Chưa được tăng phí theo lộ trình, nhiều nhà đầu tư BOT giao thông gặp khó

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 24/12/2022 11:58

Dự án chưa được điều chỉnh tăng giá vé theo lộ trình khiến phương án tài chính ban đầu trong hợp đồng BOT bị phá vỡ, nhiều nhà đầu tư BOT giao thông đang đứng ngồi không yên vì đối mặt nguy cơ thua lỗ nặng.

Chưa được tăng phí theo lộ trình, nhiều nhà đầu tư BOT giao thông gặp khó - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT đường Hòa Lạc - Hòa Bình

Phương án tài chính bị phá vỡ, nhà đầu tư nguy cơ thua lỗ nặng

Trạm Nam Cầu Giẽ được đưa vào khai thác thu phí hoàn vốn từ 0h ngày 24/11/2016 để hoàn vốn cho dự án đầu tư QL1 đoạn tránh TP.Phủ Lý và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km 215+775 - Km 235+885 (tỉnh Hà Nam) theo hình thức BOT do liên danh Công ty CP FECON, Công ty CP Xây dựng COTECCONS và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1) làm nhà đầu tư.

Theo hợp đồng BOT, dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 2.046 tỷ đồng, thời gian thu phí tạm tính khoảng 15 năm 8 tháng, giá vé 3 năm điều chỉnh một lần, dự kiến mỗi lần tăng 15%. Tuy nhiên, đại diện Công ty CP Đầu tư hạ tầng FCC (doanh nghiệp dự án) cho biết, tính đến nay, sau hơn 6 năm tiến hành thu phí, giá vé tại trạm Nam Cầu Giẽ vẫn chưa được điều chỉnh lần nào khiến phương án tài chính của dự án đứng trước nguy cơ bị phá vỡ.

Theo ông Muôn Văn Chiến - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng FCC, thực tế thời gian từ khi bắt đầu thu phí đến nay, lưu lượng xe qua trạm Nam Cầu Giẽ chỉ đạt xấp xỉ 50% so với phương án tài chính ban đầu, đồng thời tỷ lệ xe sử dụng vé tháng/quý thực tế xấp xỉ 60 - 70% lượt xe qua trạm. Đặc biệt, giá vé của trạm Nam Cầu Giẽ chưa được điều chỉnh theo lộ trình (đã quá 3 năm) khiến doanh thu của dự án chỉ bằng khoảng 40% so với phương án tài chính.

"Việc sụt giảm doanh thu đã gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư trong việc trả lãi ngân hàng, bảo trì dự án và vận hành công tác thu phí. Hàng tháng, nhà đầu tư đã phải bù đắp bằng vốn tự có để trả lãi vay, bảo trì dự án và vận hành công tác thu phí", đại diện nhà đầu tư thông tin và cho biết, để giảm bớt khó khăn trong việc trả lãi vay, bảo trì dự án cũng như vận hành công tác thu phí, nhà đầu tư đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm quyết định cho phép điều chỉnh tăng giá thu phí tại trạm thu phí Nam cầu Giẽ theo quy định của hợp đồng BOT.

Làm nhà đầu tư của 2 dự án BOT giao thông (QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình và dự án QL19 qua Bình Định - Gia Lai), Tổng công ty 36 cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do phương án tài chính của cả 2 dự án đều không đảm bảo, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc giá vé của 2 dự án không được điều chỉnh theo lộ trình đã ký kết trong hợp đồng BOT.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Nguyễn Đăng Giáp - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 36 cho biết, đối với dự án BOT đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (TMĐT: 2.723 tỷ đồng), theo hợp đồng BOT, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được phép điều chỉnh tăng giá vé 3 năm/lần, mỗi lần tăng 18% so với giá vé đang áp dụng và được phép điều chỉnh  từ 0h00' ngày 1/1/2020.

Theo ông Giáp, mặc dù, đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay đã gần 3 năm nhưng nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án vẫn chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận cho điều chỉnh giá vé. Việc không được điều chỉnh tăng giá vé và phải thực hiện miễn giảm cho các tổ chức, các nhân xung quan trạm thu phí, ảnh hưởng của dịch Covid-19,… nên  doanh thu thu phí của dự án thấp hơn rất nhiều so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT.

