Chuẩn bị xây dựng cao tốc Bắc Nam qua 20 tỉnh, thành phố

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế từ Hà Nội đến TP HCM qua 20 tỉnh, thành.

 

Chuẩn bị xây dựng cao tốc Bắc Nam qua 20 tỉnh, thà
Đường cao tốc giúp đẩy nhanh tốc độ lưu thông vận tải hành khách, hàng hóa.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Theo đó, đây là dự án quan trọng quốc gia nên cần thực hiện đúng quy định, trình các cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Về phương án đầu tư, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo  đơn vị tư vấn hoàn thiện 2 phương án là nhà nước hỗ trợ 63.000 tỷ đồng và 70.000 tỷ đồng, báo cáo Thủ tướng quyết định trước khi trình Quốc hội. Nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước sẽ chủ yếu dành cho giải phóng mặt bằng và một phần cho đầu tư, phần còn lại khoảng 70% tổng mức đầu tư sẽ huy động từ nguồn xã hội hóa.

Để bảo đảm tiến độ triển khai dự án, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định dự án theo quy định. 

Phó thủ tướng đặt yêu cầu đối với dự án là hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế, xã hội từ Hà Nội đến TP HCM qua 20 tỉnh, thành phố; kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển nhằm phát triển kinh tế - xã hội những khu vực có đường cao tốc chạy qua nói riêng và cả đất nước nói chung; giảm thiểu áp lực và khai thác có hiệu quả hơn tuyến quốc lộ 1. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đơn vị tư vấn chủ động lập các dự án đầu tư thành phần để triển khai xây dựng ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện cơ chế đặc thù, trong đó có cơ chế huy động vốn đầu tư xã hội hóa, trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt theo thẩm quyền.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu đầu tư xây dựng trước gần 600 km trong giai đoạn đến 2022 và thông toàn tuyến đến năm 2025.

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) cho biết, Bộ Giao thông vận tải từng đặt mục tiêu đến năm 2022 hoàn thành đầu tư xây dựng 1.372km cao tốc Bắc Nam. Khi đó, Bộ đã kiến nghị Chính phủ dành một gói ngân sách khoảng 70.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các dự án theo hình thức PPP.

Tuy nhiên, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Giao thông vận tải có thể chỉ được phân bổ khoảng 70.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đến năm 2020 cho tất cả dự án, bao gồm cả các đoạn cao tốc Bắc - Nam. Nếu dành toàn bộ nguồn tiền này để đầu tư cao tốc thì những dự án giao thông khác sẽ phải dừng lại, do không có tiền triển khai. Vì vậy, đơn vị tư vấn đã điều chỉnh kế hoạch, từ 1.372 km xuống còn 573 km cao tốc đến năm 2022, với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.400 tỷ đồng.

Theo ông Sơn, 575 km cao tốc sẽ được xây dựng là đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) - Vinh (Nghệ An) và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận)- Dầu Giây (Đồng Nai) với quy mô bốn làn xe cao tốc. Riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn được đầu tư theo hình thức BT.

Ý kiến của bạn

Bình luận