Chuỗi cung ứng Việt Nam còn nhiều hạn chế

Đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, GTVT đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế, quốc phòng và an sinh xã hội.

687197683673898
Ảnh minh hoạ

Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế trong vòng 20 năm qua, các yếu tố thúc đẩy cũng đang dần trở nên cạn kiệt, thách thức các nhà quản lý trong việc tìm kiếm các nguồn lực mới nhằm duy trì sự phát triển của nền kinh tế, trong đó GTVT, đặc biệt là chuỗi cung ứng là một phần không thể thiếu. Cơ sở hạ tầng logistics là các yếu tố cơ bản trong hoạt động của mạng lưới logistics thông qua việc tích hợp các phương thức vận tải hàng hải, hàng không và đường bộ.

Theo đánh giá chung của các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB), hệ thống GTVT của Việt Nam, đặc biệt là giao thông đường bộ đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, đặc biệt trong thời điểm 15 năm trở lại đây. Hệ thống giao thông được cải thiện giúp cho việc đi lại, giao thương giữa các khu vực trở nên dễ dàng hơn, giúp kích thích giao thương nội địa, qua đó thúc đẩy kinh tế, cơ sở hạ tầng được cải thiện, ngoài ra còn gián tiếp nâng cao chất lượng của các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục.

Đối với việc giảm đói nghèo, các số liệu tính toán cho thấy, cứ 1% tổng GDP đầu tư thực sự vào cơ sở hạ tầng giao thông, tình trạng đói nghèo sẽ giảm đến 0,5 đến 1%. Với một gói đầu tư trị giá 50 triệu USD được đầu tư thực sự vào giao thông, tỷ lệ đói nghèo của 15 tỉnh nghèo nhất Việt Nam sẽ giảm đến 6 - 7%.

Để có thể gia tăng sự phát triển kinh tế, Việt Nam cần một hệ thống GTVT đa phương thức, khả năng tương tác cao và đặc biệt phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về tính hiệu quả và hiệu năng, hiện đang là điểm yếu lớn của Việt Nam. Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới, chi phí dành cho chuỗi cung ứng của Việt Nam vào khoảng 20% tổng GDP và có thể còn lên tới 25% trong những năm tới. Một con số cao hơn rất nhiều nếu so sánh với các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan hoặc Trung Quốc. Chí phí chuỗi cung ứng lớn đồng thời cũng làm gia tăng chi phí dành cho sản xuất công nghiệp, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với các nước trong khu vực. Nếu giảm được khoảng 10% chi phí chuỗi cung ứng có thể giúp tiết kiệm 1,5 - 2,0% GPD đầu tư.

Đối với các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, chuỗi cung ứng tối ưu là chuỗi cung ứng vận hành nhịp nhàng, có khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng ở mức cao nhất với chi phí vận hành thấp nhất. Đồng thời, nó phải có hệ thống thông tin được tổ chức khoa học và cập nhật thường xuyên để giúp các bộ phận phối hợp ăn ý với nhau nhằm phản ứng nhanh nhạy với những biến động thường xuyên và liên tục của môi trường kinh doanh. Một chuỗi cung ứng tối ưu sẽ giúp doanh nghiệp thu hút thêm nhiều khách hàng, gia tăng thị phần, tiết kiệm chi phí, từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện vẫn còn chưa thực sự hiệu quả, đồng bộ, dẫn đến gia tăng chí phí, nguyên nhân sâu xa của thực trạng này bắt nguồn từ:

- Các thủ tục pháp lý còn rườm rà và thiếu tính đồng bộ;

- Thiếu tính tự động hóa trong quá trình thương mại, chẳng hạn như quy trình tự động giải phóng thương mại;

- Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn mang tính phân mảnh, chưa thực sự đồng bộ;

- Sự thiếu cân bằng nghiêm trọng về cung - cầu trong việc cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông.

Các số liệu thống kê cho thấy, các nhà vận chuyển của Việt Nam phải dành thêm 100 triệu USD/năm cho hàng phụ tồn kho do chậm chễ trong các thủ tục giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu và con số này có thể còn lên tới 180 triệu USD vào năm 2020.

Để có thể khắc phục những hạn chế trên, Việt Nam cần:

- Tiến tới giảm thiểu các thủ tục giấy tờ và các bước không cần thiết trong quá trình giải phóng hàng hóa tại các cảng biển, cảng hàng không và khu vực kho bãi;

- Cải thiện kết nối nội địa đến các cảng ở phía Bắc và các cổng xuất hàng hóa ra quốc tế ở khu phía Nam; cùng với một kế hoạch tổng thể nhằm tái cân bằng cung - cầu tại các cảng công-ten-nơ thuộc các khu vực có mật độ hàng hóa cao;

- Mở cửa thị trường cho các hãng cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng quốc tế nhằm gia tăng tính cạnh tranh, đồng thời tăng cường sự tương tác giữa các nhà cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng quốc tế và nội địa.

Kiểm soát được chất lượng chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong lĩnh vực GTVT sẽ giúp mang lại lợi thế vô cùng to lớn. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần có sự phối hợp của hệ thống các nhà quản lý, xây dựng luật, các doanh nghiệp vận tải. Quá trình phát triển chuỗi cung ứng cũng song hành với việc xây dựng và nâng cao các công trình GTVT.

Ý kiến của bạn

Bình luận