Nước ta hiện nay có một bài toán khá nan giải, đó là số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp khá cao, khoảng 220 nghìn người. Vậy tương lai của họ sẽ ra sao khi không có công ăn việc làm? Liệu bao nhiêu nỗ lực của quốc gia, của cha mẹ cho ngần ấy năm ăn học sẽ đổ xuống sông xuống biển? Đây là nguồn tài nguyên cho phát triển hay là một gánh nặng cho xã hội một khi các bậc cha ông đã dạy “nhàn cư vi bất thiện”?...
Đề án này là một ý tưởng hay, được nhiều người ủng hộ, nhưng vẫn có băn khoăn con số 54 nghìn còn quá nhỏ so với 220 nghìn. Mặt khác, hằng năm, nước ta vẫn đều đặn cho ra đời một đội ngũ sinh viên tốt nghiệp đông đảo. Vậy liệu có phải tiếp tục ra đời những đề án nhằm lo việc làm cho đội ngũ này?.
Cách đây ít lâu, TS Nguyễn Thiên Tuế - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (IUH) - đã khẳng định tại Hội thảo “Những phương thức đào tạo tốt cần nhân rộng từ dự án JICA-IUH” rằng: 100% sinh viên của trường ra sẽ có việc làm.
Thử nghĩ, nếu cơ sở đào tạo nào cũng tự tin như thế thì cần gì Chính phủ phải tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho cuộc đầu tư tiếp theo như đề án nêu trên nữa?
Chưa hết, cách đây cũng chỉ ít lâu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc khẳng định: “Chúng tôi cam kết 100% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp ra trường và Hiệu trưởng ký cam kết trực tiếp với sinh viên, nếu không lo việc làm cho sinh viên, Hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm và trả lại tiền học phí do sinh viên đóng. Đây là cam kết nghiêm túc và trách nhiệm”.
Nêu những ví dụ trên đây để mọi người có thể “vỡ” ra một điều rằng, sinh viên ra trường nếu thất nghiệp, một phần trách nhiệm là do... nhà trường! Đó là việc đào tạo ra những nhân tố lao động mà xã hội đang cần chứ không phải mình đang muốn, tránh xa những chương trình viển vông. Đây mới là cái gốc của vấn đề.
Mặt khác, thời gian gần đây, số lượng doanh nghiệp tư nhân ra đời ngày càng nhiều. Riêng năm 2016 là khoảng 110 nghìn DN. Chỉ tính bình quân, mỗi DN tạo ra 10 việc làm thì cũng đã giải quyết được trên 1 triệu chỗ làm việc.
Vì thế, mặc dù vẫn ghi nhận đề án trên đây của Bộ LĐTB&XH đưa ra là một sự nỗ lực đầy hy vọng, nhưng nếu để có sự bền vững trong chiến lược lo việc làm cho người dân, một cánh cửa quan trọng là phải phát triển việc làm trong nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.