"Chuốc bệnh nguy hiểm vào thân" vì lười mang xe đi bảo trì |
“Bão bụi” từ mô tô, xe máy
Cách đây không lâu, Vụ Môi trường - Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra công bố các đô thị lớn như Hà Nội hiện ô nhiễm bụi đã vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Theo đó, số liệu về ô nhiễm khói, bụi do các chuyên gia đo được ở Hà Nội vào khung giờ cao điểm đều vượt giới hạn cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ô nhiễm không khí đã vượt quy chuẩn cho phép với hàm lượng bụi cao hơn 1 - 2 lần tiêu chuẩn. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm trầm trọng và đáng báo động ở một số nút giao thông trọng điểm.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân phát sinh gây ô nhiễm phải kể đến khí thải từ các phương tiện giao thông cá nhân. Theo đó, số lượng mô tô xe máy tại Việt Nam đã và đang có chiều hướng gia tăng mạnh.
Hiện số lượng phương tiện đã đạt con số gần 18,5 triệu xe, chiếm hơn 87% tổng lưu lượng xe hoạt động trong nội thành các khu đô thị lớn. Mỗi ngày số phương tiện này tiêu thụ không dưới 2 triệu lít xăng.
Khí thải phát sinh trong quá trình vận hành số lượng phương tiện khổng lồ này là đối tượng chính gây gia tăng ô nhiễm không khí cho thành phố.
Nhìn nhận vấn đề ô nhiễm không khí trong đô thị, các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng, chất gây ô nhiễm từ khí thải xe cơ giới xâm nhập vào phổi và thậm chí vào máu con người có thể gây ra các vấn đề về mắt và hệ thống hô hấp.
Những tác động lâu dài của khí thải xe cơ giới có thể dẫn tới các bệnh rất nguy hiểm như vô sinh, các bệnh về tim, thận và ung thư phổi...
Người dân vẫn thờ ơ
Khách quan nhìn nhận, phần lớn số xe máy lưu thông trong đời sống hiện tại là xe cũ và không hề được kiểm soát khí thải. Hay nói cách khác, đây là một nguy cơ đáng báo động với môi trường và sức khỏe con người.
Nhưng để kiểm soát được khối lượng xe máy khổng lồ này là việc không đơn giản, đặc biệt trong hoàn cảnh chủ các phương tiện giao thông đang rất thờ ơ với công việc bảo trì, kiểm định xe khi đến hạn.
Theo anh Nguyễn Tuấn, chủ một đại lý bảo trì, sửa chữa xe trên phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai, Hà Nội, từ trước đến nay tất cả các loại xe khi xuất xưởng đều được các hãng sản xuất ghi kèm các tiêu chí về hệ số phát thải.
“Xe càng cũ thì mức độ phát thải càng cao. Tốc độ xe càng cao thì nhiên liệu sử dụng càng ít và hệ số phát thải càng ít. Giao thông của chúng ta còn kém, tắc đường triền miên... đồng nghĩa với việc phát thải càng nhiều. Không khí đã ô nhiễm lại càng ô nhiễm hơn” – anh Tuấn nhấn mạnh.
Trên phương diện kỹ thuật, việc kiểm soát khí thải xe và cách phân biệt xe nào thân thiện với môi trường, xe nào không phần lớn chỉ các nhà quản lý và “dân trong nghề” sửa chữa mới chú ý, quan tâm nhìn nhận.
Thực tế, phần lớn những người sử dụng loại hình phương tiện cá nhân này đều chỉ ghé vào các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng xe khi họ gặp phải trục trặc. Còn đại đa số người dân thường ít quan tâm đến việc duy tu, bảo trì xe định kỳ.
Thậm chí, nhiều người còn ngơ ngác với khái niệm “kiểm soát khí thải xe”.
Ngoài vấn đề này, hiện sử dụng nhiên liệu sạch như dầu diesel sinh học, khí hóa lỏng, điện… cho hệ thống giao thông công cộng hiện vẫn chưa được các nhà quản lý quan tâm đúng mức.
Thiết nghĩ, để đề án kiểm soát khí thải xe gắn máy thực sự đi vào thực tế, hơn lúc nào hết, các ban ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân. Đề án chỉ thực sự thành công, nhận được sự hợp tác nếu người dân quan tâm và xem xét thấu đáo những lợi ích mà nó mang lại.
Từ năm 2017 kiểm định khí thải đối với môtô, xe máy 1 lần/năm Đề án kiểm soát khí thải xe gắn máy được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng từ năm 2008 và đã được phê duyệt, thông qua. Theo lộ trình, giai đoạn 2013-2015 kiểm định 80-90% số lượng xe máy tại hai thành phố lớn của cả nước và tiếp đó sẽ mở rộng mạng lưới kiểm định để thực hiện kiểm định khí thải cho 60% số lượng xe máy đang tham gia giao thông tại các thành phố loại 1 và loại 2. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đề án vẫn trong tình trạng “treo”. Trước tình cảnh này, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng lộ trình kiểm tra khí thải đối với môtô, xe máy tại 5 thành phố lớn, gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Chu kỳ kiểm định là 1 lần/năm, áp dụng từ năm 2017. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.