Nếu được phê duyệt, chuyến bay đầu tiên của Vinpearl Air sẽ khai thác thương mại vào tháng 7/2020 |
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT vừa trình Thủ tướng kết quả thẩm định chủ trương thành lập hãng hàng không Vinpearl Air của Công ty CP Hàng không Vinpearl Air (tên đầy đủ là Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air) trên cơ sở đề xuất của UBND Tp. Hà Nội.
Qua thẩm định, Bộ KH&ĐT đánh giá hồ sơ dự án có đầy đủ các đề mục theo quy định. Hồ sơ dự án cũng đã có cam kết bước đầu của ngân hàng về việc thu xếp nguồn vốn vay. Quy mô dự án của Vinpearl Air phù hợp với quy hoạch phát triển ngành.
Theo đó, dự án sẽ được Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng giao UBND Hà Nội kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của Vinpearl Air theo đúng quy định của pháp luật.
4.700 tỷ đồng đầu tư dự án Vinpearl Air
Dự án Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.300 tỷ đồng, đặt trụ sở tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Nếu được phê duyệt, Vinpearl Air sẽ thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên trong tháng 7/2020.
Lượng máy bay khai thác trong năm đầu là 6 tàu bay loại tầm ngắn/trung thân hẹp 150-220 ghế. Trung bình hàng năm sẽ đưa vào khai thác thêm 6 máy bay và đến năm 2024 đạt 30 chiếc; năm 2025 khai thác 30 chiếc.
Trong 5 năm đầu hoạt động, Vinpearl Air sẽ tập trung duy trì số chuyến khai thác tại Nội Bài luôn trên mức 30% tổng số chuyến của hãng. Tại Tân Sơn Nhất, hãng sẽ khai thác 21 chuyến/tuần trong năm đầu tiên (chiếm 14,3%) và 112 chuyến/tuần trong năm thứ 5 (19,7%).
Trong năm đầu, dự án không lập kế hoạch khai thác đường bay quốc tế. Đến năm thứ 2 (năm 2021), Vinpearl Air sẽ khai thác 32 chuyến quốc tế/tuần, trong đó tại Nội Bài là 17 chuyến/tuần, Tân Sơn Nhất là 5 chuyến/tuần.
Mạng đường bay quốc tế từ Nội Bài đi/đến 33 điểm, từ Tân Sơn Nhất đi/đến 23 điểm, từ Đà Nẵng đi/đến 13 điểm, từ Vân Đồn đi/đến 8 điểm, từ Phù Cát đi/đến 3 điểm, từ Phú Quốc đi/đến 6 điểm, từ Cam Ranh đi/đến 3 điểm, từ Cần Thơ đi/đến 1 điểm và từ Liên Khương đi/đến 1 điểm.
Dự kiến đến năm 2025, Vinpearl Air khai thác 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế. Hãng sẽ khai thác các đường bay từ sân bay Nội Bài đi/đến 15 cảng hàng không, từ sân bay Tân Sơn Nhất đi/đến 13 cảng. Ngoài ra còn khai thác các chuyến đi/đến các sân bay Đà Nẵng, Vân Đồn, Phù Cát, Ram Ranh, Cát Bi, Cần Thơ.
Tạo việc làm cho 2.300 lao động, đóng góp gần 5.000 tỷ đồng thuế trong 5 năm đầu
Theo hồ sơ dự án, dự kiến khi bắt đầu hoạt động, Vinpearl Air sẽ đồng thời thuê khô (thuê không có tổ lái) và thuê ướt (thuê có tổ lái) máy bay nhằm giải quyết bài toán ngắn hạn. Từ năm 2022, Vinpearl Air sẽ đa dạng hoá các nguồn cung máy bay và phương thức sử hữu như: Thuê mua, mua thuê lại cũng như thuê ướt bổ sung mùa vụ.
Vinpearl dự kiến sử dụng sân bay Nội Bài làm sân bay căn cứ và dự kiến đỗ máy bay qua đêm trong năm đầu khai thác (2020) tại Nội Bài (2 máy bay), Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng và Vân Đồn (mỗi sân bay 1 máy bay).
Theo ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về dự án, quy mô đội máy bay như đề xuất của Vinpearl Air là phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cho năm 2020 (đến năm 2020, toàn bộ hệ thống cảng hàng không có 401 vị trí đỗ máy bay). Tuy nhiên, với giai đoạn sau năm 2020, đề nghị nhà đầu tư lưu ý việc sân bay Nội Bài sẽ hết vị trí đỗ trong thời gian tới trong khi sân bay Tân Sơn Nhất không còn vị trí đỗ máy bay, slot khai thác trong giai đoạn đến năm 2022 để có phương án bố trí đội máy bay qua đêm tại các sân bay khác cho phù hợp.
Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT giám sát việc phát triển đội máy bay phải phù hợp quy hoạch, năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, năng lực phục vụ cơ sở hạ tầng hàng không, việc bố trí các nguồn lực của nhà đầu tư, phát huy năng lực khai thác, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.
Trước đó, Bộ GTVT cho rằng dự án của Vinpearl Air đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong trường hợp Thủ tướng chấp thuận, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng không thẩm định các điều kiện về kinh doanh vận tải hàng không và báo cáo kết quả lên Thủ tướng.
Dự án Vinpearl Air ra đời nhằm giúp cho hành khách có thêm sự lựa chọn, nhằm tăng tính cạnh tranh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ hàng không, tạo thêm nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm dich vụ cho cộng đồng, phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực cũng như trên thế giới...
Theo đánh giá sơ bộ tại hồ sơ đề xuất Dự án, sau khi đi vào hoạt động, Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air dự kiến sẽ mang lại cơ hội việc làm trực tiếp cho khoảng 500-600 lao động từ thời điểm giữa năm 2020 và tăng lên khoảng 2.200-2.300 lao động vào năm 2023-2024, chưa kể các việc làm gián tiếp thông qua các hoạt động kinh tế, du lịch, đào tạo; có thể đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo thuế suất 20%) khoảng 1.000 tỷ đồng/năm vào cuối kỳ tính toán của kế hoạch 5 năm (2024); ngoài ra còn góp phần thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế, tạo thị trường mới và nâng cao trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý lĩnh vực hàng không.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.