, mương lộ của 41 hộ mà họ đã lấn ra sử dụng, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tỉnh Tiền Giang giải quyết bồi thường là hoàn toàn trái với quy định tại khoản 2, điều 2, nghị định số 197 ngày 3-12-2004 của Chính phủ.
Một số hộ dân ở huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy nói đã mòn mỏi chờ đợi UBND tỉnh Tiền Giang chi tiền bồi thường, hỗ trợ từ tháng 6-2015, nay lại tiếp tục chờ - Ảnh: VÂN TRƯỜNG |
Bồi thường tùy tiện?
Từ ngày 14-3 đến 22-4-2016, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên - môi trường đã đến Tiền Giang thu thập hồ sơ và làm việc với UBND tỉnh về nội dung khiếu nại của 41 hộ này.
Theo kết luận của bộ, tỉnh đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng để mở rộng quốc lộ 1 rất tùy tiện, có rất nhiều nội dung không đúng quy định.
Ví dụ bốn hộ Nguyễn Văn S., Nguyễn Thị H., Trịnh Thị T., Nguyễn Thành L. bị thu hồi 531m2 đất ở nhưng lại bồi thường theo giá đất nông nghiệp, gây thiệt thòi cho người dân.
Ngược lại, có tới 24 trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp thì được bồi thường theo giá đất ở. Đất nông nghiệp bị thu hồi từ năm 2005 nhưng một số trường hợp được áp giá đất ở năm 2014 để bồi thường.
Rồi trường hợp của bà Âu Ngọc Y. bị thu hồi đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (chưa được cấp giấy đỏ) vào năm 2005 nhưng lại được giải quyết bồi thường giá đất ở năm 2015.
Các hộ Phạm Văn M., Nguyễn Thị H., Nguyễn Thị Hu. đã được bồi thường 144m2 đất ở đúng phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây nhưng khi họ khiếu nại thì chủ tịch tỉnh đồng ý áp giá đất năm 2014 để bồi thường.
Kỳ lạ hơn cả là việc hai hộ Nguyễn Thị B. và Trịnh Thị T. không bị thu hồi đất, nhưng vào năm 2008 huyện Cai Lậy đã bồi thường cho bà B. 14,6m2 và bà T. 19,4m2 đất nông nghiệp. Năm 2015 UBND tỉnh lại tiếp tục áp giá đất ở để bồi thường.
Năm 2007, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang có quyết định giải quyết nội dung bác đơn khiếu nại của bốn hộ gồm: Ngô Kim L., Trần Ngọc M., Lý Hữu P. và Nguyễn Văn T.. Nhưng năm 2015, chủ tịch tỉnh lại quyết định chấp nhận đơn khiếu nại, bồi thường cho các hộ này theo đơn giá đất ở.
Có điều quyết định mới không có nội dung thu hồi quyết định năm 2007. Như vậy hiện nay bốn hộ này đang cầm trong tay 2 quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng nội dung trái ngược nhau.
Ông Lê Văn Hưởng, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nói sau khi nhận được kết luận của Bộ Tài nguyên - môi trường thì UBND tỉnh đã họp giao cho các ngành có liên quan khẩn trương rà soát, đối chiếu từng trường hợp để báo cáo lãnh đạo tỉnh vào tuần tới.
Quan điểm của tỉnh là khẩn trương giải quyết khiếu nại của dân nhưng phải đúng quy định của pháp luật. Đến giờ này UBND tỉnh chưa có kết luận gì về 41 quyết định của chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ trước ký.
“Tôi nghĩ mình không ký sai” Ngày 4-9, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khang nói đã biết và khá ngạc nhiên với kết luận của Bộ Tài nguyên - môi trường về 41 quyết định ông ký tháng 6-2015. Ông khẳng định: “Tôi nghĩ mình không ký quyết định sai. Tôi cũng đã nói với lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ này cần cẩn trọng rà soát lại từng trường hợp trước khi trả lời dân. Tôi nghĩ có khả năng Bộ Tài nguyên - môi trường không nắm đầy đủ hồ sơ, không biết rõ nguồn gốc đất nên mới kết luận tôi giải quyết bồi thường đất taluy và mương lộ cho dân là sai. Không phải tự nhiên mà người dân bỏ thời gian cả chục năm trời để đi khiếu nại. Chắc chắn họ có lý do để không đồng tình với cách giải quyết của chính quyền nên tôi mới chỉ đạo tập trung xem xét lại”. Ông Khang cho biết thêm những hộ dân này đã khiếu kiện từ rất lâu và UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác có ngành tài nguyên - môi trường, thanh tra, công an, chính quyền địa phương... để rà soát, tham mưu giúp lãnh đạo tỉnh giải quyết. Hồ sơ của 41 hộ này đã được kiểm tra nhiều năm liền và đến giữa năm 2015 mới đưa ra quyết định giải quyết khiếu nại. Ông đã tổ chức đối thoại với từng hộ và kết luận giải quyết như quyết định đã nêu thì người dân đồng tình, sau đó không có ai khiếu nại nữa. “Tôi nghĩ mình đã giải quyết đúng pháp luật và có lợi cho dân” - ông Khang nói. |
Người dân có thể kiện UBND tỉnh Luật sư Cao Minh Triết (Đoàn luật sư Tiền Giang) cho rằng mặc dù đã có kết luận của Bộ Tài nguyên - môi trường nhưng UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo rà soát lại là phù hợp vì một số kết luận của bộ chưa thật sự thuyết phục. Dù vậy, UBND tỉnh sẽ phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại mới, trong đó có nội dung thu hồi những quyết định sai trước đó. Ngoài ra, 41 hộ này hoàn toàn có thể khởi kiện UBND tỉnh ra Tòa án tỉnh Tiền Giang yêu cầu thi hành quyết định đã ký hồi tháng 6-2015. Khi đó UBND tỉnh sẽ đối diện với những hậu quả pháp lý như: mất uy tín, phải bồi thường theo đơn giá thời điểm tòa giải quyết vụ kiện và có thể phải bồi thường mất thu nhập cho người dân bị thu hồi đất từ năm 2005 đến nay. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.