"Tính đến ngày 30/9/2022, nhà đầu tư, doanh nghiệp, dự án bị lỗ lũy kế số tiền là 124,25 tỷ đồng. Nếu tiếp tục không được điều chỉnh giá vé trong thời gian tới thì phương án tài chính của dự án sẽ bị phá vỡ dẫn tới nguy cơ nhà đầu tư bị thua lỗ, thậm chí phá sản", ông Giáp thông tin.

Chưa được tăng phí theo lộ trình, nhiều nhà đầu tư BOT giao thông gặp khó - Ảnh 2.

Trạm thu phí hoàn vốn dự án cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn Km17+054,51-Km50+00 trên địa phận tỉnh Bình Định và Km108+00- Km131+300 trên địa phận tỉnh Gia Lai

Cần xem xét sớm điều chỉnh giá vé các dự án BOT giao thông

Trong khi đó, tại dự án cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn Km17+054,51-Km50+00 trên địa phận tỉnh Bình Định và Km108+00- Km131+300 trên địa phận tỉnh Gia Lai (TMĐT: 1.460 tỷ đồng), ông Giáp cho biết, theo điều khoản hợp đồng BOT đã ký ngày 24/10/2014 quy định mỗi năm tăng giá thu phí 6%, ba năm tăng giá thu phí một lần tương đương 18%.

Tuy nhiên, khi thực hiện lại yêu cầu điều chỉnh theo phụ lục hợp đồng BOT ngày 8/2/2018, mỗi năm tăng giá thu phí 3%, ba năm tăng giá thu phí một lần tương đương 9%, thực tế đến nay gần 8 năm thu phí mà dự án chưa một lần được tăng phí.

"Qua gần 8 năm triển khai thu phí, nhà đầu tư nhận thấy thực tế doanh thu không đạt so với với phương án tài chính tại hợp đồng BOT. Điều này không những không đạt kế hoạch hoàn vốn cho dự án mà còn không đảm bảo tiến độ thanh toán khoản nợ ngân hàng, từ đó gây nhiều hệ lụy do khoản nợ có nguy cơ bị xếp vào nhóm nợ xấu nếu không được Ngân hàng Nhà nước có biện pháp tháo gỡ kịp thời", ông Giáp chia sẻ và đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có phương án điều chỉnh tăng phí đúng lộ trình theo các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng BOT.

Theo thông tin của PV Tạp chí Giao thông vận tải, ngoài 3 dự án điển hình trên, hiện nay trên cả nước có nhiều dự án BOT giao thông chưa được điều chỉnh tăng giá vé theo lộ trình khiến nhà đầu tư của các dự án gặp khó như: Dự án BOT hàm Đèo Cả, dự án BOT QL1 qua Bạc Liêu, dự án BOT QL1 qua Bình Thuận, dự án BOT QL1 qua Sóc Trăng,…

Theo PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), việc tăng phí theo lộ trình là một trong những điều khoản, cam kết đã đạt được sự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hợp đồng nhằm đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính.

Thời gian qua, một số nguyên nhân khách quan, không thể lường trước như diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức nhất định trong việc triển khai lộ trình tăng phí BOT giao thông.

Thực tế đó khiến nhiều nhà đầu tư bị hụt nguồn thu, đối diện với rủi ro tài chính và nguy cơ bị tổ chức tín dụng, ngân hàng đưa vào nhóm nợ xấu, ảnh hưởng đến cả một dây chuyền hoạt động kinh doanh dù quá trình thực hiện đầu tư dự án tuân thủ đúng hợp đồng ký kết và quy định của pháp luật.

"Trong bối cảnh kinh tế dần khởi sắc sau đại dịch như hiện nay, nhà đầu tư rất cần sự chia sẻ từ nhà nước. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét, phối hợp tìm lời giải cho khó khăn hiện nay như: Kéo dài thời gian thu phí, cơ cấu lại nguồn vốn cho các dự án BOT, triển khai lộ trình tăng phí theo đúng lộ trình,… giúp nhà đầu tư có nguồn lực vượt qua rủi ro, bù đắp thiệt hại tài chính trong thời gian qua", ông Chủng nói.