Chưa gắn thẻ đầu cuối đi vào làn thu phí tự động sẽ bị phạt?

Giao thông 24h 24/05/2019 08:03

Đó mà một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 46/2016/NĐ-CP đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến góp ý.

 

uong-ruou-lai-xe-1557315270721855349929
Hiện trường vụ tai nạn giao thông do tài xế uống bia vẫn lái xe đụng chết chị công nhân vệ sinh trên đường Láng, Hà Nội tối 22-4 - Ảnh: CHÍ TUỆ

Cụ thể, dự thảo của nghị định thay thế nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định hành vi "điều khiển xe chưa gắn thẻ đầu cuối đi vào làn đường dành riêng thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí" bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 1-3 tháng, nếu gây tai nạn giao thông tước bằng lái xe từ 2 đến 4 tháng. 

Đây là hành vi mới được bổ sung vào dự thảo nghị định theo nhiều kiến nghị cần có chế tài với những xe không lắp thẻ nộp phí đường bộ tự động nhưng cố tình đi vào làn thu phí tự động gây cản trở giao thông, nguy cơ tai nạn, làm mất cơ hội đi lại thuận tiện của những xe đã thực hiện nộp phí tự động. 

Với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1lít khí thở, nghị định 46 hiện hành quy định phạt tiền 16-18 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 4-6 tháng.

Trong quá trình đề xuất sửa đổi, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị tăng mức phạt tiền phạt tiền lên 34-40 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng (mức cao nhất theo Luật xử lý vi phạm hành chính).

Tuy nhiên, dự thảo nghị định đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến góp ý chỉ nâng mức phạt tiền với hành vi trên từ 26-30 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe 10-12 tháng. Mức phạt này áp dụng cả với hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, hoặc chất ma túy của người thi hành công vụ.

Hành vi điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, nghị định 46 quy định hình phạt tước quyền sử dụng bằng lái xe 22-24 tháng với trường hợp có bằng lái, phạt tiền 16-18 triệu đồng với trường hợp không có bằng lái. 

Cũng hành vi này, dự thảo nghị định sửa đổi quy định mức phạt tiền 26-30 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe 22-24 tháng và nếu không có bằng lái xe thì phạt thêm lỗi không có bằng lái.

Ý kiến của bạn

Bình luận