Chủ xe bất ngờ khi bị dừng đăng kiểm do chưa nộp phạt

Ý kiến phản biện 06/10/2017 06:37

Bị từ chối đăng kiểm, nhiều chủ xe mới biết mình bị phạt nguội. Có người mua xe cũ phải đi nộp phạt thay cho chủ trước đó.

 

Chủ xe bất ngờ khi bị dừng đăng kiểm do
Nhiều chủ xe đi đăng kiểm mới biết xe mình dính "phạt nguội". Ảnh  minh họa: Đ.Loan

Là chủ cơ sở cho thuê ôtô, anh Trịnh Xuân Toán (Phú Thọ) đưa xe đi đăng kiểm ở Hà Nội thì bất ngờ bị từ chối vì chưa nộp phạt. Kiểm tra thông tin, anh Toán mới biết có khách hàng thuê xe tự lái "dính" lỗi vượt đèn đỏ từ cuối năm 2016, bị phạt 700.000 đồng. Đóng tiền phạt để được đăng kiểm, song anh Toán không thể tìm được khách thuê xe để đòi tiền. 

“Đáng lẽ cảnh sát phải xử phạt ngay người lái xe tại thời điểm vi phạm, giờ tôi không thể tìm được khách thuê xe. Điều này rất bất hợp lý”, anh Toán nói. 

Ông Đỗ Duy Cường (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị phạt nguội lỗi không dừng theo đèn tín hiệu vào tháng 5/2016, nhưng không biết. Khi mang xe đi đăng kiểm vào cuối tháng 8/2017, ông bất ngờ khi bị từ chối. Được thông báo, ông phải đi nộp phạt, sau đó xe mới được đăng kiểm. 

Mỗi tháng Trung tâm đăng kiểm 29-03S (Ngọc Khánh, Hà Nội) có hơn 20 chủ xe bị tạm dừng đăng kiểm do vi phạm giao thông, trong số hơn 2.000 xe đi đăng kiểm. 

Theo quy trình, khi tài xế vi phạm luật giao thông đường bộ được ghi nhận qua camera, cảnh sát gửi thông báo về chủ xe. Sau khoảng một tháng người vi phạm không đóng tiền phạt, cảnh sát giao thông sẽ gửi thông tin xe vi phạm về Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cục đưa dữ liệu vào hệ thống tra cứu để các trung tâm biết tình trạng xe vi phạm. Khi chủ xe đến kiểm định, nhân viên đăng kiểm sẽ tra trên hệ thống và thông báo. Chủ xe phải đóng tiền phạt mới được kiểm định xe. 

Giám đốc Trung tâm Nguyễn Minh Hải cho biết, nhiều trường hợp người vi phạm không phải chủ xe, nhưng để được đăng kiểm thì chủ xe phải nộp phạt như người cho thuê, cho mượn xe. "Một số người cẩn thận gọi đến Trung tâm nhờ chúng tôi tra cứu dữ liệu xem xe mình có vi phạm hay không. Đúng ra họ cần gọi phía công an sẽ biết rõ vi phạm và số tiền phạt nếu có", ông Hải nói. 

Ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, năm 2016 Cục nhận được đề nghị từ chối đăng kiểm 2.800 ôtô vi phạm. 9 tháng đầu năm nay, Cục nhận được danh sách hơn 16.000 xe, đến nay mới có 5.500 chủ xe chấp hành nộp phạt và được đăng kiểm trở lại. Không chỉ có xe bị phạt nguội, còn có nhiều xe chưa sang tên đổi chủ, xe biển số giả, tạm nhập tái xuất... cũng bị trung tâm tạm dừng kiểm định.

Bên cạnh tình trạng chủ xe nhận giấy nhưng cố tình không nộp phạt, cũng có nhiều trường hợp cho mượn xe bị dính phạt, đăng ký xe một nơi địa chỉ cư trú nơi khác nên giấy phạt không đến tay khổ chủ. Phổ biến nhất là người mua xe cũ khi đi đăng kiểm mới biết chủ xe trước bị phạt, số tiền cộng dồn cả lãi cao hơn nhiều so với tiền phạt ban đầu.

"Khi mua xe cũ, chủ cần sang tên đổi chủ ngay hoặc thông báo cho cơ quan công an. Trường hợp cho thuê xe tự lái thì cần có hợp đồng thể hiện trách nhiệm của người thuê xe để có thể kiện ra tòa khi có tranh chấp", ông Trí nói.  

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cơ chế thông tin vi phạm của cảnh sát giao thông tới chủ xe rất quan trọng. Cảnh sát giao thông cần xây dựng trang web tra cứu xe vi phạm để người dân biết mình bị phạt nguội hay không, chủ động đi nộp phạt kịp thời. Đặc biệt người mua xe cũ có thể tra cứu để biết chủ xe cũ có nợ phạt nguội không. Hiện nay mới có Đà Nẵng làm được việc này. 

"Nhiều chủ xe nói với chúng tôi là họ đi lại cẩn thận hơn vì lo phạt nguội, rồi bị dừng đăng kiểm. Đó là mặt tốt của quy định tạm dừng đăng kiểm khi vi phạm giao thông, thể hiện người dân chấp hành quy định tốt hơn", ông Trí nói.  

Ý kiến của bạn

Bình luận